Điểm tin

Nỗ lực chuyển dịch nông nghiệp và hội nhập thị trường ASEAN

06 tháng 06. 2022

AMTI-ASEAN là chương trình có ý nghĩa vô cùng quan trọng với các quốc gia đang chuẩn bị tham gia hội nhập thị trường quốc tế.

Trong khuôn khổ Chương trình “Chuyển đổi nông nghiệp và Hội nhập thị trường ở khu vực ASEAN: Đáp ứng các mối quan tâm về an ninh lương thực và tính bao trùm (AMTI-ASEAN)” do Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) tài trợ, Viện Nghiên cứu Chính sách Thực phẩm Quốc tế (IFPRI) phối hợp với Trung tâm Vùng Châu Á Thái Bình Dương về đào tạo sau đại học và nghiên cứu nông nghiệp (SEARCA) tổ chức Diễn đàn chính sách lần thứ 2 "Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm khu vực ASEAN - Hậu Covid-19: Ứng phó các mối quan tâm về an ninh lương thực và tính bao trùm", diễn ra chiều 1/6.

Chuyển dịch nông nghiệp - bản sắc riêng và tiềm năng hiện hữu
Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD), chia sẻ rằng đây là chương trình có ý nghĩa vô cùng quan trọng với các quốc gia đang chuẩn bị tham gia hội nhập thị trường quốc tế.

“Thủ tưởng Chính phủ Việt Nam vừa phê duyệt Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Mục tiêu của chúng tôi là làm sao xây dựng nền nông nghiệp bền vững hơn, xanh hơn, sạch hơn. Ngoài khía cạnh đảm bảo lương thực cho Việt Nam, chúng tôi cũng cố gắng làm sao cung cấp các sản phẩm tốt nhất, đạt tiêu chuẩn, thân thiện môi trường ra thế giới”, TS Trần Công Thắng chia sẻ.

Chương trình ATMI tập trung vào 5 quốc gia thành viên ASEAN - Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và Philippines - và các nước ASEAN nói chung. Đạt được các mục tiêu của chương trình sẽ giúp các quốc gia tạo ra hai kết quả chính: Nâng cao năng lực cạnh tranh của nông hộ nhỏ trong sản xuất lương thực và cây công nghiệp chủ lực; và giảm mức độ tiếp xúc của các quốc gia thành viên kém phát triển hơn đối với các cú sốc về an ninh lương thực.

Mục tiêu của chương trình bao gồm tăng cường năng lực các quốc gia thành viên ASEAN được quan tâm trong việc phát triển các chính sách và chương trình giúp đỡ các nông hộ nhỏ điều chỉnh theo những thay đổi của thị trường nông sản và thực phẩm tiểu vùng; đồng thời thúc đẩy hợp tác về an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp giữa tất cả các quốc gia thành viên ASEAN bằng cách phát triển các chương trình và biện pháp chiến lược trong các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, an toàn thực phẩm, và tiêu chuẩn chất lượng, cũng như khuyến khích đầu tư vào các ngành nông nghiệp và thực phẩm.

TS Hiroyuki Takeshima, thành viên nghiên cứu cấp cao của IFPRI đã đưa ra một số góc nhìn vi mô về nông nghiệp Việt Nam thông qua bài thuyết trình “Hiện đại hóa hệ thống nông nghiệp và các hộ sản xuất nhỏ ở Đông Nam Á”.

Quá trình hiện đại hóa hệ thống nông nghiệp của các nước Đông Nam Á còn nổi lên một số vấn đề liên quan đến phát triển bền vững. Sản xuất nội địa chiếm vị trí chủ đạo trong bối cảnh thương mại ngày càng rộng mở, xu hướng phát triển ngày càng hướng tới các chính sách bảo hộ nông nghiệp. TS Takeshima đặc biệt lưu ý đến sự tồn tại của các nông hộ nhỏ trong khi các nông trại lớn đang ngày càng được cải thiện về tính hiệu quả.

“Cải cách đất đai ở một số quốc gia Đông Nam Á đã có những tác động trái chiều. Ở Việt Nam, Luật Đất đai năm 1993 trao quyền sử dụng đất cho phụ nữ đã có những tác động tích cực đến giáo dục và sức khỏe của trẻ em. Tuy nhiên, đồng thời, tình trạng manh mún đất đai đã bắt đầu gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất nông nghiệp nói chung ở Việt Nam”, ông Takeshima nêu ý kiến.

TS Takeshima cũng chia sẻ một số phát hiện thú vị về xu hướng chuyển dịch tại Việt Nam: Tỉ lệ hộ gia đình Việt Nam trồng và bán nông sản đã có dấu hiệu giảm trong nhiều năm qua, và họ ngày càng phụ thuộc vào thị trường nông sản. Tuy nhiên, các nông hộ đang dần chuyên môn hóa.

TS Takeshima cho rằng việc hội nhập thông qua sự luân chuyển mạnh mẽ giữa thu mua và bán thực phẩm sẽ sẽ tạo được nguồn thực phẩm rẻ và đa dạng hơn, đồng thời tạo thêm điều kiện cho phụ nữ tham gia mạnh mẽ vào thị trường lao động phi nông nghiệp. Mặt khác, hội nhập sẽ giúp đẩy nhanh sự đa dạng lẫn chuyên môn hóa trong sản xuất.

Hội nhập vẫn còn nhiều khó khăn

Tại diễn đàn, TS Ganesh Thapa, nguyên Trưởng nhóm Kinh tế Khu vực của IFAD, đã có những chia sẻ về sự ràng buộc giữa thể chế và chính sách trong việc thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản thực phẩm trong ASEAN.

Khu vực ASEAN vẫn tồn tại một số ràng buộc về thể chế và chính sách. Các nước ASEAN đã thực hiện cải cách chính sách để nâng cao hiệu quả của thị trường nông sản, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức lớn cho Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Những hạn chế chung với nhóm quốc gia này bao gồm cơ sở hạ tầng không đầy đủ, nghiên cứu và giáo dục kỹ thuật hạn chế, quyền sử dụng đất không chắc chắn, thực thi pháp luật thiếu hiệu quả, liên kết giữa các chuỗi giá trị trong ngành còn yếu. Ngoài ra, đất đai canh tác nhỏ lẻ và manh mún, số lượng các tổ chức nông dân, hợp tác xã và mạng lưới sản xuất chưa đa dạng cũng là trở ngại cho phát triển.

TS Ganesh đưa ra một số ví dụ cụ thể. Tại Myanmar, năng lực ở các cấp chính quyền và các tổ chức nông dân trong việc hỗ trợ canh tác theo hợp đồng còn thấp; tại Campuchia, năng lực chế biến nông sản trong nước thấp, chi phí vận hành cao do chi phí điện và vận chuyển cao; tại Lào, số lượng các tổ chức nông dân cung cấp dịch vụ kỹ thuật và thị trường hạn chế, nguồn nhân lực về an toàn thực phẩm còn thiếu; tại Việt Nam, các ngành công nghiệp chế biến nông sản sau thu hoạch kém phát triển, chưa gặt hái nhiều thành công trong việc thúc đẩy canh tác theo hợp đồng.

Nắm bắt được tình hình thực tế, TS Ganesh đề ra một số giải pháp ASEAN có thể thực hiện trong tương lai:

Một số nước (Campuchia, CHDCND Lào) cởi mở hơn trong chính sách đầu tư nước ngoài; nhưng những nước khác (Indonesia, Philippines, Việt Nam) hạn chế hơn. ASEAN nên làm việc với tất cả các thành viên để tự do hóa đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp.

Các hộ nông dân nhỏ bị thiệt thòi trong việc tiếp cận các chuỗi giá trị nông sản - nơi các tổ chức nông dân và hợp tác xã còn yếu kém. ASEAN và các chính phủ nên giúp đỡ trong việc tổ chức và củng cố các tổ chức nông dân và hợp tác xã.

Các hộ sản xuất nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường tín dụng, đầu vào, thông tin và bảo hiểm với các điều kiện thuận lợi. Chính phủ nên thúc đẩy các phương pháp tiếp cận sáng tạo (ví dụ: các trung tâm kinh doanh nông thôn, thu gom kiêm phân bổ).

An toàn và chất lượng thực phẩm đã trở thành vấn đề quan trọng do mở cửa thị trường. ASEAN cần tập trung giải quyết các vấn đề về SPS.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: