Điểm tin

ASEAN sáng tạo để bao trùm hơn

19 tháng 05. 2023

Năm 2023, ASEAN BAC chọn chủ để chính của năm là “ASEAN trong vai trò trung tâm: Sáng tạo để bao trùm hơn”, tập trung vào 05 mục tiêu và lĩnh vực.

Các lĩnh vực đó bao gồm: Chuyển đổi số, Phát triển bền vững, Y tế - Sức khỏe, An ninh lương thực, Thuận lợi hóa thương mại. 

ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch ASEAN BAC Việt Nam đã chia sẻ xung quanh vấn đề này nhân dịp ông cùng Đoàn công tác VCCI vừa tham dự cuộc họp của ASEAN BAC, Đối thoại giữa Lãnh đạo ASEAN và ASEAN BAC, và các kỳ họp liên quan khác tại Bali, Indonesia.

- Với tư cách là Chủ tịch ASEAN BAC Việt Nam, ông đã có những kiến nghị gì để góp phần tổ chức thành công Đối thoại giữa Lãnh đạo ASEAN với ASEAN BAC, thưa Ông?

Tại cuộc họp các thành viên ASEAN BAC, tôi đã trình bày các kiến nghị về việc xây dựng kế hoạch hành động của ASEAN BAC năm 2023 nhằm nắm bắt các cơ hội từ xu thế toàn cầu chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn. Qua đó, tôi cũng đã trình bày dự án Di sản: “CSI - For Coporate Sustainable Development” – bộ chỉ số phát triển bền vững doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, CSI được biết đến là bộ công cụ hỗ trợ quản trị doanh nghiệp bền vững đã được triển khai thành công, và nhận được sự ghi nhận từ cả cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ, cũng như đã được vào các chính sách phát triển bền vững doanh nghiệp của Chính phủ trong những năm gần đây. Bên cạnh bộ chỉ số chung có thể áp dụng cho mọi loại hình doanh nghiệp, CSI cũng đã được tùy chỉnh và cụ thể hóa thành những bộ chỉ số CSI riêng cho các ngành kinh tế trọng điểm của Việt Nam như thủy sản; da giày, túi xách và trong tương lai sẽ hướng đến các ngành khác. Đây là mô hình thực tiễn tốt có thể nhân rộng tại các nước ASEAN trong bối cảnh kinh doanh bền vững đang là xu thế toàn cầu.

Bên cạnh đó, tôi cũng đề xuất cần có một cơ chế hợp tác công- tư phù hợp để khuyến khích sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp ASEAN, cùng với các cơ quan chính phủ, trong đó ASEAN BAC Việt Nam sẽ đóng vai trò thúc đẩy triển khai các sáng kiến về phát triển mô hình kinh tế mới này. Qua đó, ASEAN có thể rút ngắn hành trình chuyển dịch sang mô hình kinh tế tuần hoàn ưu việt, để tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, lợi ích xã hội.

Ngoài ra, tôi cũng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm và ủng hộ các hoạt động của ASEAN BAC, trong đó đặc biệt đánh giá cao dự án di sản liên quan đến môi trường như dự án về Trung tâm ASEAN về mục tiêu phát thải bằng “0”, Trung tâm xuất sắc về khí thải carbon của Indonesia, và dự án CSI của ASEAN BAC Việt Nam.

- Tại Đối thoại nói trên, ASEAN BAC đã có những khuyến nghị nào với lãnh đạo ASEAN để thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực mạnh mẽ hơn, thưa ông?

Báo cáo của ASEAN BAC tại Đối thoại nhấn mạnh vào ba mục tiêu chính: đưa ra các khuyến nghị của doanh nghiệp lên các nhà Lãnh đạo ASEAN; thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực mạnh mẽ hơn; tiếp tục triển khai các dự án di sản của các thành viên ASEAN BAC vì thịnh vượng khu vực.

Chủ tịch ASEAN BAC 2023 đã giới thiệu các dự án di sản của ASEAN BAC từ trước đến nay, trong đó có dự án di sản CSI của ASEAN BAC Việt Nam. Trên cơ sở đó, Chủ tịch ASEAN BAC 2023 cũng đã giới thiệu về 07 dự án di sản của ASEAN BAC Indonesia trong năm 2023 bao gồm:

Về mục tiêu chuyển đổi số, có 03 dự án di sản trong lĩnh vực công nghệ tài chính và thương mại điện tử gồm Mã QR ASEAN, Nền tảng cho vay ASEAN P2P và Khởi nghiệp WIKI. KADIN đang hợp tác với các NHTW ở các nước ASEAN để phát triển mã QR, giúp doanh nghiệp thuận tiện hơn khi thanh toán xuyên biên giới, Bách khoa khởi nghiệp sẽ hỗ trợ thương mại quốc tế giữa các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).

Về mục tiêu phát triển bền vững, Trung tâm trung hòa carbon ASEAN và Trung tâm ưu việt về Carbon là các chương trình đột phá sẽ được Indonesia triển khai để xử lý các vấn đề bền vững về môi trường. Trong đó, Trung tâm ASEAN Net Zero sẽ hỗ trợ khu vực tư nhân khử cacbon và đạt được các mục tiêu về khí thải ròng ở cấp độ ASEAN. Trung tâm ưu việt về Carbon sẽ khuyến khích hợp tác toàn cầu nhằm đạt được mục tiêu phát thải bằng 0 cũng như trao quyền cho các doanh nghiệp tận dụng tiềm năng kinh doanh Carbon.

Về mục tiêu y tế - sức khỏe, Chiến dịch "ASEAN One Shot" – hoạt động ưu tiên ngành y tế để tạo ra một chương trình tiêm chủng khu vực lâu dài, tăng cường năng lực sản xuất cũng như nghiên cứu lâm sàng. Chiến dịch nhằm tăng cường khả năng phục hồi và chuẩn bị sẵn sàng của hệ thống y tế khu vực trước các đại dịch trong tương lai. Chương trình sẽ được thực hiện thông qua nhiều sự hợp tác giữa các chính phủ ASEAN, các công ty trong ngành y tế và các tổ chức y tế toàn cầu.

Về mục tiêu an ninh lương thực, ASEAN BAC Indonesia sẽ chủ trì chương trình An ninh lương thực cho ngành nông nghiệp với mô hình khép kín bao trùm nhằm khuyến khích nông dân và các DNNVV trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

ASEAN BAC cũng giới thiệu về lộ trình phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp ASEAN dự kiến công bố vào tháng 9/2023 tới bên lề các sự kiện lớn thường niên của ASEAN BAC, như Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh và đầu tư ASEAN (ASEAN BIS), Giải thưởng doanh nghiệp ASEAN (ABA). Đây dự kiến sẽ là một nền tảng hợp tác công-tư để cải cách chính sách khu vực, trong đó chính phủ sẽ hỗ trợ các chương trình của doanh nghiệp để đóng góp hỗ trợ đạt được tầm nhìn ASEAN 2045. Để đạt được hiệu quả mong đợi, ASEAN BAC mong muốn Lãnh đạo ASEAN chỉ định các đầu mối phối hợp cần thiết để hợp tác và triển khai, cũng như cho phép ASEAN BAC tham gia các cuộc họp của chính phủ để chia sẻ các kế hoạch trên.

Các Lãnh đạo ASEAN đánh giá các ưu tiên của Hội đồng năm 2023 phù hợp với các ưu tiên kinh tế của ASEAN, và ghi nhận năm vấn đề ưu tiên của ASEAN BAC trong năm 2023 sẽ được triển khai thông qua các dự án di sản khác nhau: Chuyển đổi kỹ thuật số, Phát triển bền vững, Khả năng phục hồi sức khỏe, Lương thực An ninh, Tạo thuận lợi cho Thương mại và Đầu tư. Lãnh đạo ASEAN cũng hoan nghênh nguyện vọng của ASEAN BAC trong việc đóng góp vào việc xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, đặc biệt là từ góc độ kinh doanh.

Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu tại Đối thoại, trong đó đánh giá cao những đề xuất khuyến nghị trong báo cáo của ASEAN BAC, đặc biệt là dự án di sản của ASEAN BAC Việt Nam về chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững. Thủ tướng chỉ đạo Chính phủ và doanh nghiệp cần có “Ba cùng”: cùng nhau hoàn thiện thể chế thông qua chuẩn hóa và hài hòa hóa các quy định đầu tư, kinh doanh trong ASEAN, đơn giản hóa các thủ tục bằng chuyển đổi số; tăng cường phối hợp ở cả cấp độ quốc gia và khu vực nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng; cùng chung tay phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược, bao gồm cả cơ sở hạ tầng cứng về giao thông vận tải, năng lượng và hạ tầng thông minh gồm các nền tảng số, trung tâm đổi mới sáng tạo… nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững; và cùng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ cao, với các tiêu chuẩn chung về đào tạo, đánh giá và sự công nhận lẫn nhau giữa các hệ thống văn bằng. Thủ tướng cam kết Chính phủ sẽ cùng ASEAN BAC sẽ bắt kịp những xu thế mới, ứng phó hiệu quả với các thách thức, đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu phục hồi tăng trưởng trong ngắn hạn và phát triển bền vững trong dài hạn.

- Thưa ông, trong thời gian tới, ASEAN BAC Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động nào để hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong khu vực hướng tới phát triển bền vững, thưa ông?

ASEAN BAC Việt Nam tiếp tục trao đổi với Chủ tịch ASEAN BAC 2023 (ASEAN BAC Indonesia) và Ban Thư ký ASEAN BAC Quốc tế để tiếp tục lên kế hoạch hợp tác, tham gia vào các hoạt động lớn của ASEAN BAC vào tháng 9/2023 bao gồm Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh và đầu tư ASEAN (ASEAN BIS), Giải thưởng doanh nghiệp ASEAN (ABA).

VCCI/ASEAN BAC Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục triển khai dự án Di sản CSI theo hướng nhân rộng mô hình thực tiễn tốt của Việt Nam tại các nước ASEAN trong bối cảnh phát triển bền vững đang là xu thế toàn cầu. ASEAN BAC Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với Chủ tịch ASEAN BAC các nước khác có mối quan tâm đặc biệt đến CSI như Thái Lan, Indonesia để hợp tác xây dựng bộ chỉ số tương tự.

Bên cạnh đó, VCCI/ASEAN BAC Việt Nam cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và ASEAN tham gia vào các sáng kiến về Phát triển Bền vững, thúc đẩy chuyển dịch sang mô hình kinh tế tuần hoàn, đồng thời đóng vai trò cầu nối mở rộng hợp tác công – tư giữa các Chính phủ ASEAN và doanh nghiệp về phát triển bền vững, tiến hành các nghiên cứu về phát triển bền vững/kinh tế tuần hoàn của khu vực để đưa vào báo cáo ASEAN BAC trình lên Lãnh đạo Cấp cao ASEAN.

Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: