Điểm tin

Doanh nghiệp Nhật Bản hoan nghênh việc ký kết RCEP

18 tháng 11. 2020

Có ý nghĩa quan trọng khi các quốc gia đang "hướng nội" để chống dịch

"Việc ký kết có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc thực hiện một trật tự kinh tế quốc tế tự do và cởi mở” vào thời điểm một số quốc gia đang "hướng nội" do phải đương đầu với đại dịch", ông Hiroaki Nakanishi - Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) cho hay. 

RCEP được ký kết hôm 15/11, bao gồm 10 thành viên của ASEAN và 5 quốc gia đối tác là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Đây cũng là hiệp định thương mại đa phương đầu tiên có sự tham gia của Nhật Bản và hai đối tác thương mại lớn nhất của nước này ở châu Á là Hàn Quốc và Trung Quốc.

Khi được đi vào thực thi, RCEP hình thành khu vực kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, với GDP chiếm tới 32% tổng GDP toàn cầu, khoảng 32.000 tỷ USD, chiếm 47,5% dân số thế giới. 

Theo RCEP, Nhật Bản sẽ xóa bỏ thuế quan với khoảng 86% mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, 81% sang Hàn Quốc và 88% sang các nước thuộc ASEAN, Australia và New Zealand.

Nhật Bản xóa bỏ thuế quan từ 49-61% với nông sản và thủy sản nhập khẩu, nhưng vẫn giữ nguyên thuế đối với 5 nhóm hàng gồm gạo, lúa mỳ, các sản phẩm sữa, đường, thịt lợn và thịt bò.

Ở chiều ngược lại, các quốc gia khác sẽ cắt giảm 91,5% thuế đối với các hàng hóa công nghiệp nhập khẩu từ Nhật Bản. 

Sau RCEP, Trung Quốc sẽ xem xét từng bước dỡ bỏ mức thuế 40% mà nước này áp dụng đối với rượu sake Nhật Bản. Nền kinh tế thứ hai thế giới cũng sẽ dỡ bỏ thuế quan đối với khoảng 87% phụ tùng ô tô, sản phẩm thép và đồ điện gia dụng nhập khẩu từ Nhật Bản. 

Khuyến khích Ấn Độ quay trở lại hiệp định

Akio Mimura, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết do tuân thủ các quy định và giảm thuế quan, chuỗi cung ứng do các công ty Nhật Bản thiết lập ở châu Á “sẽ trở nên rộng rãi, hiệu quả và linh hoạt hơn”.

Ấn Độ từng tham gia đàm phán RCEP nhưng lại rút lui vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, 15 quốc gia ký kết RCEP đều khẳng định hiệp định này vẫn sẽ mở với Ấn Độ và các điều khoản cũng sẽ tạo điều kiện để quốc gia Nam Á tham gia nếu họ ý định trở lại. 

"Chúng tôi hy vọng các thành viên RCEP sẽ kiên trì khuyến khích Ấn Độ quay trở lại hiệp ước. Điều này sẽ góp phần tăng cường chuỗi cung ứng trong khu vực", Chủ tịch Hội đồng Ngoại thương Nhật Bản (JFTC) Ken Kobayashi cho hay. 

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị Cấp cao RCEP, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khẳng định Nhật Bản luôn đi đầu trong việc mở rộng khu vực kinh tế tự do và bình đẳng, và duy trì, củng cố hệ thống thương mại tự do đa phương này.

Theo Thủ tướng Suga, việc thúc đẩy thương mại tự do càng trở nên quan trọng vào thời điểm khi nền kinh tế toàn cầu đang trì trệ và hướng nội do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Nguồn: VietnamBiz

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: