Từ ngày 19-23/2/2024, Đoàn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tham dự chuỗi cuộc họp cấp kỹ thuật của các Nhóm công tác ASEAN tại Viêng Chăn, Lào.
Theo thông lệ, trước thềm Hội nghị cấp cao của Thống đốc và Bộ trưởng Tài chính ASEAN, Phó Thống đốc và Thứ trưởng Tài chính ASEAN dự kiến diễn ra vào tháng 3, 4/2024, các Nhóm công tác trong khuôn khổ hợp tác hội nhập ngân hàng khu vực tài chính – ngân hàng ASEAN (Nhóm công tác ASEAN) tổ chức họp để chuẩn bị các nội dung kỹ thuật báo cáo lên cấp cao.
Tại phiên họp Nhóm công tác về Hệ thống Thanh toán khu vực ASEAN (WC-PSS) lần thứ 28, dưới sự đồng chủ trì của NHNN và NHTW Thái Lan, các thành viên WC-PSS đã thảo luận về tiến độ và kết quả triển khai các hoạt động ưu tiên và sáng kiến hợp tác trong năm 2023, bao gồm thúc đẩy kết nối thanh toán đa phương, đo lường mức độ đáp ứng các mục tiêu G20 về thanh toán xuyên biên giới, xây dựng khuôn khổ liên thông dữ liệu ASEAN.
Đại diện các NHTW ASEAN phụ trách hợp tác thanh toán thuộc WC-PSS thống nhất, trong năm 2024, Nhóm sẽ tập trung thúc đẩy thanh toán xuyên biên giới thông qua mã phản hồi nhanh (QR Code), hoàn thiện nghiên cứu về phát triển nền tảng thanh toán đa phương cho khu vực và nâng cao năng lực cho các cán bộ NHTW cũng như hệ thống các tổ chức tín dụng để bắt kịp các xu hướng, kỹ thuật thanh toán hiện đại.
Cũng trong khuôn khổ phiên họp, các thành viên đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về các chủ đề đang thu hút sự quan tâm trong lĩnh vực tài chính là vai trò của NHTW trong thúc đẩy thanh toán số cho các doanh nghiệp và thúc đẩy thanh toán QR xuyên biên giới.
Về phía các tổ chức đối tác, đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BISIH) và Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) đã chia sẻ về các dự án/chiến lược nhằm thúc đẩy thanh toán xuyên biên giới thông qua việc kết nối các hệ thống thanh toán nhanh và tạo thuận lợi cho việc liên thông trên quy mô toàn cầu.
Tại phiên họp Nhóm công tác về Khuôn khổ Hội nhập Ngân hàng (WC-ABIF) lần thứ 15, dưới sự đồng chủ trì của NHNN, Ngân hàng Trung ương (NHTW) Indonesia và Cơ quan dịch vụ tài chính Indonesia (OJK), các thành viên WC-ABIF đã thảo luận về kết quả thực hiện các ưu tiên hoạt động trong năm 2023 và thống nhất kế hoạch hành động và nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, trong đó có việc sửa đổi Hướng dẫn về Ngân hàng Đạt chuẩn ASEAN (QAB).
Cũng tại phiên họp, đại diện Quỹ UK Mission và Công ty Tư vấn Boston đã có bài trình bày về vai trò của tài trợ thương mại trong thúc đẩy kinh tế ASEAN và sự cần thiết của công nghệ trong thu hẹp khoảng cách về tài trợ thương mại trong khu vực.
Nghiên cứu ghi nhận trong các lĩnh vực dịch vụ tài chính, tài trợ thương mại được xác định là lĩnh vực ưu tiên cho hội nhập, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng tưởng kinh tế khu vực ASEAN. Hiện nay, khoảng cách về tài trợ thương mại của khu vực đang ở mức 350-400 tỷ USD; với nỗ lực thu hẹp 10-20% khoảng cách này, ASEAN có thể nâng cao giá trị tài trợ thương mại thêm 85-105 tỷ USD và tạo ra hơn 6 triệu việc làm trong các ngành công nghiệp thương mại liên quan.
Nghiên cứu khuyến nghị các nước ASEAN xây dựng các chương trình thử nghiệm khuyến khích áp dụng công nghệ đổi mới trong ngân hàng, thúc đẩy đối thoại về nâng cao minh bạch thông tin giữa các quốc gia.
Tại các phiên họp Nhóm công tác về Tài chính toàn diện (WC-FINC), Nhóm công tác về Tự do hoá dịch vụ tài chính (WC-FSL), Nhóm công tác về Tự do hoá tài khoản vốn (WC-CAL), các thành viên đã thảo luận về kết quả triển khai các hoạt động trong năm 2023 và dự kiến các ưu tiên hoạt động trong năm 2024. Tại phiên họp, các nhóm đã thống nhất về các hoạt động ưu tiên trong năm 2024 trên cơ sở phù hợp với mục tiêu của các Nhóm, nhu cầu của các thành viên và ưu tiên hợp tác ASEAN trong năm 2024 do nước chủ nhà (Lào) đề xuất.
Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: