Điểm tin

Đình chỉ GSP ảnh hưởng như thế nào đến hàng xuất khẩu của Thái Lan sang Mỹ?

06 tháng 11. 2020

Bộ Thương mại Thái Lan đã đưa ra các biện pháp để giúp các nhà xuất khẩu đối phó với việc đình chỉ GSP, bao gồm thúc đẩy kết nối kinh doanh theo hình thức trực tuyến ở cả Mỹ và các thị trường khác.

Bộ Thương mại Thái Lan ngày 31/10 khẳng định thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump đình chỉ những lợi ích thương mại đối với 231 sản phẩm của Thái Lan theo khuôn khổ Hệ thống Ưu đãi Phổ cập (GSP) sẽ không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á này sang Mỹ.

Vụ trưởng Vụ Xúc tiến Thương mại Quốc tế Keerati Rushchano cho biết, việc đình chỉ GSP nói trên, có hiệu lực từ ngày 30/12, sẽ dẫn đến việc 231 sản phẩm này bị đánh thuế ở mức bình thường, chứ không phải là bị cấm nhập khẩu vào Mỹ.

Truyền thông sở tại dẫn lời ông Keerati nói rằng một lý do chính được viện dẫn để biện minh cho việc đình chỉ GSP là thiếu tiến bộ trong việc cho Mỹ quyền tiếp cận thị trường công bằng và hợp lý đối với các sản phẩm thịt lợn có dư lượng chất ractopamine.

Ractopamine là một phụ gia thức ăn chăn nuôi được sử dụng để thúc đẩy tạo nạc và tăng hiệu quả chuyển hóa thức ăn trong chăn nuôi ở một số quốc gia, nhưng bị cấm ở những quốc gia khác.

Do lo những ngại về an toàn, khoảng 160 quốc gia cấm hoặc hạn chế sử dụng chất này trong chăn nuôi lợn, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), Nga và Trung Quốc. Giới hạn dư lượng tối đa đối với ractopamine đối với thịt ở Mỹ là 50 ppb, gấp 5 lần tiêu chuẩn do Codex Alimentarius đặt ra.

Theo ông Keerati, trong số 231 sản phẩm phải đối mặt với lệnh đình chỉ GSP mới, chỉ có 147 sản phẩm thực sự bị ảnh hưởng vì các mặt hàng này sẽ phải chịu mức thuế xuất khẩu cao hơn từ 3% đến 4%, tổng cộng lên tới khoảng 600 triệu baht (khoảng 19,2 triệu USD).

Những sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng bao gồm phụ tùng ô tô như vô lăng, bánh xe và hộp truyền động, khung kính bằng nhựa, một số sản phẩm hóa chất nhất định.

Lý do không phải tất cả 231 sản phẩm có tên trong danh sách bị đình chỉ GSP là vì chỉ có 147 sản phẩm trong số đó được nhập khẩu vào Mỹ. Ông Keerati nói rằng nếu những sản phẩm này của Thái Lan duy trì được chất lượng và sự phổ biến, thì mức thuế cao hơn sẽ không cản trở các nhà nhập khẩu ở Mỹ tiếp tục nhập khẩu chúng từ Thái Lan như bình thường.

Bộ Thương mại Thái Lan đã đưa ra các biện pháp để giúp các nhà xuất khẩu đối phó với việc đình chỉ GSP mới, bao gồm thúc đẩy kết nối kinh doanh theo hình thức trực tuyến ở cả Mỹ và các thị trường khác để cho phép các doanh nghiệp Thái Lan tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng tại những thị trường này.

Bộ Thương mại cũng yêu cầu các tổ chức tài chính như Ngân hàng Xuất nhập khẩu Thái Lan giúp đỡ các nhà xuất khẩu đang đối mặt với những thách thức mới do việc đình chỉ GSP mới. Trong lần đình chỉ GSP đầu tiên hồi năm ngoái đối với 573 sản phẩm, chỉ có 315 sản phẩm thực sự bị ảnh hưởng.

Ông Keerati cho biết thêm rằng việc theo dõi tỷ lệ xuất khẩu của những sản phẩm bị ảnh hưởng sang Mỹ và các thị trường khác cho thấy chúng vẫn đang được xuất khẩu tốt sang tất cả các thị trường chủ chốt này, chỉ giảm chung 10% ở thị trường Mỹ. Hiện vẫn chưa rõ liệu sự sụt giảm xuất khẩu đó là kết quả của việc đình chỉ GSP trước đó hay do tác động của đại dịch COVID-19.

Thậm chí xuất khẩu của 10 trong số 315 sản phẩm bị ảnh hưởng đã tăng lên, bao gồm máy giặt, thiết bị vệ sinh, khăn trải giường, quốc kỳ, máy rửa bát, vải và nhãn. Ông Keerati cho rằng đây là bằng chứng cho thấy việc đình chỉ GSP đầu tiên không có tác động nghiêm trọng đến 351 sản phẩm, những sản phẩm đó cũng đã được xuất khẩu với tỷ lệ cao hơn sang các thị trường khác, đặc biệt là châu Âu, Trung Quốc và Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc).

Trước đó, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngày 30/10 thông báo Washington sẽ loại bỏ một số ưu đãi thuế quan cho Thái Lan, do nước này đã không cho phép nhập khẩu thịt lợn từ các nhà sản xuất Mỹ.

USTR cho biết, động thái này sẽ đình chỉ quyền ưu đãi miễn thuế đối với lượng hàng hóa trị giá 817 triệu USD của Thái

Lan bắt đầu từ ngày 30/12. Cơ quan này nêu lý do rằng các cuộc đàm phán về quyền tiếp cận thị trường Thái Lan một cách công bằng và hợp lý của các sản phẩm thịt lợn Mỹ đã kéo dài tới 12 năm mà không đạt được tiến triển đáng kể nào.

Thông báo của USTR cho hay số tiền trên tương đương 1/6 tổng giá trị lượng hàng hóa của Thái Lan được hưởng chương trình GSP của Mỹ. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, quyết định này "thể hiện cam kết của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc giám sát và thực thi các chương trình ưu đãi thương mại của nước này".

GSP cho phép 3.500 sản phẩm từ 119 quốc gia được miễn thuế khi tiến vào thị trường Mỹ. Đổi lại, những quốc gia này phải thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền của người lao động, quyền sở hữu trí tuệ, cùng quyền tiếp cận công bằng và hợp lý vào thị trường của mình. Hiện có tổng cộng 638 sản phẩm của Thái Lan vẫn được đưa vào GSP của Mỹ./.

Nguồn: Báo Bnews

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: