Bất chấp bối cảnh toàn cầu ngày càng bị chia cắt, hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa kết thúc ở Indonesia mang lại sự lạc quan rất lớn. Các chuyên gia nhận định, sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các nền kinh tế trong khối ASEAN sẽ là hướng đi chính trong tương lai trước tình hình địa chính trị phức tạp, biến đổi khí hậu và rủi ro đại dịch trong tương lai.
Trong vài năm gần đây, trong khi sự chú ý của các quốc gia thành viên tập trung vào việc đối phó với đại dịch và những thách thức trong nước, ASEAN vẫn dành sự quan tâm đúng mức đến các vấn đề căng thẳng, chẳng hạn như giải quyết tình hình chính trị phức tạp của Myanmar.
Tuy nhiên, với việc hầu hết các nước đều đang trên con đường phục hồi, đã đến lúc ASEAN phải tập trung lại vào việc xây dựng một khối mạnh mẽ hơn, đặc biệt trước bối cảnh môi trường kinh tế toàn cầu ảm đạm với lãi suất cao ở các nền kinh tế phát triển, đồng tiền yếu ở các thị trường mới nổi, cũng như áp lực lạm phát do chiến tranh ở Ukraine.
Trên thực tế, khu vực này đã trải qua một hành trình đáng chú ý trong bốn thập kỷ qua, chuyển đổi từ nền tảng chủ yếu là nông nghiệp sang nền kinh tế đa dạng với các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ mạnh mẽ. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 1997, ASEAN đã tăng trưởng 6% vào năm 2000.
Sau đó, bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và ngay trước khi đại dịch bắt đầu, khối này vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 5,7% từ năm 2000 đến năm 2019.
Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, cùng với tổng sản phẩm quốc nội hơn 3,7 nghìn tỷ USD, lớn thứ năm trên thế giới, ASEAN ngày nay được thừa nhận là một khu vực kinh tế năng động trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang trì trệ.
Năm 2022, trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu là 3,2%, thì ASEAN tăng trưởng 5,7% nhờ tiêu dùng nội địa ổn định và thương mại phát triển mạnh. Trong đó, Malaysia dẫn đầu ASEAN với mức tăng trưởng 8,7%.
ASEAN cũng đứng đầu trong lĩnh vực thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các nền kinh tế đang phát triển với mức kỷ lục 224 tỷ USD, tăng 5% vào năm ngoái. Trong đó, vốn FDI vào sản xuất ở ASEAN cho thấy nhiều hứa hẹn nhất khi tăng lên mức kỷ lục 62 tỷ USD, với tổng tỷ trọng FDI toàn cầu trong lĩnh vực này tăng lên 28% vào năm 2022.
Điều này cho thấy sức mạnh sản xuất mạnh mẽ và tác động của việc các nước tập trung củng cố kết nối trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là sau những căng thẳng địa chính trị kéo dài tại các khu vực khác.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo ASEAN sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm nay và 5% trong năm 2024. Gần đây, tại Jakarta, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva đã lưu ý rằng các nước ASEAN đang đóng góp 10% vào tăng trưởng toàn cầu.
Với động lực tích cực trên nhiều mặt, trong bài viết trên tờ SCMP, ông Tengku Zafrul Aziz, Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia nhận định, ASEAN sẽ có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong thập kỷ này và trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030.
Thách thức đặt ra đối với các nhà hoạch định chính sách của ASEAN là đảm bảo rằng sự tăng trưởng này sẽ mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Để đạt được điều này, ông Aziz cho rằng, thương mại nội khối ASEAN cần phải đạt được sự tăng trưởng tương xứng. Từ năm 2012-2021, thương mại hàng hóa nội khối ASEAN chỉ tăng 17,3%, con số này thấp hơn rất nhiều so với 40,2% của thương mại ngoài ASEAN.
"Khu vực này cần thúc đẩy những tiến bộ trong việc xem xét Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN, đặc biệt các yếu tố chính như khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, số hóa và tạo thuận lợi thương mại cần được quan tâm mạnh mẽ để tăng cường hơn nữa thương mại nội khối ASEAN", ông nói thêm.
Bên cạnh đó, ASEAN phải chủ động trong chuyển đổi số. Việc khởi động đàm phán về Hiệp định khung kinh tế số tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 43 là một bước đi đúng hướng. Khuôn khổ này nhằm đưa ra một lộ trình toàn diện để trao quyền cho các doanh nghiệp và các bên liên quan trong khu vực, đồng thời phát triển thương mại giữa các bên khác, nâng cao khả năng tương tác, tạo môi trường trực tuyến an toàn, hài hòa các chính sách và tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).
Ngoài ra, ASEAN phải cải thiện tính bao trùm của thị trường. Theo ông Tengku Zafrul Aziz, các nhà hoạch định chính sách phải nỗ lực hơn nữa để thuyết phục 70 triệu MSME trên toàn khu vực rằng, lợi ích của họ được đảm bảo tốt nhất nhờ một hệ sinh thái thương mại sôi động được củng cố bởi các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là trong việc cung cấp khả năng tiếp cận thị trường.
Dòng vốn FDI vào khu vực phải được bổ sung bằng cách chủ động xây dựng năng lực cho các MSMEs hướng tới sự hội nhập vào chuỗi giá trị thương mại quốc tế, nhằm chuẩn bị cho các MSMEs sẵn sàng tiếp cận các thị trường toàn cầu.
ASEAN vẫn còn một chặng đường dài để đi. Nhưng nếu các nhà hoạch định chính sách có thể nhìn thấy bức tranh lớn hơn, khai thác hiệu quả các tiềm năng sẵn có, ASEAN sẽ nổi lên như một điểm sáng kinh tế toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới.
Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: