Điểm tin

Chuyên gia thảo luận phương án củng cố chuỗi cung ứng trên biển tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

22 tháng 11. 2021

Kết nối cơ sở hạ tầng, hợp tác an ninh cảng..., có thể đóng góp vào khả năng phục hồi chuỗi cung ứng trên biển trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Vấn đề 

Đại dịch COVID-19 đã gây gián đoạn lớn cho chuỗi cung ứng trên toàn cầu và trong khu vực, đặc biệt ở lĩnh vực sản xuất và vận chuyển. 

Học giả Dhvani Zaveri từ DRIP Capital phân tích những tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19 với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cô cho rằng việc thiếu nhân lực, giảm sản lượng sản xuất tại Trung Quốc là một trong những yếu tố chính. 

"Sản xuất ngừng trệ ở Trung Quốc, nơi có nhiều nguồn hàng, đồng thời vì sản xuất chậm lại, cộng thêm thiếu lao động, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu một số nguyên liệu thô tại các cảng", cô nói. 

Tác động đầu tiên đối với vận tải biển và ngành vận tải biển là không có đủ hàng hóa để vận chuyển và các tàu vì vậy không thể ra khơi theo kế hoạch ban đầu. Điều đó cũng khiến chi phí vận chuyển tăng cao, làm giảm nhu cầu hàng hóa (do phải đặt trước hoặc ước lượng thời gian vận chuyển lớn). Ở thời điểm hiện tại, việc phục hồi chuỗi cung ứng cũng không dễ dàng vì các nền kinh tế trên thế giới đang phục hồi với tốc độ và sự ổn định khác nhau.

Các kiện hàng (container) trống là một vấn đề khác được đề cập. Điều này xảy ra khi nơi có container không có hàng hóa để vận chuyển và nơi có hàng hóa thì không đủ container để vận chuyển (do container trống đã bị kẹt ở đầu bên kia). Với các phương pháp hạn chế di chuyển, cách ly chống COVID-19, những thủ tục kiểm soát dịch bệnh ở biên giới, quá trình vận chuyển càng trở nên phức tạp hơn. 

"Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến lợi nhuận của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Họ phải trả thêm các loại phí tại cảng và phải cố gắng mua chỗ trên tàu với giá giao ngay, do các hợp đồng vận chuyển dài hạn đã thuộc về các công ty lớn. Việc quản lý hàng tồn kho cũng trở nên thực sự khó khăn đối với các nhà cung cấp SME này. Họ cần phải lên kế hoạch từ trước nhưng không thể tiếp cận và theo dõi sát sao quá trình vận chuyển. Việc hàng hóa di chuyển chậm còn khiến người mua đưa ra các điều khoản thanh toán với thời gian kéo dài hơn rất nhiều, càng làm nguồn vốn của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng hơn nữa".

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trường, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2020, giá vận chuyển đã tăng gấp 3 lên gần 5.000 USD/container. Năm 2021, giá vận chuyển là khoảng 7.000 đến 8.000 USD.

Theo ông, hiện tại khi chính sách "Không COVID" được thay đổi và chuỗi cung ứng phục hồi thì các điều kiện đã dần được cải thiện.

Tuy nhiên tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp dẫn đến các quốc gia có những chính sách rất khác nhau, và điều này có thể tiếp tục gây gián đoạn và tạo ra thách thức mới đói với dòng hàng hóa. Đặc biệt, đã có những lo ngại về việc thiếu hàng hóa cho dịp lễ cuối năm như Giáng sinh và Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, tình hình chính trị phức tạp liên quan đến các tuyến đường biển cũng khiến doanh nghiệp lo ngại.

Cần các quy chế chung

Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia đề xuất một số biện pháp như cần có những quy chế chung về phòng chống dịch bệnh ở các biên giới, nâng cao sự minh bạch và đáng tin cậy của các mạng lưới chuỗi cung ứng, số hóa các quy trình. Bên cạnh đó, hợp tác đa phương cũng là điều hết sức cần thiết. 

Đẩy nhanh các phản ứng với COVID-19 cũng là lĩnh vực quan trọng, theo các nhà nghiên cứu. Để làm được điều này cần nhanh chóng “phủ vaccine” trên một phạm vi rộng lớn hơn, tăng cường trao đổi để có thêm các liều vaccine cho các nước cần. 

Chúng ta chưa thể biết khi nào dịch bệnh sẽ kết thúc”, ông Nguyễn Quốc Trường nói. 

Ông cũng đề xuất các nước ASEAN và Trung Quốc tiếp tục thảo luận để tìm ra biện pháp duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như vận hành các tuyến vận chuyển suôn sẻ. Chính phủ và doanh nghiệp trong khu vực cần tăng cường phối hợp về thông tin, thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan để rút ngắn thời gian thông quan, giúp doanh nghiệp hoạt động trơn tru hơn. 

Nguồn: Cổng thông tin ASEAN Việt Nam

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: