Điểm tin

Triển vọng kinh tế Thái Lan dưới tác động của COVID-19

08 tháng 04. 2020

Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) dự báo sự suy giảm của kinh tế nước này sẽ chạm đáy trong quý II/2020 trước những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và tác động tiêu cực của dịch COVID-19.

Don Nakornthab, Giám đốc Vụ Chính sách và Kinh tế thuộc Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT), cho biết các hoạt động kinh tế, tài chính của Thái Lan trong tháng Hai vừa qua đã sụt giảm nghiêm trọng so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhằm giảm thiểu tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Chính phủ Thái Lan đã công bố một gói kích thích kinh tế mới trị giá 1.680 tỷ baht (hơn 50,87 tỷ USD), tương đương 10% GPD năm 2019 của nước này. Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak cho biết gói cứu trợ sẽ dành cho tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế trong ít nhất 6 tháng tới. Theo kế hoạch, Chính phủ Thái Lan sẽ sớm ban hành một loạt sắc lệnh hành chính để thực hiện gói cứu trợ nói trên.

Tác động về kinh tế vĩ mô

Trong tháng Hai vừa qua, những thiệt hại mà đại dịch COVID-19 gây ra cho nền kinh tế Thái Lan là quá lớn, đặc biệt là lĩnh vực du dịch đã bị sụt giảm chưa từng thấy. Sự bùng phát của dịch bệnh cũng tác động nghiêm trọng đến hoạt động xuất-nhập khẩu với nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ lệnh phong tỏa của Trung Quốc. 

Chi tiêu công tiếp tục giảm sút, nhưng tiêu dùng cá nhân lại tăng trưởng do người dân đua nhau tích trữ những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Trong khi đó, các hoạt động kinh tế ảm đạm cũng đã làm cho lĩnh vực sản xuất và đầu tư tư nhân vận hành một cách cầm chừng.
Theo ông Don Nakornthab, sự suy giảm của nền kinh tế dự kiến sẽ tiếp tục xấu đi trong tháng Ba và những tháng sau đó, để rồi rơi xuống mức tồi tệ nhất trong quý II/2020. Sự thu hẹp của nền kinh tế sẽ ít nghiêm trọng hơn trong quý III và quý IV/2020, theo đó mức suy giảm chung của cả năm ước tính khoảng 5,3%. 

Nền kinh tế dự kiến sẽ bắt đầu phục hồi vào năm 2021. Những dự báo này đã tính đến hiệu quả của hai gói kích thích kinh tế trị giá lần lượt là 400 tỷ baht và 117 tỷ baht (3,5 tỷ USD) công bố trước đây, nhưng chưa bao gồm kế hoạch triển khai gói kích thích kinh tế mới có quy mô 1.680 tỷ baht mà Chính phủ mới bổ sung.

Ông Don Nakornthab cho hay kết quả dự báo được đưa ra dựa trên nhận định rằng Chính phủ nước này có thể kiềm chế đại dịch trong quý II/2020, sau đó các hoạt động kinh tế dần dần trở lại bình thường và một phần du khách nước ngoài trở lại “đất nước chùa Vàng”. 
Đồng thời, dự báo trên cũng dựa trên một giả định nữa là vắc-xin chống virus SARS-CoV-2 sẽ được phát triển thành công vào năm 2021 để kiềm chế đại dịch trên toàn cầu.

Chuyên gia kinh tế này cũng nhận định rằng đồng baht sẽ mất giá so với đồng USD khi các nhà đầu tư bán các cổ phiếu và trái phiếu Thái Lan. Đồng thời, sự yếu đi của đồng nội tệ Thái Lan có lẽ sẽ là một tín hiệu tích cực cho người nông dân, bởi các doanh nghiệp xuất khẩu có thể bán nhiều hơn nông sản do giá cả cạnh tranh. 

Trái ngược với những lo ngại trước đây về hiện tượng đồng baht tăng giá gây khó khăn cho xuất khẩu, ngày 31/3 vừa qua, đồng nội tệ của Thái Lan giao dịch ở mức thấp nhất trong nhiều tháng trở lại đây là 32,60 baht đổi 1 USD. Đồng baht được dự báo sẽ tiếp tục mất giá trong thời gian tới, trong khi tài khoản vãng lai bị thu hẹp trong tháng Ba do lượng khách du lịch đến Thái Lan sụt giảm mạnh.

Tác động đến từng tế bào kinh tế

Ông Don Nakornthab đã bày tỏ những quan ngại về an sinh xã hội đối với người lao động bị mất việc làm hoặc không có thu nhập do các doanh nghiệp bị đóng cửa. 

Những nhân viên khách sạn, nhà hàng ăn uống, công ty du lịch và các doanh nghiệp liên quan bị ảnh nặng nề nhất từ các lệnh phong tỏa trên toàn cầu. Chỉ riêng trong tháng Hai vừa qua, số lượng hành khách nước ngoài đến Thái Lan đã giảm 42,8% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Đáng chú ý, lượng khách du lịch Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng sau khi Bắc Kinh tuyên bố phong tỏa nhiều khu vực và cấm các tour du lịch nước ngoài theo nhóm để kiềm chế dịch COVID-19.

Tuy nhiên, số lượng du khách Nga tiếp tục tăng trưởng do tình hình dịch bệnh của nước này vẫn được kiểm soát tốt trong tháng Hai. Dù vậy, lượng khách du lịch trong tháng Ba chỉ khoảng 600 người sau khi lệnh cấm đặt phòng khách sạn được đưa ra.

Trong khi đó, sự bùng phát của dịch bệnh và những biện pháp phong tỏa của Trung Quốc đã làm suy giảm đáng kể các hoạt động kinh tế ở Thái Lan, nhất là tiêu dùng tư nhân, sản xuất và vận chuyển hàng hóa.

Theo đó, lượng hàng hóa xuất khẩu từ Thái Lan sang Trung Quốc đã giảm đáng kể, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có hoa quả, cũng như các sản phẩm hóa dầu và hóa chất. Thêm vào đó, xuất khẩu đá quý và trang sức từ nước này sang Hong Kong (Trung Quốc) cũng bị thất thu do số lượng đơn đặt hàng giảm xuống. 

Dù vậy, xuất khẩu thiết bị điện tử và ổ cứng máy tính tiếp tục tăng trưởng, bởi trước đó có sự chuyển dịch cơ sở đến Thái Lan.

Chi tiêu công tiếp tục giảm cả ở các gói chi tiêu hiện tại và chi tiêu vốn của chính phủ trung ương do dự luật ngân sách tài khóa 2020 bị chậm thông qua. Trong khi đó, chi tiêu vốn của các doanh nghiệp nhà nước cũng đi xuống do tốc độ giải ngân chậm của các cơ quan liên quan đến lĩnh vực năng lượng.

Các chỉ số tiêu dùng tư nhân tăng so với cùng kỳ năm ngoái, bắt nguồn từ hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng hóa thiết yếu trong bối cảnh lo ngại về đại dịch COVID-19 gia tăng. Tuy nhiên, tiêu dùng tư nhân trong các danh mục hàng hóa khác lại giảm, đặc biệt là chi tiêu các dịch vụ khách sạn, nhà hàng cũng như vận tải, một phần là do người dân hạn chế ra khỏi nhà.

Hơn nữa, chi tiêu đối với các hàng hóa lâu bền như phương tiện giao thông cũng tiếp tục sụt giảm. Điều này tương ứng với việc các nhân tố hỗ trợ tiêu dùng đang yếu đi, trong đó có thu nhập hộ gia đình, việc làm và niềm tin của người tiêu dùng, trong khi đó, gánh nặng nợ nần tiếp tục tăng cao. 

Các chỉ số đầu tư tư nhân giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu bắt nguồn từ sự sụt giảm của việc nhập khẩu các hàng hóa vốn từ Trung Quốc. Đồng thời, các chỉ số khác phản ánh đầu tư trong lĩnh vực máy móc, thiết bị và đầu tư xây dựng cũng giảm cùng với nhu cầu yếu từ nội địa và nước ngoài cũng như tâm lý kinh doanh đang xấu đi trong mùa dịch COVID-19.

Trong khi đó, giá trị hàng hóa nhập khẩu cũng giảm 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm trong lĩnh vực nhập khẩu diễn ra ở gần như tất cả các danh mục hàng hóa, bao gồm nguyên liệu thô, hàng hóa thành phẩm, hàng hóa vốn và hàng hóa tiêu dùng, nhất là các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây là kết quả của các biện pháp phong tỏa để hạn chế sự lây lan của virus. Sản xuất suy giảm do nhu cầu yếu. 

Tuy nhiên, tác động của sự gián đoạn chuỗi cung ứng có liên quan đến Trung Quốc đối với lĩnh vực sản xuất ở Thái Lan trong tháng Hai là không rõ ràng, bởi các doanh nghiệp đã tích trữ đủ nguyên liệu và phụ tùng trong kho để sản xuất.

Về tính ổn định của nền kinh tế, lạm phát toàn phần đang đứng ở mức 0,74%, chậm lại so với tháng trước giữa bối cảnh giá năng lượng giảm do khủng hoảng giá dầu thô thế giới. Trong khi đó, lạm phát cơ bản có xu hướng tăng. 

Tài khoản vãng lai có thặng dư cao hơn khi ở mức 5,4 tỷ USD, tăng từ 3,4 tỷ USD trong tháng Một - là kết quả của sự sụt giảm đáng kể của giá trị hàng hóa nhập khẩu. 

Tổng tài khoản vốn và tài khoản tài chính của Thái Lan có sự thâm hụt cả về tình trạng tài sản và tình trạng nợ. Sự thâm hụt tổng tài khoản vốn chủ yếu là do các khoản đầu tư theo danh mục ở nước ngoài của Quỹ Đầu tư nước ngoài (FIF) và các tập đoàn tiền gửi (ODC) khác.

Sự thâm hụt tổng tài khoản tài chính chủ yếu bắt nguồn từ việc thanh toán các khoản trả nợ ngắn hạn của các ODC để điều chỉnh tình trạng ngoại tệ của mình và việc các nhà đầu tư nước ngoài bán các cổ phiếu nợ, điều này phù hợp với xu hướng đầu tư theo danh mục ở các nước trong khu vực./.

Nguồn: BNews

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: