Điểm tin

Việt Nam trở thành địa điểm sản xuất xe 'nóng' tại ASEAN

05 tháng 02. 2021

Trong vòng xoáy đại dịch, ngành công nghiệp bốn bánh đã phải chịu suy giảm nặng nề. Song, những tín hiệu tích cực vào những tháng cuối năm 2020 đã mở ra hy vọng tăng trưởng vào năm 2021.

Theo dữ liệu từ các nhà sản xuất xe, hiệp hội thương mại và các cơ quan chính phủ, tổng doanh số bán xe tại 6 thị trường lớn nhất Đông Nam Á trong quý IV/ 2020 giảm hơn 10%, chỉ còn 852.286 chiếc. Trong khi doanh số cùng kỳ năm trước đó là 937.144 chiếc.

Nhìn tổng thể bức tranh doanh số cả năm 2020, có thể nhận thấy sự sụt giảm rõ rệt. Quý II giảm 66% và quý III giảm 24% khi so sánh với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân là do lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội nhằm làm chậm sự lây lan của đại dịch Covid-19 đã dẫn đến sự gián đoạn trầm trọng các hoạt động kinh doanh. Chỉ có một số thị trường như Thái Lan, Việt Nam và Malaysia bắt đầu ổn định và tăng trở lại trong quý IV.

Trong lúc nhiều mảng kinh tế vẫn đang bị hạn chế bởi ảnh hưởng của đại dịch thì hoạt động kinh tế trong các nước lại dần được phục hồi. Điều đó là nhờ lãi suất thấp và những biện pháp kích thích tài chính do chính phủ các quốc gia đưa ra. Xuất khẩu đã phục hồi nhẹ vào cuối năm ngoái nhờ nhu cầu nhập khẩu mạnh từ Trung Quốc. Nhưng để đối phó với việc Covid-19 tái bùng phát, ASEAN và nhiều thị trường khác trên thế giới đã ngừng gia hạn hợp đồng, làm giảm xu hướng xuất khẩu trong vài tuần gần đây.

Mặc dù doanh số sụt giảm 21%, chỉ 792.146 chiếc, Thái Lan vẫn là thì trường xe lớn nhất ASEAN. Indonesia xếp thứ hai sau khi doanh số giảm 48% - mức sụt giảm nhiều nhất khu vực, lượng xe bán ra là 532.027 chiếc. Malaysia đứng thứ ba với doanh số chỉ giảm 12% ở mức 529.434 chiếc.

Dựa trên công bố của các hiệp hội về xe, Philippines là thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực do bùng phát dịch bệnh. Doanh số bán xe mới ở thị trường này giảm hơn 31%, xuống còn 258.512 chiếc trong năm 2020.

Việt Nam là thị trường ô tô khởi sắc nhất trong năm vừa qua, với doanh số giảm chỉ 7% xuống còn 283,983 chiếc. Đây là quốc gia duy nhất không rơi vào suy giảm kinh tế năm trước, nhờ có những động thái kiểm soát sớm được Covid-19 và việc thu hút các nhà sản xuất đang rời Trung Quốc.

Tại Thái Lan

Theo dữ liệu của Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI), quốc gia này cũng đã chịu sụt giảm 29% trong ba quý đầu năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, đến quý IV, từ doanh số 245.705 chiếc của năm 2019 đã tăng 1,3% lên 248.927 chiếc.

Hoạt động kinh tế hàng ngày ở Thái Lan bắt đầu bình thường hóa trong nửa cuối năm, khi các biện pháp ngăn cách xã hội và chính sách kích thích kinh tế được chính phủ đưa ra. Mức giảm GDP trong quý III đã được hạn chế, chỉ 6,4% nếu so với 12,1% trong quý II.

Sản lượng kinh tế quý IV cải thiện đáng kể so với các quý trước nhờ lãi suất thấp kỷ lục, chỉ 0,5% giúp kích thích chi tiêu tiêu dùng. Cùng với đó xuất khẩu cũng bắt đầu cải thiện do nhu cầu hàng hóa tăng lên tại Trung Quốc. Đầu tư tư nhân trong những tháng cuối năm cũng tăng mặc dù ở mức thấp. Ít nhất điều đó cho thấy tâm lý thị trường đã tích cực hơn.

Trong cả năm 2020, tổng doanh số bán xe tại Thái Lan giảm hơn 21% xuống còn 792.146 chiếc, từ 1.007.552 chiếc vào năm 2019. Theo báo cáo của truyền thông nước này, doanh số xe du lịch tư nhân giảm 31% xuống 274.789 chiếc; phương tiện tuần tra là 68.705 chiếc (-2,2%); xe bán tải 364.887 chiếc (-15,5%); xe du lịch bán tải 44.576 chiếc (-26,3%); và các loại xe khác là 39.189 chiếc (-16,2%).

Sản lượng xe tại Thái Lan giảm hơn 29% xuống còn 1,42 triệu chiếc vào năm 2020, đồng thời lượng xe được xuất khẩu cũng giảm 30% xuống còn 735.842 chiếc.

Khi mà nền kinh tế thế giới vẫn đang chịu áp lực dưới tác động của đại dịch, các lệnh giãn cách chưa được gỡ bỏ thì nhu cầu về xe vẫn đang bị kìm hãm. FTI đã dự kiến doanh số bán xe trong nước sẽ tiếp tục giảm trong năm 2021, khoảng 750.000 chiếc tương đương mức giảm 5%. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, nhà sản xuất xe lớn nhất Thái Lan – Toyota Motor có một cái nhìn tích cực hơn. Họ dự kiến tổng doanh số bán xe sẽ tăng lên 850.000 – 900.000 chiếc, tương đương mức tăng 7% - 14%.

Tại Indonesia

Theo dữ liệu của Hiệp hội ngành công nghiệp Gaikind, quý IV/2020, doanh số bán xe tại Indonesia giảm mạnh gần 42%, xuống còn 159.981 chiếc nếu so với 276.172 chiếc cùng kỳ năm 2019. Trước đó, trong chín tháng đầu năm, doanh số đã giảm 51%. Sự suy thoái này là do các biện pháp hạn chế xã hội được thực hiện trong suốt năm ngoái nhằm làm chậm sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Indonesia là một trong những quốc gia ở châu Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đều giảm mạnh vào năm ngoái. GDP giảm 5,3% trong quý II và 3,5% trong quý III/2020.

So với doanh số 1.030.126 chiếc vào năm 2019, năm 2020 đã giảm 48% xuống 532.027 chiếc, khiến Indonesia trở thành thị trường ô tô hoạt động kém nhất trong khu vực ASEAN. Lượng xe du lịch bán ra giảm hơn 50% xuống 388.886 chiếc, trong khi xe tải và xe buýt giảm hơn 41% xuống 143.141 chiếc.

Toyota đã báo cáo doanh số giảm hơn 51% xuống còn 161.256 chiếc trong năm 2020; tiếp theo là Daihatsu với mức giảm 49% xuống còn 90.724 chiếc; Honda 73.315 chiếc (-47%); Suzuki 66.130 chiếc (-34%); và Mitsubishi Motors 57,906 chiếc (-51%).

Để kích thích hoạt động kinh tế, Ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất chuẩn xuống mức thấp lịch sử 3,75%, đồng thời chính phủ cũng nỗ lực thu hút đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, khai thác mỏ và công nghiệp lớn. Theo báo cáo mới nhất, Ngân hàng Phát triển Châu Á cho biết GDP của Indonesia giảm 2,2% trong năm 2020, nhưng dự kiến sẽ tăng 4,5% vào năm 2021.

Do diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, Hiệp hội ngành công nghiệp Gaikindo vẫn chưa đưa ra dự báo thị trường cho năm 2021.

Tại Malaysia

Theo số liệu của Hiệp hội Ô tô Malaysia (MAA), thị trường xe mới của Malaysia tiếp tục mở rộng trong quý IV/2020, tăng gần 17% lên 187.945 chiếc khi so với 161.296 chiếc cùng kỳ năm trước. Quý III trước đó cũng có mức tăng 14% - một dấu hiệu tích cực của thị trường nếu nhìn vào mực giảm 50% của hai quý đầu năm 2020.

Tháng 6/2020, chính phủ Malaysia đã đưa ra chính sách miễn thuế cho người mua để hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô của đất nước. Theo dự kiến, chính sách này sẽ hết hạn vào cuối năm 2020, nhưng đã được gia hạn cho đến cuối tháng 6 năm 2021. Đi cùng với đó là chiến dịch khuyến mại đến từ các đại lý và gói tài chính hấp dẫn khi Ngân hàng trung ương đưa lãi suất giảm mạnh.

So với tổng doanh số 604.281 chiếc của năm 2019, doanh số năm 2020 giảm 12,4% xuống 529.434 chiếc, trong đó xe du lịch giảm 12,6% xuống 480.965 chiếc và xe thương mại giảm 10,4% xuống 48.469 chiếc. Doanh số của Perodua giảm 8,4% xuống 220.154 chiếc; tiếp theo là Proton với mức tăng 8,8% lên 109.716 chiếc; Honda 60.469 chiếc (-29%); và Toyota 59.320 chiếc (+13%).

Tổng kết lại, sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường trong quý IV đã mở ra một góc nhìn lạc quan về triển vọng bán hàng vào năm 2021. Với việc miễn thuế bán hàng, Ngân hàng Đầu tư Kenanga kỳ vọng doanh số sẽ tăng 10% lên 585.000 chiếc trong năm nay.

Nguồn: Cafef
 

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: