Điểm tin

Điều gì khiến Đông Nam Á vẫn 'ngần ngại' với IPEF?

29 tháng 06. 2022

Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) được Mỹ công bố tại Tokyo ngày 23/5 có bốn trụ cột: thương mại; chuỗi cung ứng; năng lượng sạch, khử carbon và cơ sở hạ tầng; thuế và chống tham nhũng. Ngoại trừ Campuchia, Lào và Myanmar, các quốc gia Đông Nam Á khác đều là một phần của IPEF.

IPEF cho phép 13 quốc gia châu Á thành viên tham gia sáng kiến riêng lẻ mà không cần tham gia đầy đủ vào tất cả các sáng kiến đó.

Hiện chưa rõ liệu IPEF là một chiến lược hoàn chỉnh hay là một gói chính sách thích hợp để chống lại những lợi ích của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế ở châu Á.

Sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ thiếu một sức mạnh địa kinh tế nhất định. Chiến lược này cũng trở nên kém hấp dẫn đối với nhiều nước Đông Nam Á như Indonesia, Singapore, Malaysia. Sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, thực tế là Mỹ đang xây dựng một Khuôn khổ kinh tế cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hoàn chỉnh.

Mỹ nhiều lần nhắc lại rằng IPEF không phải là một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giống như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Mỹ không tham gia và cũng không hứa tham gia đàm phán trong tương lai để dỡ bỏ thuế quan hoặc tăng cường tiếp cận thị trường. Hiện tại, IPEF dường như là cách của Mỹ để thuyết phục các nước rằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rất giống một thành phần địa kinh tế chứ không chỉ nặng về an ninh và địa chiến lược.

Câu hỏi được đặt ra là các nước Đông Nam Á được hưởng lợi như thế nào từ IPEF? Các nước có thể rút khỏi Khuôn khổ nếu không có tiến bộ đáng kể nào diễn ra trong tương lai không? Điều quan trọng là phải xem xét cách tiếp cận từ các nước để đưa ra ý tưởng, sự kỳ vọng từ IPEF.

Indonesia

Nhà nghiên cứu kinh tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Indonesia, ông Dandy Rafitrandi cho rằng việc tham gia vẫn có lợi cho Indonesia, ngay cả khi chưa rõ Mỹ sẽ đưa ra những cam kết thực sự nào. Nếu không tham gia, Indonesia có thể bị coi là kém cạnh tranh hơn ở Mỹ so với các quốc gia khác.

Theo Nhà nghiên cứu Ahmad Heri Firdaus thuộc Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính (INDEF) của Indonesia, quốc gia cần nhắc lại rằng việc tham gia IPEF không làm tổn hại đến thương mại với Trung Quốc. Indonesia có thể hợp tác với Mỹ và Trung Quốc.

Mối quan tâm chính của ASEAN là không cắt đứt quan hệ với Trung Quốc và có thể thấy điều này qua các tuyên bố của các nước tương ứng.

Bộ trưởng Thương mại Indonesia Muhammad Lutfi tham dự khởi động IPEF phát biểu: “Trong tương lai, khuôn khổ phải mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia liên quan, duy trì tính bao trùm và có lợi trong dài hạn, không cản trở các kế hoạch phát triển trong khu vực cũng như hoạt động hài hòa với các khuôn khổ như Triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Phó Giám đốc-Bộ thương mại Indonesia phụ trách đàm phán thương mại tự do ASEAN Ranitya Kusumadewi đề cập: “Indonesia rất muốn hợp tác với chính quyền Tổng thống Biden về nền kinh tế kỹ thuật số, an ninh, chuỗi cung ứng và chuyển đổi năng lượng”.

Mặc dù khả năng tiếp cận thị trường không được đảm bảo trong khuôn khổ IPEF, nhưng các nhà phân tích Đông Nam Á như Yose Rizal Damuri, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) hy vọng Mỹ sẽ cố gắng thu hút sự ủng hộ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối với các quốc gia bằng cách viện trợ tài chính cho các dự án phát triển.

Singapore

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh, Singapore nhận ra cả ý nghĩa chiến lược và kinh tế của IPEF và điều này tạo cơ hội cho Mỹ thực hiện chính sách ngoại giao kinh tế trong khu vực. Ông chỉ rõ thêm: “Bốn trụ cột bao gồm các vấn đề sẽ gây tiếng vang mạnh mẽ trong khu vực.

Đặc biệt, IPEF cũng sẽ đề cập đến hợp tác trong nền kinh tế kỹ thuật số và nền kinh tế xanh, vốn cho thấy nhiều hứa hẹn về tăng trưởng. Điều quan trọng là IPEF vẫn cởi mở, bao trùm và linh hoạt. IPEF tạo điều kiện cho các thành viên tiếp tục làm việc với nhiều đối tác khác, trong các vòng hợp tác chồng chéo và để tư cách thành viên mở rộng cho những nước khác tham gia sau này, cũng như khi họ sẵn sàng làm như vậy”.

Điểm cần lưu ý ở đây là tính linh hoạt và giữ cánh cửa mở cho hành viên khác tham gia trong tương lai và điều này có thể cho thấy một dấu hiệu rõ ràng đối với Trung Quốc.

Malaysia

Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Ismail Sabri Yaakob dường như cũng tin tưởng rằng IPEF giúp tăng cường hợp tác kinh tế giữa các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và ASEAN. Thủ tướng khẳng định rằng: “Sáng kiến thương mại mới cung cấp một cấu trúc tổng thể để giải quyết các vấn đề thương mại với các nước đối tác”.

Ông nói thêm: “Malaysia sẵn sàng thảo luận các vấn đề liên quan thông qua IPEF để đảm bảo rằng các thành viên có thể tối ưu hóa các lợi ích kinh tế và chiến lược như đã nêu trong khuôn khổ”. Theo Thủ tướng Malaysia, các lĩnh vực y tế, điện và điện tử cũng như nền kinh tế kỹ thuật số dự kiến sẽ được hưởng lợi từ sáng kiến thương mại.

Philippines

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp (DTI) Philippines Ramon M Lopez nhắc lại: “Philippines thừa nhận sự liên kết chung của các chủ đề rộng lớn của IPEF trong việc thúc đẩy khả năng phục hồi, tính bền vững, tính bao trùm và khả năng cạnh tranh cũng như các ưu tiên kinh tế và phát triển của Philippines. Philippines coi IPEF là sự bổ sung cho các nỗ lực cá nhân và tập thể hướng tới phục hồi toàn diện và sự hỗ trợ của Mỹ với ASEAN trong việc theo đuổi các sáng kiến của IPEF sẽ rất quan trọng”.

Vì vậy, với Philippines, phục hồi và phát triển kinh tế là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong chương trình nghị sự.

Thái Lan

Thái Lan tham gia vào 4 lĩnh vực trong khuôn khổ IPEF: Thương mại, chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và khử carbon, thuế và chống tham nhũng. Thái Lan tỏ ra cực kỳ thận trọng khi tham gia các cuộc đàm phán thương mại tự do với phương Tây, vì khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự vẫn phản đối mạnh mẽ việc Thái Lan tham gia bất kỳ thỏa thuận thương mại tự do nào do phương Tây khởi xướng. Nhưng do đây không phải là một FTA, Thái Lan dường như muốn tham gia vào sáng kiến này.

Điều có vẻ rõ ràng vào lúc này là các nước Đông Nam Á vốn luôn áp dụng chiến lược phòng ngừa rủi ro đã đồng ý tham gia sáng kiến. Do đó, Mỹ có rất nhiều thứ để chứng minh rằng đây không phải là một kênh “chỉ để ngoại giao” giống các sáng kiến trước đây, như "Xây dựng thế giới tốt đẹp hơn" (B3W).

Việt Nam

Giới phân tích Việt Nam nhận định, với tư cách là một trong bốn trụ cột của IPEF, năng lượng xanh là ngành được đánh giá có tiềm năng đáng kể tại Việt Nam. Với những đặc điểm thuận lợi về địa lý, Việt Nam được dự báo trở thành điểm đến tiếp theo để đầu tư vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng Mặt Trời và điện gió.

IPEF được cho là sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ lên cấp độ cao hơn, dựa trên mối quan hệ tích cực và xuất khẩu ngày càng tăng.

Nguồn: Báo Thế giới & Việt Nam

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: