Điểm tin

Thực thi RCEP: Doanh nghiệp cần làm gì để có “hệ miễn dịch” tốt?

19 tháng 07. 2022

Thực thi Hiệp định RCEP hàng hoá xuất khẩu Việt Nam có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM từ các thị trường đối tác.

Thực thi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hàng hoá xuất khẩu Việt Nam ngày càng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) từ các thị trường đối tác.

Nguy cơ lớn

Hiệp định RCEP được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand ký ngày 15/11/2020. Sau khi có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, Hiệp định RCEP tạo nên một thị trường rộng lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và GDP lên tới 26.200 tỷ USD (tương đương 30% GDP toàn cầu).

Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang các nước RCEP đạt 132,32 tỷ USD, tăng khoảng 16% so với năm 2020 và nhập khẩu 238,5 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2020. Đặc biệt, RCEP sẽ loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm, thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại hàng hóa và quyền sở hữu trí tuệ.

Tại hội thảo “PVTM trong Hiệp định RCEP: Quy định và thực tiễn” vừa qua, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương) - cho biết, do mức độ hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng nên số lượng vụ việc PVTM đối với hàng hóa của Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Tính đến hết năm 2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 208 vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài. Trong đó, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay là 161 vụ, chiếm tỷ lệ 77%. Hoa Kỳ là quốc gia có số vụ điều tra PVTM nhiều nhất với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam với 41 vụ, Ấn Độ 28 vụ, Thổ Nhĩ Kỳ 24 vụ, Canada 18 vụ, Indonesia 11 vụ, Malaysia 10 vụ, Thái Lan 8 vụ… Các sản phẩm của Việt Nam bị điều tra PVTM khá đa dạng, tập trung nhiều ở các sản phẩm kim loại, nông - lâm - thủy sản và sợi.

Đối với Hiệp định RCEP, theo ông Chu Thắng Trung, bên cạnh những tác động tích cực mà hiệp định mang lại, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như nhập siêu từ khối này còn lớn, khả năng hàng hóa xuất khẩu trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng biện pháp PVTM và các rào cản kỹ thuật khác. Cho đến nay, Việt Nam đã chịu 93 biện pháp PVTM do các thành viên RCEP điều tra, tác động đến các ngành hàng như thép, sợi, gỗ... “Đây có thể nói là một rào cản đầy khó khăn với doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi tiếp cận thị trường các thành viên RCEP, bởi đa số các DN Việt Nam là DN vừa và nhỏ, hiểu biết về PVTM chưa sâu nên vẫn còn bị động khi trở thành đối tượng bị điều tra” - ông Trung cho hay.

Hóa giải thách thức

Với các nỗ lực của Chính phủ, thời gian qua, theo ghi nhận của Cục PVTM, nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng DN về PVTM đang dần được nâng cao. Một số ngành, DN đã xác định được điều tra PVTM là hoạt động bình thường trong thương mại quốc tế, do đó chủ động xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra của nước ngoài. Nhưng vẫn còn rất nhiều DN bị động khi trở thành đối tượng bị điều tra. Trong khi đó, việc bị khởi xướng điều tra PVTM sẽ dẫn tới nhiều bất lợi đối với DN và cơ hội tiếp cận thị trường của hàng hóa.

Để tránh các các nguy cơ hiện hữu trong quá trình thực thi Hiệp định RCEP, theo ông Chu Thắng Trung, việc nắm vững các quy định về PVTM, các rào cản kỹ thuật của thị trường là điều hết sức quan trọng đối với các DN xuất khẩu. Trong đó, các DN cần trang bị những kiến thức cơ bản về PVTM để có thể chủ động xử lý trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu của DN trở thành đối tượng bị nước ngoài điều tra. “Nắm được những kiến thức này, các DN cũng có thể sử dụng các công cụ PVTM một cách phù hợp với quy định pháp luật để bảo vệ lợi ích chính đáng của DN trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng nhập khẩu” - ông Trung nhấn mạnh.

Hiện, trong Hiệp định RCEP có quy định về lĩnh vực PVTM được nêu tại Chương 7, trong đó có một số vấn đề kỹ thuật phức tạp như quy định cấm áp dụng phương pháp tính toán quy về 0 (zeroing), nghĩa vụ công bố các dữ kiện trọng yếu và xử lý thông tin mật trong điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và các cam kết cụ thể về biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp. Để triển khai các quy định này, cũng như giúp DN Việt Nam tận dụng các ưu đãi của hiệp định, chủ động bảo vệ sản xuất trong nước trong quá trình thực thi, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 07/2022/TT-BCT hướng dẫn thực hiện các biện pháp PVTM trong Hiệp định RCEP. Theo ông Chu Thắng Trung, Cục PVTM đã và đang tích cực triển khai phối hợp với các hiệp hội và địa phương phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ các DN hiểu rõ các quy định về PVTM trong Hiệp định RCEP và Thông tư số 07/2022/TT-BCT nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của DN trong quá trình tham gia hiệp định.

Để hỗ trợ DN ứng phó với các vụ việc PVTM, ngoài cơ quan quản lý, các hiệp hội ngành nghề Việt Nam cần thể hiện vai trò rõ nét hơn, đồng thời cần xây dựng đội ngũ tư vấn pháp lý chuyên nghiệp về PVTM cho DN.

Nguồn: Báo Công Thương

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: