Điểm tin

Indonesia duy trì đà tăng trưởng, chuẩn bị đối mặt với thách thức kinh tế năm 2022

27 tháng 12. 2021

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến trên toàn cầu, Indonesia đang nỗ lực duy trì đà tăng trưởng đã đạt được trong năm 2021 và chuẩn bị sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong việc phục hồi kinh tế năm 2022.

Duy trì đà tăng trưởng kinh tế năm 2021

Năm 2021, nền kinh tế Indonesia đầy biến động do ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Vào quý 1, Indonesia đạt tăng trưởng kinh tế âm quý thứ 4 liên tiếp, với mức tăng trưởng âm 0,74%. Điều này xảy ra do các biện pháp thắt chặt của chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch toàn cầu.

Đến quý 2 năm 2021, thành công trong kiểm soát đại dịch đã giúp phục hồi kinh tế Indonesia đạt tăng trưởng 7,07%, mức tăng kỷ lục cao nhất trong vòng 17 năm qua. Indonesia kỳ vọng đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục được giữ vững trong suốt năm 2021.

Tuy nhiên, vào quý 3, làn sóng Covid-19 thứ hai ập đến, dữ dội hơn so với các làn sóng trước do biến thể Delta. Số ca mắc và tử vong do Covid-19 cao kỷ lục lên tới 56.000 ca mắc mỗi ngày với gần 2.000 ca tử vong khiến các nhà hoạch định chính sách Indonesia một lần nữa thắt chặt tính di động của người dân, khiến đà tăng trưởng chỉ đạt 3,51%.

Sự phát triển chủ yếu được hỗ trợ bởi hoạt động xuất khẩu phù hợp với nhu cầu vẫn còn mạnh mẽ từ các đối tác thương mại lớn. Trong khi đó, nhu cầu trong nước tăng với tốc độ chậm lại do các giới hạn hoạt động xã hội cấp độ 3 cấp độ 4.

Nền kinh tế Indonesia trong quý 4 năm 2021 dự kiến ​​sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn được hỗ trợ bởi hoạt động tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu phù hợp với điều kiện kiểm soát đại dịch Covid-19.

Vào cuối năm, các ca mắc Covid-19 tại Indonesia giảm đáng kể, duy trì ở mức 200-300 ca mắc mới mỗi ngày. Tháng 10/2021, Indonesia mở cửa cho một số quốc gia. Với các tín hiệu tốt, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia, Airlangga Hartato kỳ vọng, nền kinh tế Indonesia trong quý 4 sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 5-6%, để mức tăng trưởng kinh tế Indonesia năm 2021 đạt 4%.

Đối mặt với những thách thức trong việc phục hồi kinh tế năm 2022

Mặc dù kinh tế toàn cầu và trong nước tiếp tục đạt đà phục hồi tốt, song tính bất ổn và không chắc chắn vẫn ở mức cao. Bộ trưởng tài chính Indonesia, bà Sri Mulyani Indrawati cho rằng, nhiều rủi ro khác nhau có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế như sự lây lan của đại dịch, biến thể Omicron hay sự gia tăng áp lực lạm phát toàn cầu gây ra sự bất ổn thị trường.

Tốc độ phục hồi ở các nước phát triển phải được điều chỉnh do sự lây lan của biến thể mới Omicron. Do đó, ngay tại Indonesia, từ chính quyền Trung ương tới địa phương cùng toàn thể người dân đều phải nỗ lực không mệt mỏi trong việc duy trì các giao thức y tế, tăng cường tiêm chủng vaccine Covid-19 để giúp duy trì đà tăng trưởng của các hoạt động kinh tế, sản xuất và tiêu dùng.

Thứ hai, thách thức lớn đối với nền kinh tế quốc gia Indonesia đến từ nền kinh tế toàn cầu, cụ thể là việc cắt giảm chương trình mua trái phiếu và thậm chí có thể tăng lãi suất trong năm 2022 của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed). Bộ trưởng Sri Mulyani cho biết, nền kinh tế Mỹ đã trải qua mức lạm phát cao nhất trong lịch sử là 6,8%. Điều kiện này đã khiến Ngân hàng trung ương Mỹ phải thực hiện các biện pháp bình thường hóa chính sách bằng cách giảm kích thích.

Thách thức thứ ba mà Bộ trưởng Tài chính Indonesia đề cập đến trong phục hồi kinh tế năm 2022 là sự lạm phát. Theo Bộ trưởng Sri Mulyani, cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đang bắt đầu được cải thiện và sẽ kích hoạt lạm phát, do đó, người dân Indonesia cần phải chuẩn bị với điều này.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật (CELIOS) Indonesia, Bhima Yudhistira cho biết, mặc dù Chính phủ ước tính mức tăng lạm phát sẽ vẫn nằm trong giới hạn 3%, tuy nhiên trung tâm này dự đoán lạm phát ở Indonesia năm 2022 có thể lên tới 5%.

Sự gia tăng được kích hoạt bởi nhiều yếu tố khác nhau. Một trong số đó là tỷ giá đồng Rupiah được đánh giá là sẽ suy yếu, khiến giá hàng nhập khẩu cao hơn. Chi phí sản xuất cũng tăng lên, do đó sẽ có tác động làm tăng giá thành sản phẩm. Các mặt hàng thiết yếu cũng sẽ bị đẩy giá cao hơn do yếu tố thời tiết khắc nghiệt.

Không chỉ vậy, sự gia tăng lạm phát còn được kích hoạt bởi việc thực hiện Luật Hài hòa hóa các quy định về thuế (UU HPP) của Indonesia, trong đó quy định việc tăng thuế Giá trị gia tăng (VAT) lên 11 phần trăm kể từ tháng 4 năm 2022.

Ngoài ra, cuối năm 2021, quyết định của Tòa án Hiến pháp (MK) tuyên bố Đạo luật Tạo việc làm mới của chính phủ có điều kiện là vi hiến đã gây ra sự không chắc chắn cho các nhà đầu tư. Ông Bhima kỳ vọng, chính phủ sẽ cải thiện đạo luật này phù hợp với các quy định để không cản trở quá trình đầu tư trong tương lai.   

Bất chấp những động lực không chắc chắn, chính phủ Indonesia vẫn kỳ vọng nền kinh tế nước này sẽ đạt được đà phục hồi mạnh mẽ hơn vào năm 2022. Theo Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani, chính phủ đã chuẩn bị và thiết kế Ngân sách Nhà nước năm 2022 theo hướng mở rộng để tiếp tục thực hiện chức năng, nhưng vẫn chú ý đến rủi ro và tầm quan trọng của việc duy trì tính bền vững tài khóa trong trung và dài hạn, đồng thời duy trì tính minh bạch, kiểm tra và cân đối cũng như một quy trình lập pháp tốt.

Cải cách ngân sách năm 2022 của Indonesia được thực hiện nhằm khuyến khích chi tiêu hiệu quả hơn, tăng cường sự hiệp lực của Trung ương và khu vực, tập trung vào việc xử lý đại dịch và là công cụ để duy trì sự phục hồi kinh tế của Indonesia.

Nguồn: Báo điện tử VOV

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: