Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng XK khỏi Trung Quốc sang ASEAN được xem là một trong những tác động gián tiếp quan từ chính sách thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ASEAN đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt bởi chính các doanh nghiệp Trung Quốc.
Theo Straits Times, một ví dụ nổi bật là Singapore. Theo công ty tư vấn Knight Frank, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9/2024, trung bình mỗi tháng có 274 doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (F&B) tại Singapore đóng cửa – cao hơn hơn 60% so với năm 2020, khi đại dịch COVID-19 khiến ngành ăn uống gần như tê liệt với trung bình 170 doanh nghiệp ngừng hoạt động mỗi tháng.
Nguyên nhân chính không còn là dịch bệnh, mà là làn sóng F&B Trung Quốc tràn vào. Các nhà hàng, quán ăn có nguồn gốc Trung Quốc mọc lên khắp nơi – từ các trung tâm ăn uống bình dân cho đến các tuyến phố lớn như Mosque Street và Pagoda Street ở khu Chinatown, khiến nhiều cơ sở ăn uống địa phương buộc phải rời đi.
Cạnh tranh từ Trung Quốc: Không chỉ tại Singapore
Xu hướng không chỉ giới hạn ở Singapore. Ở Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Malaysia, các ngành như thực phẩm, dệt may, điện tử tiêu dùng, nội thất và thậm chí cả xe máy điện đều ghi nhận mức độ cạnh tranh ngày càng tăng và khốc liệt từ các đối thủ Trung Quốc.
Với khả năng sản xuất quy mô lớn, giá cả rẻ, chiến lược mở rộng nhanh chóng và hỗ trợ tài chính từ nhà nước, các doanh nghiệp Trung Quốc đang làm khó cả doanh nghiệp trong nước lẫn tại thị trường xuất khẩu của ASEAN.
Không ít công ty ASEAN phản ánh rằng họ đang bị “gọng kìm” kẹp chặt: một mặt bị ép giá trong nước do hàng Trung Quốc tràn vào, mặt khác lại bị Trung Quốc lấn lướt ngay tại các thị trường xuất khẩu chủ lực. Ví dụ, tại châu Phi hay Nam Á – những khu vực từng là sân sau của doanh nghiệp ASEAN – sản phẩm Trung Quốc giờ đây phổ biến đến mức hàng từ ASEAN khó cạnh tranh được.
Tác động lan rộng và khó đảo ngược
Làn sóng thâm nhập của doanh nghiệp Trung Quốc không chỉ dừng lại ở sản phẩm tiêu dùng. Các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Shein, Temu, và TikTok Shop đang cắt sâu vào lợi nhuận của các doanh nghiệp nhỏ trong khu vực.
Những “cú đấm kép” từ chuỗi cung ứng rẻ và hạ tầng công nghệ vượt trội của Trung Quốc khiến các công ty nội địa ASEAN dần bị gạt ra bên lề, hoặc phải chuyển sang làm thuê cho chính các nền tảng Trung Quốc.
Tình trạng này đặt ra một thách thức lớn cho các chính phủ ASEAN: Nếu không hành động, nhiều ngành công nghiệp địa phương có thể bị “hấp thụ” vào guồng máy xuất khẩu của Trung Quốc, giống như những gì từng xảy ra với các doanh nghiệp Mỹ khi phải cạnh tranh với Trung Quốc từ đầu những năm 2000.
Giải pháp nào cho ASEAN?
Theo tác giả bài viết đăng trên Straits Times, không có lối thoát dễ dàng cho các doanh nghiệp ASEAN. Việc đóng cửa thương mại hay dựng hàng rào thuế quan không khả thi với các nền kinh tế mở như ASEAN. Tuy nhiên, có một số hướng đi tiềm năng:
- Tăng cường giám sát đầu tư nước ngoài: Nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm như bán lẻ, logistics, công nghệ và thương mại điện tử.
- Đầu tư vào năng lực nội địa: Bao gồm chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, và chính sách tín dụng ưu đãi.
- Đàm phán lại các hiệp định thương mại theo hướng công bằng hơn, tránh để doanh nghiệp nội địa bị lép vế trên sân nhà.
Cuối cùng, hợp tác với Trung Quốc vẫn cần thiết, nhất là về đầu tư cơ sở hạ tầng, logistics và năng lượng. Nhưng ASEAN cần một chiến lược rõ ràng và kiên quyết để vừa giữ được thị trường trong nước, vừa không đánh mất vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nguồn: Thế giới Tiếp thị
Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: