Trước khó khăn mà đại dịch COVID-19 gây ra, các nước ASEAN đang tìm cách phát triển trở lại ngành du lịch và lữ hành, và công nghệ sẽ là chìa khóa cho bài toán phục hồi này.
ASEAN nỗ lực phục hồi nhanh ngành du lịch
Các nước Đông Nam Á chủ yếu phát triển kinh tế dựa nhiều vào du lịch. Theo Hiệp hội Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), năm 2019, ngành du lịch và lữ hành đóng góp 12,1% GDP của khu vực và cứ 10 người thì có 1 người ASEAN làm việc liên quan đến lĩnh vực này.
Việc đóng cửa trên toàn quốc và đóng cửa biên giới quốc tế nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 hiện nay đã gây bất lợi cho ngành du lịch trong toàn khu vực. Song vẫn có một số tín hiệu tích cực của việc phục hồi du lịch trong một số nước và chi tiêu địa phương gia tăng.
Sojern, một công ty phân tích dữ liệu du lịch, gần đây đã báo cáo rằng các công cụ tìm kiếm trực tuyến về khách sạn ở Bali (Indonesia) gần như đã chạm ngưỡng bằng trước đại dịch, dựa trên khả năng nước này cho phép mở cửa trở lại vào đầu năm tới.
Các điểm du lịch nổi tiếng ở Thái Lan đã sẵn sàng mở cửa trở lại. Áp lực đáng kể từ người tiêu dùng buộc chính phủ và ngành du lịch cần phải làm việc cùng nhau để có kế hoạch mở cửa lại an toàn.
Ngành công nghiệp không khói này đã được hưởng lợi từ các gói kích thích toàn nền kinh tế, với việc nhiều chính phủ các nước đưa ra các biện pháp cứu trợ du lịch cụ thể.
Theo đó, Thái Lan đã ban hành gói kích thích du lịch nội địa trị giá 718 triệu USD để phục hồi du lịch trong nước, trong khi Campuchia công bố các hướng dẫn và quy tắc ứng xử an toàn mới cho các doanh nghiệp du lịch.
Malaysia cũng chứng kiến sự gia tăng trong các gói du lịch nội địa, trong khi Việt Nam triển khai chiến dịch quảng bá du lịch "Người Việt Nam đi du lịch tại Việt Nam". Singapore công bố chương trình phiếu mua hàng trị giá 233 triệu USD, nhằm tăng tiêu dùng nội địa trong toàn ngành du lịch.
Mặc dù những sáng kiến này được hoan nghênh, nhưng chúng không thể duy trì mãi. Và việc mở cửa trở lại một cách có kế hoạch và cẩn thận là điều rất quan trọng, để giúp lĩnh vực du lịch trở thành động lực tăng trưởng cho các nền kinh tế Đông Nam Á, như trước khi COVID-19 bùng phát.
Liên minh Internet châu Á (AIC) tin tưởng mạnh mẽ rằng sự phối hợp hơn nữa giữa các chính phủ ASEAN, cũng như quan hệ đối tác với ngành du lịch sẽ xác định và lập lại tốc độ phục hồi du lịch.
Sự trở lại của ngành du lịch sẽ giúp đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế của các nước ASEAN, như hình mẫu cho các khu vực khác trên thế giới về hợp tác đa phương vì tương lai thịnh vượng.
Công nghệ là chìa khóa phục hồi du lịch?
Hiện nay cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng tạo ra một cuộc khủng hoảng niềm tin vào chính phủ các nước trong khu vực. Một thành phần quan trọng để lấy lại niềm tin của người dân là phải làm cho nền kinh tế phục hồi, ngành du lịch và lữ hành phát triên trở lại.
Đây sẽ là yêu cầu đòi hỏi các chính sách nhất quán cho phép thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số và thúc đẩy sự đổi mới, được củng cố bằng cam kết về an ninh và an toàn trước dịch bệnh.
Theo đề xuất ở vài quốc gia, mỗi khách du lịch sẽ được yêu cầu cung cấp dữ liệu cá nhân để đi du lịch. Đây là thời điểm cơ hội để ASEAN tập trung phát triển một khuôn khổ nhất quán để bảo vệ dữ liệu cá nhân và an ninh mạng.
Theo Condor, tương tác quan trọng đầu tiên với khách du lịch sẽ là trực tuyến. Có 82% đặt chỗ du lịch toàn cầu trong năm 2018 được hoàn thành thông qua trang web hoặc ứng dụng di động.
Các công ty như Expedia Group và Booking.com đã triển khai các cải tiến trực tuyến giúp bạn dễ dàng hủy chuyến đi hơn nếu hoàn cảnh thay đổi, giúp khách hàng dễ dàng lên kế hoạch và thay đổi quyết định.
Ngoài ra, việc cho thuê nhà nguyên căn ngắn hạn mà các đơn vị du lịch có thể cung cấp đưa ra một số mức độ an toàn hơn. Quy trình đặt phòng đã được điều chỉnh để phản ánh những cải tiến mới này.
Trong thời kỳ đại dịch, ngoài nỗ lực hỗ trợ và phục hồi tập trung vào khách hàng và đối tác, Tập đoàn Expedia đã ra mắt "Học viện Expedia" để nâng cao kỹ năng cho tất cả nhân viên du lịch và lữ hành trong toàn ngành.
Chương trình miễn phí này được thiết kế để giúp những người làm công tác du lịch hoặc bị mất việc làm mở rộng bộ kỹ năng và mạng lưới chuyên nghiệp của mình.
Trong khi đó, Booking.com tập trung nỗ lực vào việc mang đến cho các đối tác lưu trú các công cụ và thông tin chi tiết phù hợp mà họ cần, để đáp ứng với môi trường du lịch đang phát triển, nắm bắt cách đặt phòng mới và xây dựng lại hoạt động kinh doanh của đối tác.
Tại Philippines, Bộ Du lịch nước này đã triển khai một chương trình đào tạo trực tuyến cho các bên liên quan đến du lịch để duy trì sự phù hợp và học cách đối phó với tình hình dịch bệnh. Những nỗ lực này hoạt động theo cả hai cách - trang bị cho nhân viên khả năng thích nghi, đồng thời giúp tạo niềm tin cho khách du lịch.
Trong một thế giới ngày càng phân cực, du lịch mang mọi người đến với nhau. Nó phá vỡ các rào cản và xây dựng sự hiểu biết và kết nối văn hóa. Quan trọng hơn nữa, du lịch gắn bó chặt chẽ với sự phát triển kinh tế của các nước ASEAN. Do đó, điều quan trọng hiện nay là phải hướng tới sự phục hồi nhanh chóng và hiệu quả của ngành du lịch tại khu vực.
Nguồn: ASEAN - Việt Nam
Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: