Điểm tin

ASEAN sẽ sớm bắt đầu đàm phán về một hiệp định kinh tế kỹ thuật số

15 tháng 05. 2023

Bộ trưởng Bộ Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto mới đây cho biết, các nước ASEAN đã nhất trí đẩy nhanh tiến độ bắt đầu đàm phán Hiệp định khung về kinh tế kỹ thuật số ASEAN (DEFA) vào quý III năm nay.

Đẩy nhanh tiến độ đàm phán

The Jakarta Post, các nước ASEAN ban đầu dự định khởi động các cuộc đàm phán về DEFA vào năm 2025 nhưng diễn biến gần đây có nghĩa là quá trình này sẽ bắt đầu sớm hơn hai năm.

“Các cuộc đàm phán về DEFA dự kiến sẽ được khởi động vào tháng 9.2023 và vòng thảo luận đầu tiên sẽ được hoàn thành trong năm nay,” Bộ trưởng Airlangga cho biết trong cuộc họp báo sau khi tham dự cuộc họp của Hội đồng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AECC) lần thứ 22 vào cuối tuần qua.

Tăng trưởng kinh tế ASEAN ước tính đạt 4,7% vào năm 2023 và được dự báo sẽ tăng lên 5% vào năm 2024, đưa ASEAN trở thành “điểm sáng trên chân trời tăm tối”. Trong khi đó, nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực được dự đoán sẽ tăng lên 330 tỷ USD tính theo tổng giá trị hàng hóa vào năm 2025, từ mức 194 tỷ USD vào năm ngoái.

Các cuộc đàm phán đánh dấu bước tiến mới sau khi khu vực ký kết Hiệp định ASEAN về thương mại điện tử vào năm 2018, vốn chỉ bao gồm một số bộ phận của nền kinh tế kỹ thuật số.

Vào tháng 4 vừa qua, Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) có trụ sở tại Jakarta từng viết rằng, họ dự kiến DEFA sẽ bao gồm nhiều vấn đề, từ không thuế hải quan đối với việc truyền tải điện tử, tin nhắn điện tử thương mại không được yêu cầu (hay tin nhắn rác - tức là các tin nhắn gửi đi mà người nhận không mong muốn và không được sự cho phép của người nhận) và không phân biệt đối xử đối với các sản phẩm kỹ thuật số, trong số nhiều điều khoản khác.

Viện ERIA đề xuất, các cuộc đàm phán về DEFA nên bao gồm cơ chế giải quyết tranh chấp ngắn gọn, và cơ chế này được coi là yếu tố quan trọng trong khuôn khổ.

Cuộc họp AECC, với sự tham dự của các Bộ trưởng Kinh tế từ tất cả 10 quốc gia ASEAN cùng với Bộ trưởng Tài chính Timor-Leste, được tổ chức để chuẩn bị trước Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 tại Labuan Bajo vào tuần này.

AECC cũng thảo luận về việc cập nhật 16 sản phẩm kinh tế ưu tiên (PED) của Indonesia sẽ được nêu ra trong Hội nghị thượng đỉnh. Bộ trưởng Airlangga cho biết, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã đồng ý ủng hộ hai trong số các tài liệu sáng kiến của Indonesia, vốn sẽ được các nguyên thủ quốc gia ASEAN thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN.

Văn kiện đầu tiên là Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về phát triển hệ sinh thái xe điện khu vực, là kim chỉ nam cho sự hợp tác và cộng tác của các nước ASEAN để phát triển hệ sinh thái xe điện. Sáng kiến thứ hai là Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực và các cơ chế giao dịch nội tệ (LCT), cho phép các khoản thanh toán giữa các quốc gia được xử lý bằng đồng tiền của chính họ thay vì phải sử dụng USD.

“Các sáng kiến liên quan đến phát triển hệ thống thanh toán và LCT trong khu vực sẽ hỗ trợ tăng cường ổn định tài chính và tăng cường hội nhập kinh tế khu vực,” Bộ trưởng Airlangga cho biết.

Bước nhảy vọt của nền kinh tế kỹ thuật số ASEAN

Theo các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN được dự đoán sẽ nhảy vọt vào top 5 thế giới vào năm 2025. Nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN được dự báo sẽ tăng trưởng 6% mỗi năm, đạt mức cao nhất là 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030. ASEAN có hơn 400 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số, dân số ngày càng hiểu biết về công nghệ và lĩnh vực thương mại điện tử đã tạo ra hơn 130 tỷ USD doanh thu vào năm 2022. ASEAN là ngôi nhà của hơn 30 “kỳ lân”- những công ty khởi nghiệp trị giá từ 1 tỷ USD trở lên và con số này đang tăng lên. ASEAN được thiết lập để trở thành một trong những nền kinh tế kỹ thuật số khu vực phát triển nhanh nhất.

Bất chấp những tiến bộ ấn tượng của ASEAN, những thách thức khó khăn vẫn còn đó. Khoảng cách kỹ thuật số của ASEAN vẫn tồn tại trong khi chế độ quản lý dữ liệu của các quốc gia thành viên ngày càng trở nên khác biệt. Những rào cản này có thể làm suy yếu sự năng động kinh tế của ASEAN.

Vì thế, thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số của ASEAN có thể cải thiện môi trường đầu tư trong nội khối ASEAN. Trong Hội nghị hẹp cấp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hồi tháng 2.2023 tại Jakarta, các thành viên đã tái khẳng định sự cần thiết của việc thúc đẩy cụ thể DEFA. DEFA sẽ đóng vai trò là khuôn khổ bao trùm của ASEAN cho một hệ sinh thái thương mại kỹ thuật số liền mạch trên khắp Đông Nam Á. Nhưng có những câu hỏi xung quanh việc liệu khuôn khổ này có thể mang lại một nền kinh tế kỹ thuật số tích hợp hay không?

Các quốc gia thành viên ASEAN ngày càng thể hiện cam kết đối với một nền kinh tế kỹ thuật số hội nhập. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên đã đơn phương củng cố các khuôn khổ quy định dữ liệu của họ. Đơn cử, năm 2022, Singapore đã ký kết quan hệ đối tác kỹ thuật số toàn diện, đặc biệt là với Hàn Quốc và Vương quốc Anh. Hay Philippines đã tuyên bố hỗ trợ thành lập một diễn đàn về quy tắc bảo mật xuyên biên giới để cải thiện các luồng dữ liệu xuyên biên giới. Còn Indonesia và Việt Nam đã tích cực củng cố luật nội địa hóa dữ liệu với nhiều chính sách khác nhau.

Sự phân chia quy định dữ liệu trong khu vực đang trở nên rộng hơn. Sẽ khó khăn hơn nhiều đối với ASEAN để kết thúc DEFA và tạo ra một nền kinh tế kỹ thuật số tích hợp mang lại lợi ích chung cho khu vực. Thất bại trong việc kết luận DEFA sẽ tạo ra tác động tiêu cực đến quỹ đạo tăng trưởng của ASEAN. Các doanh nghiệp nước ngoài, chẳng hạn như các công ty thương mại điện tử và điện toán đám mây, có thể bị ngăn cản đầu tư.

Trên thực tế, quy định dữ liệu xuyên biên giới trơn tru và mạch lạc là mạch máu của một nền kinh tế kỹ thuật số chức năng. Vì vậy, các nhóm nghiên cứu được ủy quyền của ASEAN về DEFA sẽ phân tích việc thành lập một cơ quan quản lý, tương tự như Ủy ban Tư vấn ASEAN về tiêu chuẩn và chất lượng, để giám sát việc hài hòa hóa các tiêu chuẩn quy định dữ liệu giữa các quốc gia thành viên. Các nhóm nghiên cứu này sẽ phân biệt những nguyên tắc liên quan nào có thể được áp dụng lại cho quy định dữ liệu xuyên biên giới.

Dự kiến, DEFA sẽ hướng tới việc xây dựng một không gian, môi trường an toàn, lành mạnh cho kinh tế số phát triển, đồng thời thắt chặt vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ dữ liệu cá nhân… Nó được kỳ vọng sẽ là cơ sở để thiết lập nền tảng vững chắc, toàn diện đưa ASEAN trở thành khu vực có nền kinh tế số phát triển hàng đầu trong tương lai.

Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: