Hiện tại, các nước ASEAN đang xem xét sửa đổi Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) nhằm cải tiến Hiệp định này để mang lại nhiều lợi ích hơn cho các doanh nghiệp trong khối. Việc đàm phán sửa đổi Hiệp định dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 12/2022 và các nước dự kiến sẽ ký kết Hiệp định sửa đổi tại Hội nghị Hội đồng AFTA lần thứ 37 vào năm 2023.
Để phục vụ cho việc xây dựng đề xuất sửa đổi ATIGA từ phía cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kính đề nghị các hiệp hội và doanh nghiệp cho ý kiến về việc thực thi ATIGA ở các nội dung sau:
1. Quy tắc xuất xứ của ATIGA
Đề nghị doanh nghiệp cho ý kiến về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan ATIGA trong thời gian qua. Chẳng hạn như:
- Nguyên tắc cộng gộp từng phần của ATIGA: Thông thường, các FTA chỉ cho phép cộng gộp các nguyên liệu đáp ứng được tiêu chí xuất xứ cụ thể quy định cho nguyên liệu đó. Tuy nhiên, duy nhất trong ATIGA cho phép cộng gộp từng phần, tức là nếu nguyên liệu chỉ đáp ứng ngưỡng hàm lượng giá trị khu vực (RVC) từ 20% đến 39% thì được cộng gộp đúng số giá trị thực tế “có xuất xứ” đó vào công đoạn sản xuất tiếp theo để xác định xuất xứ cho hàng hóa, còn nếu nguyên liệu có RVC dưới 20% thì không được cộng gộp. Như vậy, so với các FTA khác thì hình thức cộng gộp từng phần của ATIGA là có lợi hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, so với nguyên tắc cộng gộp toàn phần trong CPTPP thì nguyên tắc cộng gộp từng phần không có lợi bằng. Cụ thể, CPTPP cho phép nguyên liệu chỉ đáp ứng một phần quy tắc xuất xứ (ví dụ không thể đáp ứng tiêu chí RVC40% mà chỉ đáp ứng RVC 19%) thì phần giá trị có xuất xứ đó vẫn được phép cộng gộp vào công đoạn sản xuất tiếp theo để tính xuất xứ cho thành phẩm.
Do đó, liệu ATIGA có nên chuyển sang hình thức Cộng gộp toàn phần hay không?
- Chứng minh xuất xứ: Từ khi có hiệu lực, ATIGA đã được sửa đổi để đơn giản hóa hơn nữa thủ tục chứng minh xuất xứ (ví dụ như áp dụng CO điện tử, thí điểm Tự chứng nhận xuất xứ). Các FTA sau này của Việt Nam cũng yêu cầu bắt buộc hoặc hướng tới áp dụng Tự chứng nhận xuất xứ.
Vậy ATIGA có nên mở rộng để bao gồm cả cơ chế Tự chứng nhận xuất xứ bởi cả nhà xuất khẩu và nhập khẩu hay không?
- Hóa đơn của Bên thứ ba: ATIGA cho phép sử dụng Hóa đơn của Bên thứ ba nhưng trên C/O ưu đãi phải ghi rõ thông tin chi tiết của hóa đơn được phát hành bởi bên thứ ba.
Doanh nghiệp có gặp khó khăn gì khi sử dụng Hóa đơn của Bên thứ ba hay không, đặc biệt trong trường hợp sử dụng CO giáp lưng?
- Các quy tắc cụ thể mặt hàng: Doanh nghệp gặp khó khăn gì khi đáp ứng các quy tắc cụ thể mặt hàng của ATIGA, nguyên nhân vì sao và có đề xuất sửa đổi gì đối với quy tắc cụ thể một hoặc một số mặt hàng?
Ngoài các vấn đề trên, trong quá trình thực hiện quy tắc xuất xứ ATIGA, doanh nghiệp còn gặp khó khăn vướng mắc gì hay không? Doanh nghiệp có đề xuất sửa đổi nào đối với quy tắc xuất xứ của ATIGA không?
2. Các biện pháp phi thuế quan
Các biện pháp phi thuế quan là tất cả các biện pháp ngoài thuế quan mà có ảnh hưởng tới thương mại, chẳng hạn như các biện pháp hạn chế số lượng xuất nhập khẩu, các quy định về bao bì, nhãn mác, các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, khử trùng….
Trong quá trình xuất khẩu hàng hóa đi các nước ASEAN và nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN vào Việt Nam, doanh nghiệp có gặp phải các biện pháp phi thuế quan nào hay không? Doanh nghiệp có đáp ứng được các biện pháp này hay không? Doanh nghiệp có đề xuất hoặc kiến nghị nào để bổ sung vào ATIGA các nguyên tắc về việc ban hành các biện pháp phi thuế quan của các nước hay không?
Các ý kiến và đề xuất của hiệp hội và doanh nghiệp xin gửi về Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI trước ngày 29/02/2020 qua đường email hoặc bưu điện tại địa chỉ:
Trung tâm WTO và Hội nhập
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Điện thoại: 024-35771458
Fax: 024-35771459
Email: banthuky@trungtamwto.vn
Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: