Điểm tin

Các nước ASEAN xoay xở trong lạm phát

26 tháng 07. 2022

Chính phủ nhiều nước Đông Nam Á đã bắt đầu triển khai nhiều gói hỗ trợ cho người dân trong thời buổi khó khăn vì lạm phát hoành hành.

Ở khắp khu vực có thu nhập còn thấp của thế giới này, dân chúng đang vật lộn để đáp ứng những nhu cầu tối thiểu trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19, chiến sự Ukraine vẫn dai dẳng, đứt gãy chuỗi cung ứng và giá xăng dầu leo thang chưa từng thấy. Áp lực chính trị của các cuộc bầu cử là một lý do khác khiến nhiều chính quyền phải hành động nhanh chóng.

Hàng loạt gói hỗ trợ

Tuần trước, Singapore công bố gói hỗ trợ 1,5 tỉ SGD (1,07 tỉ USD) cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Theo đó, các cá nhân có thu nhập từ 34.000 SGD trở xuống sẽ được nhận tối đa 300 SGD vào tháng 8.

Tài xế taxi và người làm nghề giao hàng đang gặp khó khăn vì giá xăng dầu cao sẽ nhận các khoản tiền mặt từ 150 tới 300 SGD. Tất cả các hộ gia đình ở nước này sẽ được giảm 100 SGD tiền dịch vụ công ích như điện, nước vào tháng tới.

Chính phủ cũng công bố các gói hỗ trợ tài chính cho những nhà sản xuất thực phẩm và hãng bán lẻ quy mô vừa và nhỏ.

Ở Malaysia, Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob thông báo các hộ gia đình trong nhóm 40% thu nhập thấp nhất sẽ được nhận khoản tiền mặt 100 ringgit (22,65 USD), mỗi cá nhân trong nhóm thu nhập đó sẽ được thêm 50 ringgit nữa.

Tổng các khoản chi của chính phủ ước tính khoảng 630 triệu ringgit cho khoảng 8,6 triệu người. Chính quyền còn tuyên bố ngưng các kế hoạch tăng giá điện và nước sinh hoạt từ ngày 24-6.

Thái Lan thì đã gia hạn thêm các biện pháp hỗ trợ dân chúng được ban hành từ tháng trước thêm 3 tháng nữa, tức cho tới hết tháng 9 năm nay, bao gồm trợ giá dầu ăn cho người có thu nhập thấp.

Ở Indonesia, tiền mặt đã được chuyển trực tiếp cho khoảng 20 triệu hộ gia đình và 2,5 triệu quầy bán thức ăn đường phố trong tình cảnh giá dầu ăn tăng mạnh.

Tất cả các biện pháp này được triển khai trong bối cảnh lạm phát đang ở mức kỷ lục tại Đông Nam Á. Chỉ số giá tiêu dùng ở Thái Lan đã tăng 7,66% vào tháng 6-2022 so với cùng kỳ, cao nhất trong 14 năm. Ở Singapore vào tháng 5 là 5,6%, cao nhất trong 10 năm.

"Các biện pháp hỗ trợ nhắm tới việc giúp đỡ những nhóm có thu nhập thấp và dễ tổn thương, vì họ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lạm phát" - Lawrence Wong, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Tài chính Singapore, nói với kênh Channel News Asia hồi tháng 6.

Yếu tố chính trị là điều không thể phủ nhận trong các gói cứu trợ. Malaysia và Thái Lan sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào cuối năm 2023. Ở Singapore, ông Wong vừa được chỉ định làm người thay thế Thủ tướng Lý Hiển Long cách đây không lâu.

Tuy nhiên, mọi biện pháp chuyển giao tài sản đều là sự đánh đổi. Các gói cứu trợ này tạo thêm nguy cơ với các nền tài chính quốc gia vốn đã căng thẳng vì bội chi để đối phó đại dịch.

Các chuyên gia quốc tế cảnh báo một số nước Đông Nam Á đang có dấu hiệu kỷ luật tài chính lỏng lẻo hơn. Năm 2021, Thái Lan tăng trần nợ công lên 70% GDP từ mức 60%. Malaysia cũng đã nâng tỉ lệ này từ 60% lên 65% GDP.

"Các nước Đông Nam Á có tỉ lệ nợ phải trả bằng ngoại tệ khá thấp nên sẽ không gặp nhiều vấn đề trong chi tiêu ngắn hạn" - Hiromasa Matsuura, kinh tế gia cấp cao ở Hãng Mizuho Research & Technologies, nói với Nikkei Asia. "Tuy nhiên, lãi suất dự kiến sẽ tăng trong thời gian sắp tới, nên họ cần cẩn trọng với các gánh nặng tài khóa tăng thêm".

Nhiều đồng tiền trong khu vực đã rớt giá thời gian qua, sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ nâng lãi suất cơ bản. Đồng baht Thái Lan xuống mức thấp nhất trong 5 năm rưỡi so với USD.

Singapore, trong khi đó, dự tính sẽ tăng thêm thuế để có tiền chi cho gói hỗ trợ 1,5 tỉ SGD. Malaysia thì gặp vấn đề trong việc định vị đúng đối tượng cần hỗ trợ.

Cẩn trọng khi can thiệp vào thị trường

Câu chuyện Indonesia can thiệp vào giá dầu ăn phát đi một lời cảnh báo kiểu khác về các gói cứu trợ.

Trong khi nước này cần "những chính sách đơn giản và rõ ràng để đảm bảo dầu ăn sẵn có và giá cả phải chăng", như lời tiến sĩ Fadhil Hasan, giám đốc bộ phận đối ngoại của Hiệp hội Dầu cọ Indonesia (Gapki), thực tế đã diễn ra khá hỗn loạn.

Đầu năm nay, Indonesia quyết định áp giá trần 14.000 rupiah (21.800 đồng) một lít dầu ăn bán lẻ sau khi giá dầu dứt khoát không giảm suốt 4 tháng liền.

Biện pháp này thay vì kiểm soát được giá dầu ăn như kỳ vọng, lại chỉ khiến các hãng phân phối và bán lẻ găm hàng và bán ngoài thị trường chợ đen với giá cao hơn nhiều so với quy định, làm tình trạng thiếu hụt thêm trầm trọng.

Tới giữa tháng 3, tình trạng khan hàng kéo dài buộc chính phủ dỡ bỏ giá trần. Thế là dầu ăn bắt đầu trở lại các kệ hàng nhưng với giá đúng theo cung cầu là 25.000 rupiah (39.100 đồng) một lít, theo báo The Straits Times.

Một nỗ lực trước đó của Nhà nước tung tiền ngân sách mua dầu ăn rồi bán lại với giá rẻ cho các hãng phân phối cũng thất bại khi những cửa hàng này xé nhỏ lượng dầu ăn giá rẻ họ mua được, đóng chai lại rồi bán với giá thị trường, thay vì giá thấp như mong muốn của Nhà nước.

Tổng thống Joko Widodo đã phải đích thân can thiệp với một động thái bất ngờ: ông tuyên bố cấm xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ, có hiệu lực từ 28-4. Một lần nữa, can thiệp hành chính lại không như ý muốn Nhà nước.

Thay vì làm dầu ăn giảm giá, nhiều nông dân trồng cọ bán nguyên liệu cho nhà máy chế biến giờ bị ép giá xuống rất thấp, nhiều nhà máy thậm chí từ chối mua trái cọ nguyên liệu. Họ viện lý do không còn có lãi nếu không được xuất khẩu.

Không đầy một tháng sau, Nhà nước phải cho phép xuất khẩu dầu cọ trở lại, vào ngày 23-5. Nhưng việc nối lại thương mại không dễ như ký một lệnh cấm: Các chuyến hàng chỉ có thể khởi động 2-3 tuần sau khi giấy phép xuất khẩu đầu tiên được cấp, do lúc này thế giới đang gặp khó khăn về vận tải biển, theo lời ông Eddy Martono - tổng thư ký Gapki.

Nhiều chuyên gia và tổ chức ở Indonesia cảnh báo về hệ quả của các quyết định làm đứt gãy sự vận hành thị trường như vậy, vốn sẽ gây ra phản ứng dây chuyền ngoài dự kiến.

Gulat Manurung, chủ tịch Hiệp hội Nông dân trồng cọ Indonesia (Apkasindo), nói dù nay xuất khẩu đã được nối lại nhưng giá cọ nguyên liệu chưa bao giờ trở về được mức giá trước lệnh cấm, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nông dân. "Nếu hệ thống bị đảo lộn thì vấn đề sẽ lan sang chỗ khác nữa", ông Gulat nói.

Cần những chính sách nhìn xa

Nhiều chuyên gia cho rằng các chính quyền khu vực cần tư duy vượt ra khỏi các hệ thống trợ giá, trợ cấp hay ban phát lợi lộc để tranh thủ chính trị và hướng tới xây dựng một nền kinh tế với mức thu nhập đủ sống cho tuyệt đại đa số người dân.

Ở Malaysia chẳng hạn, cuộc tranh luận về lương tối thiểu và mức thu nhập đủ sống đã bùng lên suốt thời gian qua.

Báo The New Straits Times dẫn lời giáo sư Tan Sri Dr Noor Azlan Ghazali, giám đốc Viện Phát triển dung nạp và tiến bộ Malaysia, nói trong khi theo Ngân hàng Thế giới, Malaysia đã ở rất gần nhóm nước có thu nhập cao, "chúng ta cần nhìn nhận vấn đề dựa trên chất lượng cuộc sống người dân… Đó là điều chính quyền cần làm, thay vì các giải pháp một chiều".

Theo đó, Bộ Tài chính phải xây dựng chiến lược dựa trên dữ liệu tốt hơn, có mục tiêu hơn và minh bạch hơn.

Ông Noor Azlan lấy ví dụ là với mức thu nhập 5.000 ringgit (26,3 triệu đồng) một tháng, một người sống ở Johor Baru (Johor) vẫn có thể cần hỗ trợ so với người có thu nhập tương tự nhưng sống ở vùng có mức sống thấp hơn như Jerantut (Pahang).

"Hiện giờ, nhóm 40% thu nhập thấp nhất kiếm được trung bình từ 4.850 ringgit mỗi tháng trở xuống. Tuy nhiên, mức này là thấp nếu sống ở thành phố lớn do chi phí ở đó cũng cao - ông Noor Azlan phân tích - Một người cần ít nhất 6.200 ringgit mỗi tháng thì mới sống đàng hoàng được, tức họ có thể thỉnh thoảng dẫn gia đình đi ăn ngoài và đủ tiền cho các hoạt động giải trí khác thay vì phải chạy ăn từng bữa".

Ông cũng nói các khoản chi tiêu từ Nhà nước có giới hạn của nó: "Nhà nước cần tìm được cách tốt hơn để người dân có thu nhập, chứ không chỉ phát cho họ 50 ringgit… Sau đại dịch COVID-19, chúng ta đã chi tiêu rất nhiều. Tôi nghĩ Nhà nước đã bắt đầu lo lắng về dư địa tài khóa của quốc gia và nhiều khả năng không thể duy trì mãi các chương trình hỗ trợ tiền mặt như thế này".

Ông Noor Azlan cũng giải thích về sự khác biệt giữa lạm phát và chi phí sinh hoạt, hai điều vốn hay bị nhầm lẫn.

"Mức lạm phát 2,8% theo Ngân hàng Negara Malaysia là một con số duy nhất cho cả nước. Nhưng vấn đề phức tạp hơn thế nhiều, có rất nhiều thành tố cấu thành lạm phát như thực phẩm, giao thông, dịch vụ thiết yếu và 15 nhóm khác nữa".

Ông lấy ví dụ thực phẩm, vốn có mức lạm phát tới 7,9%, chứ không chỉ là 2,8%. "93% các hạng mục trong gói thực phẩm đã tăng giá - ông Noor Azlan phân tích - Thêm nữa, với các nhóm thu nhập thấp, 37% chi tiêu là cho thực phẩm, chi phí sinh hoạt của họ chắc chắn đã tăng không phải 2,8% mà cao hơn thế rất nhiều".

Ngoài ra, cũng phải tính tới tương quan giữa tăng giá và tăng thu nhập. "Giá cả tăng là chấp nhận được nếu thu nhập cũng tăng theo tương ứng - ông nói - Tuy nhiên, chúng ta đang chứng kiến một cú sốc kép khi đất nước đối diện với những hậu quả của COVID-19 và khoảng 3,1 triệu người đã bị giảm thu nhập vì đó".

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cuối tuần

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: