Điểm tin

Doanh nghiệp Singapore có thể nắm bắt cơ hội gì từ RCEP?

11 tháng 01. 2022

Cam kết về thương mại điện tử, kỹ thuật số, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và giải quyết tranh chấp phù hợp với các mục tiêu của Singapore là trở thành một trung tâm toàn cầu cho kinh tế tri thức.

Theo bài viết trên báo The Straits Times, 10 năm sau khi được “thai nghén” tại Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Bali (Indonesia) năm 2011, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã có hiệu lực từ ngày 1/1 vừa qua. 

Đây là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và 30% dân số thế giới. Nhờ RCEP, khoảng 92% hàng hóa được trao đổi giữa các bên sẽ được giảm thuế quan.

RCEP hiện có hiệu lực đối với Australia, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, New Zealand, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Hiệp định này sẽ có hiệu lực đối với Hàn Quốc vào ngày 1/2. Indonesia, Malaysia và Philippines dự kiến sẽ sớm phê chuẩn trong khi sự phê chuẩn của Myanmar đang chờ được các nước thành viên khác chấp thuận.

RCEP cũng là hiệp định đầu tiên mà Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng tham gia một thỏa thuận thương mại tự do (FTA). Hiệp định này bao gồm các lĩnh vực như quyền sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, thương mại điện tử và mua sắm chính phủ.

Bên cạnh thuế quan được xóa bỏ, các doanh nghiệp được lợi từ sự tiếp cận thị trường ưu đãi hơn đối với các sản phẩm, trong đó có nhiên liệu, chất dẻo, các sản phẩm hóa chất, các chế phẩm thực phẩm và đồ uống khác nhau tại các thị trường như Trung Quốc và Nhật Bản.

Một số ước tính cho thấy RCEP sẽ loại bỏ thuế quan đối với 86% hàng hóa của Nhật Bản xuất khẩu sang Trung Quốc, tăng từ mức 8% hàng hóa hiện đang được miễn thuế. Xuất khẩu miễn thuế của Nhật Bản sang Hàn Quốc cũng sẽ tăng từ 19% lên 92%.

Điều đó có ý nghĩa gì đối với Singapore? Các doanh nghiệp nước này sẽ linh hoạt hơn trong việc khai thác các chuỗi cung ứng và nguồn lực khu vực cho các sản phẩm đầu vào từ bất kỳ nước thành viên nào khác của RCEP.

Trước đó, họ chỉ có thể khai thác các FTA hiện có trong khuôn khổ ASEAN+1 giữa tổ chức này và các đối tác đối thoại như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Các cam kết về thương mại điện tử, dịch vụ kỹ thuật số, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và giải quyết tranh chấp cũng phù hợp với các mục tiêu của Singapore là trở thành một trung tâm toàn cầu cho nền kinh tế tri thức.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) của nước này cũng sẽ gặt hái được lợi ích từ RCEP, vì nền kinh tế số hiện nay vẫn đưa đến cho họ những rào cản đáng kể đối với thương mại xuyên biên giới.

RCEP cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư Singapore trong việc tài trợ cho các dự án, vì hiệp định này bao gồm các cam kết nhằm ngăn chặn những yêu cầu về hiệu suất vốn được các quốc gia chủ nhà thiết lập để đòi hỏi các nhà đầu tư phải đáp ứng các mục tiêu kinh tế và xã hội của họ.

Nhìn chung, RCEP đặc biệt hữu ích đối với các lĩnh vực công nghệ tài chính, công nghệ sạch và logistics của Singapore.
Tuy nhiên, các công ty của “đảo quốc sư tử” cần phải nghiên cứu và chuẩn bị kỹ càng để xác định được những lợi ích chính xác của mình. RCEP mở ra những cơ hội, đặc biệt là trong bối cảnh những thách thức của hệ thống thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. 

Để tận dụng được tối đa lợi thế của hiệp định này, các công ty Singapore cần phải xem xét lại các nguồn cung hiện có, khám phá các thị trường mới và xác định được địa điểm mà họ có thể đảm bảo được lợi thế cạnh tranh một trong khu vực đang phát triển ngày càng nhanh chóng này.

Nguồn: Bnews

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: