Qui mô thị trường thương mại điện tử của khu vực ASEAN năm 2018 khoảng 13 tỷ USD và dự kiến đạt 88 tỷ USD vào năm 2025. Tuy phát triển nhanh chóng nhưng thực tế vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng.
Trong hai ngày 20 và 21/8 vừa qua tại Hà Nội, Ủy ban điều phối về Thương mại Điện tử ASEAN đã họp phiên toàn thể về thúc đẩy thương mại điện tử phát triển trong khu vực ASEAN.
Theo số liệu từ hãng Nghiên cứu Thị trường Statista, thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng tại khu vực ASEAN. Qui mô thị trường thương mại điện tử ASEAN năm 2015 chỉ khoảng 6 tỷ USD nhưng đến năm 2018 đã tăng lên 13 tỷ USD, tới năm 2025 dự kiến đạt 88 tỷ USD.
Điều này một mặt mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho các nước trong việc nâng cao niềm tin trong thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của thương mại điện tử, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã thông qua chương trình hành động ASEAN về thương mại điện tử 2017 - 2025 nhằm mục đích thuận lợi hóa thương mại điện tử trong khu vực.
Một trong những ưu tiên đó là xây dựng Bộ qui tắc hướng dẫn về trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển các nền tảng, mở ra cơ hội cho thương mại điện tử xuyên biên giới và nâng cao niềm tin của người tiêu dùng.
Dự kiến, Bộ Qui tắc sẽ được thông qua vào cuối năm 2019.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại nhiều nước trên thế giới thì ASEAN cũng đang nổi lên là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất về sử dụng internet.
Đây đồng thời cũng là khu vực tham gia tích cực vào phát triển kĩ thuật số, chú trọng thúc đẩy đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng là động lực chính cho sự tăng trưởng này.
Theo báo cáo đầu tư ASEAN năm 2018 của Hội nghị về Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc, năm 2017 nền kinh tế số được ước tính trị giá 50 tỷ USD, tương đương 2% GDP của khu vực. Tính đến năm 2025 dự kiến sẽ trị giá 200 tỷ USD, tương đương 6% GDP của khu vực.
Tuy nhiên so với tỉ lệ 16% ở Trung Quốc và 35% ở Mỹ, kinh tế số tại ASEAN vẫn là một con số khiêm tốn và còn rất nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển.
Kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, cho phép các nền kinh tế ASEAN cạnh tranh hiệu quả hơn trong nền kinh tế toàn cầu. Đồng thời giảm sự phân chia số, tạo ra một khu vực ASEAN phát triển toàn diện hơn, cho phép các quốc gia thành viên tăng tốc nền kinh tế trong nước.
Theo phân tích của công ty tư vấn Bain, hội nhập kĩ thuật số có thể mang lại sự gia tăng 1.000 tỷ USD GDP trong ASEAN vào năm 2025.
Trước thực tế phát triển này, năm 2018 các nước ASEAN đã thông qua Khung Hội nhập số với một số lĩnh vực ưu tiên như thương mại điện tử xuyên biên giới, bảo vệ dữ liệu, hỗ trợ thương mại số, tạo thuận lợi thanh toán số xuyên biên giới, đào tạo nhân lực số, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Trong năm 2019, các quốc gia ASEAN tiếp tục thảo luận và xây dựng kế hoạch tăng cường hành động về kinh tế số, hội nhập số.
Nguồn: Báo Thế giới tiếp thị
Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: