Điểm tin

Đông Nam Á sẽ tránh khỏi lạm phát đình trệ toàn cầu nhờ xuất khẩu và du lịch

22 tháng 06. 2022

Chiến sự ở Ukraine, giá nhiên liệu và lương thực tăng kỷ lục và lãi suất tăng đang đặt ra nguy cơ lạm phát đình trệ với các nền kinh tế trên khắp thế giới, nhưng khu vực duy nhất được cho là có thể tránh khỏi điều tội tệ nhất của suy thoái chính là Đông Nam Á, theo Financial Times.

Trên khắp thế giới, một làn sóng bán tháo cổ phiếu đang diễn ra khi các nhà đầu tư lo ngại về việc lãi suất sẽ tăng ngày càng cao để kiềm chế lạm phát sẽ đưa các nền kinh tế đến với nguy cơ suy thoái tiềm ẩn.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuần trước đã tăng lãi suất nhiều hơn dự kiến trong nỗ lực kiềm chế giá cả, trong khi chiến lược zero-Covid của Trung Quốc tiếp tục làm suy giảm nhu cầu ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, Đông Nam Á dường như sẽ thoát khỏi chu kỳ lạm phát đình trệ do lạm phát cao và sản lượng suy giảm. Tại 4 trong 6 nền kinh tế lớn nhất thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đang tăng nhanh hơn lạm phát, một phân tích của Financial Times cho thấy.

Tại các quốc gia này, bao gồm Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines, các nền kinh tế đang phục hồi trở lại khi các biện pháp kiểm soát nhập cảnh nghiêm ngặt sau đại dịch được dỡ bỏ. Đi kèm đó là sự trỗi dậy của ngành du lịch, khi khách sạn ở các điểm nóng từ Vịnh Hạ Long của Việt Nam đến đảo Bali của Indonesia đều được lấp đầy.

“Những gì bạn đang thấy ở Đông Nam Á vào lúc này là một sự phục hồi mở cửa trở lại: Môi trường tăng trưởng rất mạnh mẽ và điều đó có khả năng kéo dài sang nửa cuối năm nay. ASEAN đang rất kiên cường”, ông Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại ngân hàng HSBC cho biết.

Trong khi đó, ông Khoon Goh, trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á của ANZ tại Singapore cho biết: “Không có nhiều lời bàn tán về lạm phát đình trệ ở đây. Một trong những điểm sáng là các quốc gia Đông Nam Á đã chấp nhận coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, và đã thực sự tiếp tục và nới lỏng các hạn chế cũng như mở cửa nền kinh tế của họ”.

Chỉ ở Thái Lan và Singapore, lạm phát tăng nhanh hơn tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội. Nền kinh tế Thái Lan đang phục hồi, nhưng lạm phát gia tăng đang làm giảm nhu cầu tiêu dùng, trong khi Singapore tháng trước cảnh báo rằng sự phục hồi đang chậm lại do tác động của cuộc chiến ở Ukraine và tình trạng đóng cửa ở Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của đảo quốc.

Theo Financial Times, những con số tích cực về kinh tế trong khu vực đang phần nào thể hiện sự phục hồi từ sau cuộc suy thoái kinh tế sâu sắc trong đại dịch. Ví dụ tại Philippines, quốc gia chịu một trong những sự suy giảm kinh tế mạnh nhất so với bất kỳ quốc gia nào trong khu vực sau khi áp đặt các biện phong toả cứng rắn để kiềm chế Covid-19, GDP đã tăng 8,3% trong quý I nhờ sự phục hồi trong tiêu dùng.

Các nền kinh tế Đông Nam Á cũng đang tạo ra động lực lớn hơn về sản lượng, bao gồm cả xuất khẩu tăng trưởng ổn định. Giá lương thực, nhiên liệu và hàng hóa tăng có lợi cho các quốc gia xuất khẩu chúng với số lượng lớn, dù là dầu cọ (Indonesia và Malaysia), cao su (Thái Lan và Malaysia) hay than đá (Indonesia).

Các nước ASEAN cũng được định vị là sẽ thu được lợi nhuận từ những thay đổi trong sản xuất khi các nhà sản xuất đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc. Ví dụ, Apple đang chuyển một số hoạt động sản xuất iPad sang Việt Nam.

Bà Trinh Nguyễn, chuyên gia kinh tế cao cấp về Châu Á của Natixis, cho biết: “Việc Việt Nam tăng tốc các hoạt động sản xuất phản ánh khả năng thay thế một phần sản lượng bị mất ở Trung Quốc do gián đoạn chuỗi cung ứng bởi các biện pháp zero-Covid, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử, dệt may và giày dép”.

“Sự gián đoạn kéo dài ở Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị gia tăng sẽ làm tăng thêm đầu tư vào Đông Nam Á”, bà Trinh nói.

Trong khi các nền kinh tế ASEAN nhìn chung đang hoạt động tốt, một số nền kinh tế lại dễ bị tổn thương hơn trước các xu hướng toàn cầu. Đơn cử như Philippines, quốc gia nhập khẩu gạo, lương thực và nhiên liệu, nên không được hưởng lợi từ các điều khoản thương mại được cải thiện mà các nhà xuất khẩu thực phẩm và nhiên liệu như Thái Lan và Singapore được hưởng.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách trong khu vực đang áp dụng biện pháp kiểm soát giá cả, một động thái có thể làm dịu cú sốc lạm phát.

Ông Ferdinand Marcos Jr, tổng thống mới của Philippines, người sẽ chính thức nắm quyền vào cuối tháng, đã hứa hẹn trong suốt chiến dịch tranh cử rằng sẽ làm hạ giá gạo bằng cách áp đặt mức trần đối với ngũ cốc.

“Ở Đông Nam Á, giá cả một số mặt hàng được kiểm soát, ví dụ như xăng ở Malaysia và Indonesia, và điều đó giúp kiềm chế lạm phát. Chúng tôi không nhận thấy lạm phát ở khu vực này có đột phá lớn như ở Mỹ hay châu Âu”, ông Khoon Goh của ANZ cho biết.

Nguồn: Tạp chí Đầu tư Tài chính

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: