Điểm tin

3 mục tiêu quan trọng giúp kinh tế ASEAN sớm hồi phục 'chấn thương' hậu Covid-19

26 tháng 06. 2020

ASEAN có thể đánh bại đối thủ vô hình - đại dịch Covid-19 và giảm bớt các tác động kinh tế bất lợi bằng những chương trình hành động phối hợp tầm khu vực và sự lãnh đạo mạnh mẽ. Để thành công, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 cần đạt được ít nhất ba mục tiêu quan trọng.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 vào ngày 26/6 tại Hà Nội diễn ra trong bối cảnh niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp bị tổn hại nghiêm trọng bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Sống chung và giảm thiểu sự lây lan của đại dịch vẫn là ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia thành viên ASEAN, cùng với đó là những nỗ lực hợp tác để củng cố hệ thống y tế công cộng. 

Thách thức chưa từng có 

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang nỗ lực mở cửa lại nền kinh tế sau khi phong tỏa vì đại dịch thì một số nước ASEAN, điển hình như Việt Nam đang nổi lên là điểm sáng về phòng chống dịch Covid-19 và nhanh chóng phục hồi kinh tế.

Chỉ trong vòng một tháng sau khi Việt Nam chính thức kết thúc chiến dịch cách ly xã hội trên toàn quốc ngày 22/4 và bước vào giai đoạn bình thường mới, cuộc sống của người dân sau đại dịch đã trở lại nhịp độ đáng kinh ngạc và không còn ca lây nhiễm trong cộng đồng. Các nước khác trong khu vực cũng đang thực hiện các chiến lược phòng chống Covid-19 và quá trình phục hồi kinh tế với các gói kích thích kinh tế với quy mô và phạm vi chưa từng có.

Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhiều người đối mặt với nguy cơ về sức khỏe, mất sinh kế, các công ty thuộc nhiều ngành nghề sụt giảm doanh thu, dẫn đến thu hẹp sản xuất và cắt giảm nhân công. Một cuộc suy thoái trầm trọng là không thể tránh khỏi. Các chuyên gia kinh tế dự đoán, đại dịch có thể tạo ra những thách thức kinh tế với quy mô cùng mức độ tàn phá còn khủng khiếp hơn cả hai cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 và 2008 và ảnh hưởng sẽ còn kéo dài.

Trong khi từng quốc gia đang phải nỗ lực vật lộn với đại dịch, những chiến lược hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch Covid-19 lại gặp nhiều trở ngại nghiêm trọng. Kể từ lúc dịch bệnh bùng phát vào cuối tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) cho tới ngày 25/3/2020 khi Liên hợp quốc phát động Kế hoạch ứng phó nhân đạo toàn cầu trị giá 2 tỷ USD, hầu hết các quốc gia chủ yếu vẫn hành động riêng lẻ.

Ở quy mô của một tổ chức khu vực, các quốc gia ASEAN đã có nhiều biện pháp phòng chống Covid-19 dù không rõ khu vực này có nhận được hỗ trợ từ Kế hoạch của Liên hợp quốc hay không. Ngày 14/4, dưới sự chủ trì của Việt Nam, ASEAN đã tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh Covid-19 lần đầu tiên theo hình thức trực tuyến. 

Các biện pháp phòng chống Covid-19 như phong tỏa, cách ly xã hội, cấm các chuyến bay quốc tế, hạn chế vận chuyển hàng hóa đã được nhiều nước ASEAN áp dụng dựa trên tỷ lệ lây nhiễm và năng lực của hệ thống y tế công cộng của từng nước.

Ba mục tiêu quan trọng

Các chuyên gia kinh tế nhận định, ASEAN có thể đánh bại đối thủ vô hình - đại dịch Covid-19 và giảm bớt các tác động kinh tế bất lợi bằng những chương trình hành động phối hợp tầm khu vực và sự lãnh đạo mạnh mẽ. Để thành công, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 cần đạt được ít nhất ba mục tiêu quan trọng.

Thứ nhất, các nhà lãnh đạo ASEAN cần sẵn sàng phối hợp để thực hiện các kế hoạch khu vực đã được công bố và triển khai từ Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh Covid-19 ngày 14/4. Các nhà lãnh đạo phải tập trung vào các hành động chung để phòng chống dịch bệnh cũng như tạo thêm việc làm cho các khu vực kinh tế. 

Thứ hai, ASEAN cần thể hiện vai trò tiên phong kích thích nền kinh tế toàn cầu bằng việc nhanh chóng đẩy lùi các áp đặt và hạn chế thương mại do đại dịch và sớm đi đến ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Thực tế 3 năm gần đây cho thấy, những trở ngại về thuế quan có thể làm chậm quá trình tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Vì vậy, việc sớm kết thúc các cuộc đàm phán RCEP đã giúp vực dậy niềm tin kinh doanh và kích thích tăng trưởng. Đây cũng là một “phát súng” cần thiết cho nền kinh tế toàn cầu, nhất là trong bối cảnh của đại dịch.

Cuối cùng, quan trọng hơn cả, các nhà lãnh đạo ASEAN cần đưa ra một kế hoạch kích thích tài khóa đồng bộ với quy mô lớn hơn gói kich thích đã được khối này công bố. Theo các chuyên gia kinh tế, các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ nên được thiết kế linh hoạt để chống chọi với suy thoái kinh tế kéo dài trên quy mô toàn cầu và giữ vững mạng lưới sản xuất của ASEAN. Các biện pháp kích thích kinh tế cũng sẽ là một cơ hội để đầu tư vào quá trình chuyển đổi kinh tế và đổi mới công nghệ cần thiết nhằm mang lại sự phát triển bền vững cho khu vực.

Nếu làm được những điều này, ASEAN chắc chắn sẽ cải thiện được niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư vào khả năng khu vực sẽ sớm vượt qua các thách thức chưa từng thấy do đại dịch Covid-19 gây ra.

Trong khi các nước ASEAN có cơ cấu tài chính và công nghiệp khác nhau, biện pháp hiệu quả duy nhất giúp các quốc gia phục hồi nền kinh tế là phải huy động được toàn bộ hệ thống tài chính: thị trường trái phiếu, hệ thống ngân hàng, thậm chí cả hệ thống hưu trí.

Việc sử dụng các biện pháp hỗ trợ như cho vay ưu đãi, bảo lãnh cho vay hay giảm thuế có thể hỗ trợ cho việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn carbon thấp và tăng cường khả năng phục hồi của các hệ thống sản xuất của ASEAN.

Các kế hoạch đầu tư và thương mại nhằm vực dậy nền kinh tế đóng vai trò rất quan trọng đối với các quốc gia thành viên ASEAN nhằm đạt được các cam kết toàn cầu vào năm 2030, cũng như các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc và Thỏa thuận Khí hậu Paris.

Nguồn: Báo Quốc Tế
 

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: