Điểm tin

Thị trường sản xuất thiết bị kỹ thuật số Đông Nam Á sôi động

09 tháng 06. 2021

Nhu cầu về điện thoại thông minh và thiết bị điện tử giúp cho Malaysia, Việt Nam, Singapore khôi phục ngành kinh tế nhờ vào hoạt động sản xuất trong khi Philippines đang lao dốc.

Cuối tuần trước, xuất khẩu của Malaysia đã tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức kỷ lục 105,6 tỷ Ringgit (25,5 tỷ USD). Sự tăng trưởng này nhờ vào các sản phẩm chất bán dẫn và điện tử, chiếm 1/3 trong tổng lô hàng xuất đi.

Dù ở nhiều nơi vẫn phải giãn cách xã hội do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, song việc mua sắm thiết bị điện tử và kỹ thuật số của người tiêu dùng quốc tế không có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này càng tạo động lực sản xuất cho Malaysia – trung tâm sản xuất chip và các công ty công nghệ thông tin.

Thứ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế Malaysia Lim Ban Hong cho biết, Kuala Lumpur là đối tác thương mại chất bán dẫn lớn nhất của Mỹ với 24% thị phần. Quốc gia này đã và đang trở thành trung tâm lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói hàng đầu, đồng thời là điểm đến lý tưởng của các nhà sản xuất thiết bị và dụng cụ bán dẫn.

Với việc Trung Quốc và Mỹ đang thúc đẩy phục hồi nền kinh tế toàn cầu, Malaysia được cho là đang hưởng lợi từ sản lượng mua lớn của hai cường quốc trên. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ lĩnh vực chế tạo của xứ sở dầu cọ đã tăng 6,6% trong quý I năm 2021, giúp cải thiện tăng trưởng. Dự kiến GDP cả năm sẽ tăng từ 6% đến 7,5%.

Tại Singapore và Việt Nam, thị trường cũng sôi động không kém. Việt Nam đang thúc đẩy xuất khẩu mạnh mẽ sang Mỹ, bao gồm công ty điện thoại thông minh Samsung Electronics, tăng trưởng đạt GDP 4,48% trong quý đầu tiên. GDP của Singapore cũng tăng 1,3%, chủ yếu nhờ tăng sản lượng tại các công ty chế tạo máy móc điện và hóa chất.

Trong khi đó, một số quốc gia Đông Nam Á khác đang loay hoay phục hồi kinh tế. GDP của Philippines giảm 4,2% trong quý đầu tiên. Ngay cả Thái Lan - vốn được coi là kinh đô ô tô Detroit của châu Á, mức tăng 0,7% ít ỏi của ngành sản xuất cũng không thể bù đắp thiệt hại của ngành du lịch.

Cùng với những lo ngại về việc khu vực triển khai chậm vaccine COVID-19, ngoại trừ Singapore, việc các nước Đông Nam Á mở cửa trở lại dự kiến sẽ bị trì hoãn so với các nước phương Tây. Điều này sẽ khiến du lịch và các ngành dịch vụ khác rơi vào tình thế khó khăn. Triển vọng ảm đạm là điều có thể dự đoán được đối với các quốc gia không có nền kinh tế định hướng xuất khẩu trong lĩnh vực công nghệ như Philipines.

Nguồn: Cộng đồng ASEAN Việt Nam

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: