Điểm tin

Mở rộng "cánh cửa" kinh tế ASEAN

15 tháng 09. 2023

Tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh và Đầu tư ASEAN tại Jakarta (Indonesia), Thủ tướng Phạm Chính đã có bài phát biểu góp phần mở rộng cánh cửa kinh tế khu vực.

Trước hơn 2.000 doanh nghiệp quốc tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu lên quan điểm: “ASEAN đứng trước sứ mệnh phải khẳng định là một cực trong thế giới đa cực, là trung tâm trong hợp tác cũng như cấu trúc ở khu vực, và ASEAN hoàn toàn có đủ khả năng đảm nhận được sứ mệnh đó”.

Định hình giá trị ASEAN

Cộng đồng quốc tế đã dành sự quan tâm đáng kể đến vai trò của ASEAN cách đây vài thập kỷ, nhưng vẫn thiếu đi một đánh giá tổng quát và cùng nhau hành động trên cơ sở thống nhất chiến lược giữa các quốc gia trong khu vực. Bởi lẽ, ASEAN sẽ mạnh hơn khi cùng nhau xác định có chung tiềm lực, thế mạnh.

Vì lý do, thế giới đa cực là môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất; nơi mà doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm đối tác, kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa và giảm thiểu rủi ro do áp lực chính trị, ngoại giao. Thời kỳ nào toàn cầu hóa mạnh mẽ thời kỳ đó thế giới phát triển ổn định.

ASEAN đã chứng minh là khu vực lý tưởng của toàn cầu hóa: không gian kinh tế rộng mở với mạng lưới 8 FTAs gồm Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và 7 FTA với các đối tác quan trọng, trong đó Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tạo nên một khu vực chiếm 30% dân số thế giới và 32% GDP toàn cầu.

ASEAN hiện nay như một khối rubic đa diện, mặt nào cũng có thể mở ra “cửa sổ” tương thích với thế giới. Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn chứng: Thông qua các cơ chế như ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị Đông Á (EAS)…, các nước khu vực đã tạo dựng và duy trì cân bằng, linh hoạt quan hệ với các đối tác bên ngoài.

Để hiện thực hóa tiềm năng, ASEAN cần hoàn thiện thể chế; xây dựng hạ tầng chiến lược; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Thủ tướng Phạm Minh Chính hiến kế: “Những vấn đề trên cần phải được phối hợp ở cả ba cấp độ: Giữa chính phủ với chính phủ để hài hòa chính sách, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp để đồng bộ trong triển khai, giữa chính phủ với doanh nghiệp”.

Đặc biệt là vai trò thu hút của doanh nghiệp nội khối, không ngừng đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, kết hợp giữa sản xuất và nghiên cứu phát triển, cùng nhau xây dựng môi trường kinh doanh, đầu tư lành mạnh… góp phần xây dựng nền văn hóa ASEAN đậm đà bản sắc.

Những hàm ý từ Việt Nam

Vai trò của Việt Nam trong ASEAN hiện nay rất quan trọng, đã phát huy hiệu quả trong thực tế - đánh giá này là đúng đắn với những gì chúng ta đã đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực. Do vậy, những thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh chính tại Jakarta cũng phần nào chuyển tải mong muốn của Việt Nam.

Thứ nhất, theo một nghĩa hẹp của thế giới đa cực trong phạm vi mỗi quốc gia như Việt Nam là đa đạng hóa, đa phương hóa đối tác kinh tế. Hiện có 107 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Tính lũy kế trong giai đoạn 1986 - 2022 Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỉ USD vốn FDI, năm thứ 7 liên tiếp trong top 3 nền kinh tế thu hút FDI nhiều nhất ASEAN.

Thứ hai, Việt Nam coi trọng tính thống nhất trong cộng đồng kinh tế ASEAN, như Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: hài hòa các quy định đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục bằng chuyển đổi số; khuyến khích và coi trọng tiếng nói của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc mới phát sinh.

Đấy cũng là các vướng mắc ở nhiều nền kinh tế mới nổi trên đà hoàn thiện thể chế, chính sách trong đó có Việt Nam. Hàm ý ở đây là gì? Cơ chế thu hút đầu tư trong khu vực giàu tính cạnh tranh nhưng không triệt tiêu nhau, tạo điều kiện bổ trợ, song hành, đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ với tinh thần “trong tôi có bạn, trong bạn có tôi” để hình thành chuỗi cung ứng.

Thứ ba, lĩnh vực kinh tế có tính xu hướng được xác định là: chuyển đổi số, phát triển “xanh”, công nghệ cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát huy nguồn lực con người. Đây là lộ trình của Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á và toàn cầu nói chung.

ASEAN trước ngưỡng cửa cuộc cách mạng công nghệ - kinh tế - kỹ thuật hoàn toàn mới. Với mục tiêu “đóng vai trò trung tâm, sáng tạo để bao trùm hơn”, “tâm chấn tăng trưởng”, “một cực trong thế giới đa cực” thì bản thân nội tại các quốc gia phải sở hữu sức mạnh vật chất lẫn tinh thần.

Sức mạnh ấy chính là tập hợp hữu cơ của những nền kinh tế mạnh, hiện đại, có tính tiên phong; làm chủ hoặc tự chủ một phần công nghệ lõi của tương lai; sử dụng năng lượng tiên tiến; đồng thuận tối đa quan điểm về các vấn đề của khối cũng như toàn cầu.

Giàu kinh tế, mạnh công nghệ là tiền đề tự chủ đường lối chính trị, ngoại giao, an ninh quốc phòng; không bị cuốn theo vòng xoáy cạnh tranh dẫn đến tách rời, lựa chọn thiên cực. Đấy mới là một cộng đồng hùng mạnh.

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: