Sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan vừa qua tại Bangkok không phải là lần đầu tiên Washington vắng mặt trong các cuộc họp khu vực có sự tham gia của các quốc gia có một nửa dân số toàn cầu. Trước đó, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã hủy chuyến đi tới Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Singapore năm 2007.
Là một đối tác thương mại quan trọng của khối, phái đoàn Mỹ tham dự hội nghị cấp cao tại Bangkok từ ngày 2-4/11/2019 do Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien dẫn đầu.
Ngoài những rắc rối về các vấn đề trong nước, chính quyền Tổng thống Trump tập trung vào chính sách "Nước Mỹ trước tiên" và các hành động thương mại đơn phương khác xa với chủ nghĩa đa phương, kết nối và hợp tác khu vực mà ASEAN đang tập trung. Quan hệ Mỹ - ASEAN rất phức tạp. Nhìn chung, các thành viên ASEAN đã giữ mối quan hệ tốt với Mỹ, nhưng hai bên cũng có những mâu thuẫn, như về vấn đề nhân quyền và thương mại. Nếu không giải quyết đúng đắn những khác biệt này, quan hệ Mỹ - ASEAN sẽ bị ảnh hưởng.
Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, Nghị định thư nâng cấp FTA ASEAN - Trung Quốc đã có hiệu lực vào ngày 22/10 sẽ cho thấy thêm lợi ích tiềm năng của khu vực thương mại tự do này. Các cuộc đàm phán RCEP đã tạo ra một bước đột phá lớn. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN là mối quan hệ năng động, thực chất và hiệu quả nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cơ chế hợp tác Trung Quốc - ASEAN đã thiết lập một mô hình cho các quốc gia khác trong một số lĩnh vực. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 10 năm liên tiếp. Năm 2018, thương mại song phương giữa Trung Quốc và ASEAN đạt mức 580 tỷ USD và đầu tư lẫn nhau đạt hơn 200 tỷ USD. Những số liệu này cho thấy sự hợp tác giữa Trung Quốc và khối ASEAN có hiệu quả cao.
Quan hệ ASEAN - Trung Quốc đã bước vào một giai đoạn phát triển toàn diện mới. Năm 2017, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, khuôn khổ hợp tác với ASEAN sẽ nâng cấp lên 3 + X, chạm vào nhiều lĩnh vực trong khi tập trung vào an ninh chính trị, kinh tế và thương mại và giao lưu giữa người dân với người dân. Hợp tác sâu sắc hơn trong nền kinh tế kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và an ninh mạng cũng được mong đợi. Năm 2018, tầm nhìn đối tác chiến lược Trung Quốc - ASEAN 2030 được ban hành, đã đưa ra một kế hoạch chi tiết đầy hứa hẹn cho sự phát triển của các mối quan hệ trong tương lai. Mặc dù có quy mô khổng lồ, các cách để cải thiện chất lượng và tiêu chuẩn hợp tác sẽ tiếp tục được khai thác, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang có thương chiến với Mỹ.
Nguồn: Báo Công Thương
Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: