Điểm tin

Doanh nghiệp cần làm gì khi RCEP có hiệu lực?

31 tháng 12. 2021

Ngày 1/1/2022, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ có hiệu lực. RCEP được thực thi sẽ đóng vai trò quan trọng trong thương mại và đầu tư, đồng thời thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế toàn diện hơn ở ASEAN vào năm 2022.

Tính đến ngày 7/12/2021, đã có 11 quốc gia phê chuẩn hiệp định. Trong số này có 6 nước ASEAN là Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam; cùng với 5 quốc gia ngoài ASEAN, đó là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.

Thúc đẩy phục hồi ở ASEAN sau đại dịch

Hiệp định bao gồm 20 chương liên quan đến thương mại hàng hóa và dịch vụ, di chuyển thể nhân, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, cạnh tranh, mua sắm chính phủ và giải quyết tranh chấp… RCEP sẽ tạo ra các cơ hội thương mại và đầu tư mới giữa các quốc gia tham gia, chiếm khoảng 30% dân số thế giới. Tác động kinh tế của RCEP có thể được tóm tắt thành ba khía cạnh:

Thứ nhất, RCEP giảm thuế nhập khẩu và củng cố quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do ASEAN + 1 (ví dụ: FTA ASEAN - Trung Quốc, FTA ASEAN - Nhật Bản). Hiệp định loại bỏ tới 90% thuế quan đối với hàng hóa trao đổi giữa các bên ký kết trong vòng 20 năm tới kể từ ngày có hiệu lực (Chương 2). Vào năm 2022, Trung Quốc - một trong ba thị trường xuất khẩu hàng đầu của các nước ASEAN - sẽ xóa bỏ khoảng 70% thuế quan đối với các sản phẩm nhập khẩu từ ASEAN, trong khi các nước đang phát triển của ASEAN như Brunei, Singapore, Thái Lan và Việt Nam - đã phê chuẩn hiệp định - sẽ loại bỏ khoảng 75% thuế quan đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Các loại thuế quan còn lại sẽ được xóa bỏ dần trong 20 năm. Để tăng cường sử dụng ưu đãi thuế quan của các doanh nghiệp, RCEP hợp nhất các quy tắc xuất xứ khác nhau trong các FTA ASEAN + 1 và đặt ra các quy tắc nội dung khu vực (Chương 3). Nhiều sản phẩm yêu cầu ít nhất 40% giá trị phải được gia tăng trong các đối tác RCEP để tận dụng các ưu đãi về thuế quan. Điều này đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của các chuỗi giá trị công nghệ cao như điện tử và ô tô, nơi các bộ phận và linh kiện được sản xuất ở các quốc gia khác nhau trong khu vực. Do đó, việc tự do hóa thuế quan tương đối cao cùng với các quy tắc xuất xứ hài hòa trong RCEP sẽ không chỉ tiết kiệm chi phí và tăng lợi nhuận cho thương nhân mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ASEAN tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Thứ hai, RCEP sẽ tăng cường sự hài hòa của các biện pháp phi thuế quan (NTM) như tiêu chuẩn sản phẩm về an toàn thực phẩm, các yêu cầu về đóng gói và nhãn mác bằng cách thúc đẩy tính minh bạch, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và công nhận lẫn nhau về các thủ tục đánh giá sự phù hợp của các đối tác RCEP (Chương 5 và Chương 6). Bất chấp những tiến bộ trong tự do hóa thuế quan theo Khu vực Thương mại Tự do ASEAN và Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN, các doanh nghiệp từ lâu đã đối mặt với sự phức tạp và chi phí tuân thủ của các NTM do các chính phủ ASEAN và các đối tác thương mại áp đặt. Các chi phí liên quan đến NTM cho thương nhân và nhà sản xuất bao gồm thu thập thông tin về các yêu cầu quy định ở các thị trường khác nhau, điều chỉnh đặc điểm kỹ thuật của hàng hóa và dịch vụ để tuân thủ các yêu cầu quy định khác nhau của các nước nhập khẩu và tuân thủ các quy trình đánh giá sự phù hợp khác nhau giữa các nước nhập khẩu.

Cuối cùng, RCEP sẽ kích thích thương mại điện tử xuyên biên giới và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào thương mại quốc tế, tạo ra một môi trường thuận lợi cho thương mại điện tử (Chương 12). Sự gia tăng của thương mại điện tử tạo cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào thương mại điện tử và do đó tăng cường khả năng phục hồi của các doanh nghiệp vừa và nhỏ sau đại dịch năm 2022 và hơn thế nữa. Ví dụ như ở Singapore, tỷ trọng của doanh số bán lẻ trực tuyến trong tổng doanh số bán lẻ năm ngoái đã tăng gấp đôi mức trước đại dịch, tăng từ chỉ 5,9% vào năm 2019 lên 11,7% vào năm 2020. Đại dịch Covid-19 đang diễn ra, đặc biệt là các biến thể lây nhiễm như Delta và Omicron, đã củng cố tầm quan trọng của thương mại điện tử trong việc tăng cường phục hồi thương mại khu vực.

Khai thác tối đa cơ hội

Vì RCEP đã đạt đến một cột mốc quan trọng mới và sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2022, các doanh nghiệp nên xem xét liệu họ có thể khi thác cơ hội nào do RCEP mang lại. Cụ thể như:

Thứ nhất, lập kế hoạch để đón đầu việc giảm thiểu thuế hải quan: RCEP đặt mục tiêu giảm hoặc loại bỏ thuế hải quan do mỗi quốc gia thành viên áp dụng đối với hàng hóa có xuất xứ khoảng 92% trong vòng 20 năm. Đặc biệt, các doanh nghiệp có chuỗi cung ứng liên quan đến Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc có thể lưu ý rằng RCEP lần đầu tiên thiết lập mối quan hệ thương mại tự do giữa ba quốc gia này.

Thứ hai, tối ưu hóa hơn nữa chuỗi cung ứng: Khi RCEP hợp nhất các thành viên của các hiệp định FTA ASEAN+1 hiện có với năm quốc gia thành viên ngoài ASEAN, điều này giúp dễ dàng hơn trong việc đáp ứng các yêu cầu về hàm lượng giá trị khu vực thông qua quy tắc cộng gộp. Do đó, các doanh nghiệp có thể tận hưởng các lựa chọn tìm nguồn cung ứng lớn hơn cũng như linh hoạt hơn trong việc tối ưu hóa quy trình sản xuất trong phạm vi 15 quốc gia thành viên.

Thứ ba, nhận diện và nắm vững các biện pháp phi thuế quan: Theo cam kết RCEP, các NTM đối với xuất nhập khẩu giữa các quốc gia thành viên bị cấm, ngoại trừ các quyền và nghĩa vụ theo Hiệp định WTO hoặc RCEP. Các hạn chế định lượng có hiệu lực thông qua hạn ngạch hoặc hạn chế cấp phép thường phải được loại bỏ.

Thứ tư, tạo thuận lợi thương mại: RCEP quy định các biện pháp tạo thuận lợi thương mại và minh bạch, bao gồm các thủ tục để các nhà xuất khẩu được chấp thuận khai báo xuất xứ; minh bạch xung quanh thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu và cấp phép; ban hành xác nhận trước xuất xứ; thông quan nhanh chóng và thông quan nhanh các lô hàng chuyển phát nhanh; sử dụng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để hỗ trợ hoạt động hải quan; và các biện pháp tạo thuận lợi thương mại cho các nhà khai thác được ủy quyền. Đối với thương mại giữa các quốc gia nhất định, có thể mong đợi tạo thuận lợi thương mại lớn hơn khi RCEP đưa ra lựa chọn tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa thông qua khai báo xuất xứ, vì việc tự chứng nhận có thể không có trong một số hiệp định ASEAN+1 (ví dụ: FTA ASEAN - Trung Quốc).

Nguồn: Báo Công Thương

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: