Điểm tin

Khoảng 20 triệu tấn hàng hóa thông qua tuyến thủy nội địa Việt Nam – Campuchia

26 tháng 05. 2023

Việt Nam kết nối tuyến sông (thủy nội địa), tuyến ven biển với nhiều quốc gia láng giềng. Riêng tuyến vận tải thủy nội địa Việt Nam – Campuchia, ghi nhận có khoảng 20 triệu tấn hàng hóa thông qua, kể từ khi Hiệp định Vận tải thủy Việt Nam – Campuchia có hiệu lực từ tháng 01/2011...

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao thông thủy quá cảnh và qua biên giới trên các tuyến đường thủy quy định, năm 2009, Chính phủ Việt Nam và Campuchia đã ký kết Hiệp định về vận tải thủy giữa hai nước. Hiệp định này có hiệu lực từ tháng 01/2011.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết kể từ khi Hiệp định Vận tải thủy Việt Nam – Campuchia có hiệu lực, hai nước đã làm thủ tục cho gần 78.000 lượt phương tiện, hơn 406.000 lượt thuyền viên, khoảng 20 triệu tấn hàng hóa và chừng 1,3 triệu lượt hành khách thông qua.

Hàng hóa thông qua tuyến đường thủy giữa hai nước ngày càng tăng trong những năm gần đây, đặc biệt trong hai năm 2021 – 2022. Riêng hàng container tăng trưởng trung bình 20%/năm.

Cụ thể, năm 2021 đạt gần 350.000 TEUs và hơn 800.000 tấn hàng lỏng, hàng rời. Năm 2022 đạt 417.696 TEUs và gần 1 triệu tấn hàng lỏng, hàng rời; 7.594 lượt phương tiện quá cảnh, xuất nhập cảnh; 35.766 lượt thuyền viên và 59.406 lượt hành khách. Riêng hai tháng đầu năm 2023, lượng hàng hóa vận chuyển qua tuyến này đạt trên 150.000 tấn. Lũy kế hai năm 2021 – 2022 đạt xấp xỉ 20 triệu tấn hàng hóa.

Năm 2022, Cục Đường thủy nội địa cũng đã cấp 543 giấy phép vận tải thủy qua biên giới Việt Nam - Campuchia cho 49 doanh nghiệp và 13 cá nhân có phương tiện vận tải thủy qua biên giới. Riêng 4 tháng đầu năm 2023, Cục này đã cấp được 272 giấy phép vận tải qua biên giới giữa hai nước; trong đó có 79 giấy phép cấp cho phương tiện chở hàng nguy hiểm, 193 giấy phép cấp cho phương tiện chở hàng khô…

Theo đánh giá của Cục Đường thủy nội địa, tiềm năng vận tải hàng hóa giữa hai nước, nhất là hàng quá cảnh trên tuyến Hiệp định Vận tải thủy Việt Nam – Campuchia quy định còn rất lớn.

Dẫn một khảo sát gần đây, Cục Đường thủy nội địa cho biết nhu cầu vận tải hàng hóa đi/đến tại hai cảng Phnôm Pênh và Sihanoukville của Campuchia là hai điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa trên tuyến Hiệp định quy định ngày càng cao. Đơn cử, tại cảng Phnôm Pênh, khu vực bến cảng container LM17 có công suất 300.000 TEUs/năm, nhưng thực tế năm 2021 đã có tới hơn 321.000 TEUs hàng hoá quá cảnh đến các cảng biển khu vực TP.HCM và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu)…

Còn theo số liệu cảng Phnôm Pênh công bố, được Cục Đường thủy nội địa dẫn lại, thì năm 2011 khi Hiệp định Vận tải thủy Việt Nam – Campuchia chính thức có hiệu lực, lượng hàng container quá cảnh qua Việt Nam bằng tuyến vận tải đường thủy là 81.631 TEUs. Sau 10 năm số lượng hàng hóa qua tuyến đã đạt 321.066 TEUs vào năm 2021, đạt mức tăng trưởng gần 400%, trung bình 20% mỗi năm.

Tương tự, đối với cảng Sihanoukville, từ năm 2012 đến nay, lượng hàng hóa thông qua cảng tăng trưởng trung bình 11,29%, đạt gần 7 triệu tấn; hàng container tăng trung bình 12,8% và đạt trên 730.000 TEUs vào năm 2021. Theo Cục Đường thủy nội địa, đây chính là lợi thế cho các cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải bởi hiện nay khu vực này là cảng trung chuyển của hàng hóa xuất khẩu từ Campuchia đi Mỹ.

Đạt được những kết quả tích cực trên tuyến hiệp định nói trên, theo Cục Đường thủy nội địa là do nỗ lực của cả hai phía trong công tác đề xuất, triển khai các giải pháp giảm thủ tục hải quan, thông quan, giảm chi phí, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải.

Ngoài ra, TP.HCM đã miễn phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển Thành phố đối với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện thủy trên tuyến đường thủy theo Hiệp định.

Hải quan Thành phố hạn chế tối đa kiểm tra hải quan đối với hàng hóa quá cảnh; tuy nhiên, việc kiểm tra hàng hóa vẫn mất nhiều thời gian. Ví dụ như hiện nay cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành kiểm tra thủ công đối với hầu hết các lô hàng hóa quá cảnh được vận tải trên tuyến Hiệp định; thời gian làm việc của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu Việt Nam là trong giờ hành chính, vì vậy không giải phóng hàng nhanh được,…

Trong khi đó, hàng hóa từ Campuchia đi các nước Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,… còn có nhiều lựa chọn khác như quá cảnh qua Thái Lan, đi đường bộ đến Trung Quốc rồi đi đến nước khác.

Thương mại giữa hai nước Việt Nam – Campuchia tăng trưởng mạnh mẽ, đạt trên 10,57 tỷ USD trong năm 2022, tăng gần 11% so với năm 2021. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Campuchia, sau Trung Quốc và Mỹ và là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN. Tính đến nay, Việt Nam có 205 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,94 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và trong Top 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia.

Tại hội nghị song phương Việt Nam – Campuchia hôm 10/5 vừa qua, hai bên đã trao đổi, thống nhất tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện Hiệp định Vận tải thủy Việt Nam – Campuchia cũng như cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải của hai nước trên tuyến Hiệp định.

Nguồn: VnEconomy

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: