Điểm tin

Phát triển bền vững ASEAN, Thủ tướng Thái Lan đề xuất khái niệm “Ba mới”

16 tháng 11. 2020

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2020 diễn ra bằng hình thức trực tuyến tại Hà Nội hôm 13/11, Thủ tướng Thái Lan Prayut-chan-o-cha có bài thuyết trình về chủ đề “tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững”.

Tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm bị đe dọa nghiêm trọng bởi đại dịch. Tuy nhiên, trong thách thức luôn luôn có cơ hội, theo Thủ tướng Thái Lan. 

Trong nguy có cơ

“Tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững”, là một chương trình quan trọng để hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư của ASEAN, đóng góp vào những thành tựu của một cộng đồng mang tính chất bền vững, theo ông Chan-o-cha.

Ông nhận định, “ngày hôm nay chúng ta đều đang đối mặt với những thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như tình trạng bình thường mới”.

Ngân hàng Phát triển châu Á ADB đã dự đoán rằng GDP của ASEAN sẽ giảm 3,8% do COVID-19 trong năm nay, trong khi Ngân hàng thế giới tính là sẽ có thêm 11 triệu người ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương rơi vào cảnh nghèo. Điều đó dẫn đến một khoảng cách phát triển ngày càng rộng trong khu vực của chúng ta”. 

Theo Thủ tướng Thái Lan, trong mỗi cuộc khủng hoảng luôn luôn có cơ hội, và COVID-19 cũng đem lại cơ hội để thúc đẩy quá trình số hóa, chuyển đổi số, và công nghệ phát triển vừa là công cụ vừa là thách thức.

“Những quốc gia có sự tham dự của các chính phủ có khả năng thích ứng cao và được chuẩn bị sẵn sàng, các doanh nhân và người lao động, chính là những quốc gia có thể gặt hái được thành công, lợi ích từ cộng đồng kinh tế”.

Đó là lý do vì sao ASEAN cần phải có những sự thích ứng, sự điều chỉnh để có thể ứng phó với những thay đổi đang nổi lên đối với tiềm năng của mình. 

Cần vận dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo để tăng cường những nỗ lực, hoạt động hướng tới tăng trưởng bền vững và bao trùm, để thu hẹp khoảng cách phát triển. Đây chính là một mục tiêu rất quan trọng của Cộng đồng ASEAN. Việc xây dựng cộng đồng trong ASEAN cũng như là các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDG). 

“Ba mới”

Thủ tướng Thái Lan đề xuất một khái niệm gọi là “Ba mới” mà ông cho rằng sẽ “giúp cho chúng ta có thể thích ứng và thay đổi, điều chỉnh cuộc sống của mình, cách làm việc, cách kinh doanh của mình trong một thời đại bình thường mới”.

Trước hết chúng ta nên thúc đẩy “những mô hình kinh tế mới”, thúc đẩy sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, tiến bộ công nghệ và bình đẳng xã hội, cũng như là bền vững về mặt môi trường. Bằng việc có các mục tiêu phát triển bền vững, và làm cho không ai bị bỏ lại phía sau.

Ông lấy ví dụ về mô hình gọi là BCG ở Thái Lan, tập trung vào vấn đề phát triển nền kinh tế, sinh học, nền kinh tế tuần hoàn và nền kinh tế xanh, dựa trên cơ sở của một triết lý về tính đầy đủ trong kinh tế.

“Mô hình kinh tế này sẽ có sự thúc đẩy đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển bền vững trong đó có an ninh lương thực, an toàn về sức khỏe cho công chúng, an toàn về năng lượng, an toàn và sự đảm bảo về công ăn việc làm cũng như là tính bền vững về môi trường và tự nhiên”.

Thứ hai là động cơ tăng trưởng mới, bằng việc vận dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tối ưu hóa sức mạnh của nền kinh tế. Điều này sẽ bao hàm việc phát triển canh tác nông nghiệp thông minh, công nghiệp thực phẩm, đổi mới sáng tạo và du lịch mang tính bền vững. Ngoài ra cũng cần tăng cường năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì họ chiếm đến hơn 95% các doanh nghiệp của ASEAN và tạo nên hơn một nửa khối lượng công ăn việc làm trong khu vực.

“Tôi xin được khuyến khích khu vực công và tư chung tay để tạo nên sức mạnh mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ASEAN, coi đây là một động lực phát triển của ASEAN, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng rất dễ bị tổn thương và do vậy họ cần có những sự phát triển tốt hơn”.

Thứ ba là hệ sinh thái kinh tế mới, bằng sự phát triển của cơ sở hạ tầng số. Thủ tướng Thái Lan cho biết, trong 10 năm qua, Kế hoạch Tổng thể về kết nối ASEAN năm 2025 hay còn gọi tắt là MPAC 2025 đã là một động lực mang tính mấu chốt trong việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng ASEAN, trong đó có cơ sở hạ tầng số.

“Thái Lan đã và đang xây dựng một trung tâm số ASEAN, giúp thúc đẩy cơ sở hạ tầng số của ASEAN, cũng như một Công viên số của Thái Lan, một phần của hành lang kinh tế phương Đông của chúng tôi”, ông chia sẻ.

Ông bày tỏ sự ủng hộ sáng kiến của hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN về việc tăng cường tính kết nối, giao thương số một cách toàn diện, sẽ giúp tạo ra một bộ những chuẩn mực mới trong việc làm ăn kinh doanh ở ASEAN và hơn thế nữa, bằng việc sử dụng công nghệ số để giảm thiểu thời gian và nguồn lực, tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp vừa và siêu nhỏ.

Nguồn: Cổng thông tin ASEAN - Việt Nam

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: