Điểm tin

EVFTA: Mô hình cho hợp tác ASEAN - EU

22 tháng 06. 2020

Sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA), đây là FTA thứ hai (sau Singapore) của EU với các nước trong khu vực ASEAN.

Singapore và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khu vực. Hai nước này chiếm khoảng 45% tổng giao dịch của EU trong quan hệ thương mại với ASEAN. Các FTA này được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích thương mại và việc làm liên khu vực. Các hiệp định thương mại tự do loại bỏ thuế quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, và nhằm mục đích giải quyết nhiều hàng rào phi thuế quan trong ngành công nghiệp ôtô, điện tử, dược phẩm và dệt may. Đối với các công ty châu Âu, các FTA mang lại cơ hội để có được quyền tiếp cận vào thị trường viễn thông, tài chính và công nghệ thông tin khu vực ASEAN. Các công ty Singapore đi đầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, sẽ được hưởng quyền tiếp cận không giới hạn vào các thị trường kỹ thuật số châu Âu. Chính phủ Việt Nam ước tính, xuất khẩu sang EU sẽ tăng tới 20% theo FTA, tăng thêm 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2023.

Đã có những dấu hiệu cho thấy, các FTA của Singapore và Việt Nam với EU có thể đóng vai trò như một mô hình cho một FTA đa phương ASEAN - EU. Chiến lược toàn cầu châu Âu năm 2016 của EU đã ám chỉ mối quan hệ kinh tế và an ninh chặt chẽ hơn với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn EVFTA, đã đánh dấu một cột mốc quan trọng có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho các FTA của EU với các quốc gia ASEAN khác. EU là nhà đầu tư lớn nhất vào khu vực ASEAN, chiếm gần 1/3 tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đây cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của khối, với tổng thương mại ơ

mức 265 tỷ USD vào năm 2018. Một thỏa thuận thương mại tự do giữa hai khu vực sẽ có tác động sâu sắc đến dòng vốn FDI và khối lượng xuất khẩu ASEAN. EU đã khởi động lại các cuộc đàm phán với khối ASEAN vào năm 2017 sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương. Môi trường kinh tế quốc tế ngày càng bất ổn đã thúc đẩy châu Âu hướng về phía Đông Nam Á. Hai năm sau đó, các cuộc đàm phán đã rơi vào bế tắc. Liệu các FTA với Singapore và Việt Nam có trở thành chất xúc tác một FTA đa phương giữa hai khối hay không?

Sau khi triển vọng về FTA EU - ASEAN tái xuất hiện vào năm 2017, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã tiến hành thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. EU cũng đang đối phó với hậu quả của Brexit khi Anh rời khỏi khối liên minh và tìm cách giảm thiểu tác động của bất ổn kinh tế thông qua đàm phán các FTA. Bối cảnh EU năm 2019 và 2020 có rất nhiều khác biệt. Sau thành công của thỏa thuận Brexit và Anh rời EU vào ngày 31/1/2020, hai bên đang bế tắc trong tìm kiếm một thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Cùng với đó, cuộc chiến

thương mại Mỹ - Trung sau khi ký kết được thỏa thuận giai đoạn 1 vào tháng 1 năm nay, lại đang có nguy cơ leo thang và chưa có dấu hiệu kết thúc. EU hiện có các FTA với hai đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN. Mặc dù sẽ có giá trị kinh tế đáng kể trong việc đảm bảo thương mại miễn thuế với Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines, nhưng EU vẫn còn những bất đồng nghiêm trọng về một FTA với khối kinh tế ASEAN. Cuộc tranh chấp giữa các nhà sản xuất dầu cọ lớn của EU và ASEAN cũng đã gia tăng trong năm 2019. Sau quyết định của EU về việc cấm các quốc gia thành viên sử dụng dầu cọ có nguồn gốc từ Malaysia và Indonesia làm nhiên liệu sinh học, hai nước đã đệ đơn khiếu nại tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Các vụ kiện này có thể mất vài năm để giải quyết và có khả năng sẽ làm giảm nhiệt tình của EU đối với thương mại miễn thuế với cả hai quốc gia này.

Với những rào cản không thể vượt qua như vậy đối với cách tiếp cận đa phương, EU có thể sẽ tiếp tục với các cuộc đàm phán song phương. Nếu các FTA với Singapore và Việt Nam cung cấp bàn đạp cho những cuộc đàm phán thương mại tiếp theo, Thái Lan có triển vọng là nước thứ ba trong ASEAN ngồi vào bàn đàm phán EU. EU và Thái Lan đã khởi xướng các cuộc đàm phán về một FTA vào năm 2013, nhưng bị đình trệ một năm sau đó, khi tình hình chính trị Thái Lan có biến động. Năm 2017, EU đã đặt ra những điều kiện để nối lại các cuộc đàm phán. Các mối quan tâm của EU đã khiến những tuyến đường song phương trở thành lựa chọn khả thi duy nhất. Các vấn đề ở một số nước như Campuchia và Myanmar có nghĩa là ASEAN không thể là phương tiện cho thương mại miễn thuế của EU với các quốc gia Đông Nam Á. Khi các nghẽn được giải quyết, EU chắc chắn sẽ thúc đẩy các FTA với nhiều quốc gia ASEAN hơn nữa. Nhưng với mỗi hiệp định thương mại song phương, nhu cầu về một hiệp định khu vực sẽ co lại. Khi mỗi quốc gia mở cửa cho thương mại miễn thuế với EU, nhu cầu về một FTA bao trùm khu vực lại giảm dần. Cuối cùng, EU sẽ đàm phán một cách

hiệu quả từ một thỏa thuận đa phương. Các FTA của EU với Singapore và Việt Nam đưa ra một mô hình sẽ tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán thương mại song phương trong tương lai với các quốc gia ASEAN khác. Có thể đến một ngày Thái Lan, Malaysia và Indonesia được hưởng giao dịch miễn thuế với khối thương mại lớn nhất thế giới, nhưng một FTA giữa hai khu vực sẽ còn xa vời.

Hơn nữa, cơn bão Brexit vẫn chưa lắng xuống, quyết định rời Liên minh châu Âu của Anh đã, đang và sẽ tiếp tục có tác động khắp ở châu Á; đáng kể nhất là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, sẽ dẫn đến việc cấu hình lại các thỏa thuận thương mại giữa EU và châu Á, đặc biệt là ASEAN. Đầu tiên, Brexit có tác động đến cách EU tiến hành đàm phán các FTA song phương với các quốc gia thành viên ASEAN còn lại (sau Singapore và Việt Nam) nên chắc chắn tác động đến FTA với ASEAN. Thứ hai, Brexit ảnh hưởng đến việc Vương quốc Anh nằm ngoài bất kỳ FTA nào sau này của EU, sẽ bị buộc phải tìm kiếm các FTA với các quốc gia thành viên ASEAN. Là đối tác thương mại lớn thứ ba bên ngoài châu Âu sau Mỹ và Trung Quốc, khối ASEAN vẫn là thị trường quan trọng đối với EU.

Nguồn: Báo Công Thương

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: