Điểm tin

Malaysia đang làm gì để trở thành trung tâm bán dẫn toàn cầu?

31 tháng 05. 2024

Với tham vọng trở thành trung tâm bán dẫn tiên tiến của khu vực và thế giới, chính phủ Malaysia đã dành ra 5,3 tỷ USD cho Chiến lược bán dẫn quốc gia mới cũng như nhiều chương trình nhân sự khác.

"Malaysia có kế hoạch đào tạo 60.000 kỹ sư bán dẫn trong nước có tay nghề cao để giúp nước này đạt được tham vọng trở thành trung tâm chip toàn cầu", Thủ tướng nước này, ông Anwar Ibrahim, tuyên bố hôm 28/5 vừa qua.

Quốc gia Đông Nam Á này đang nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, định vị mình là trung tâm “trung lập” cho các nhà sản xuất, khi các công ty toàn cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gia tăng và các căng thẳng địa chính trị khác.

Mục tiêu “khủng” trong lĩnh vực bán dẫn

Theo Chiến lược bán dẫn quốc gia được Malaysia công bố trong tuần này, chính phủ sẽ phân bổ ít nhất 5,33 tỷ USD trong vòng 5 đến 10 năm tới để bồi dưỡng nhân tài và phát triển các công ty bán dẫn trong nước, với nguồn vốn được cung cấp bởi các quỹ đầu tư quốc gia của Malaysia như Khazanah Nasional.

“Tầm nhìn của chúng tôi là tạo ra một hệ sinh thái được thúc đẩy bởi các công ty Malaysia năng động và tài năng đẳng cấp thế giới; đồng thời hợp tác với các công ty toàn cầu để cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu dựa trên sự đổi mới và sáng tạo”, ông Anwar cho biết tại SENICON Đông Nam Á tại Kuala Lumpur.

Chiến lược này nhằm mục đích đào tạo 60.000 người về các khía cạnh khác nhau của sản xuất chip, từ thiết kế, đóng gói đến thử nghiệm. Chương trình đào tạo sẽ có sự tham gia của các trường đại học và tập đoàn Malaysia và toàn cầu khác.

“Hôm nay, tôi đề nghị đất nước chúng ta trở thành địa điểm trung lập và không liên kết nhất cho hoạt động sản xuất chất bán dẫn nhằm giúp xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu an toàn và linh hoạt hơn,” Thủ tướng Malaysia tuyên bố.

Việc có thêm nhiều kỹ sư trong nước lành nghề là vấn đề rất quan trọng khi Malaysia đang tăng tốc thu hút đầu tư lớn hơn từ các nhà sản xuất chip toàn cầu, đặc biệt là trong các hoạt động sản xuất chip tiên tiến hơn mà chính phủ nước này hướng tới.

Theo chiến lược này, chính phủ đặt mục tiêu thu hút 110 tỷ USD đầu tư thông qua đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nó cũng sẽ hỗ trợ các kỹ sư trong nước trong việc tạo ra tài sản trí tuệ dưới dạng thiết kế chip.

Sự đột phá của Malaysia trong ngành công nghiệp bán dẫn đã bắt đầu từ hơn 5 thập kỷ trước. Theo Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia, nước này cung cấp khoảng 13% dịch vụ đóng gói, lắp ráp và thử nghiệm chip trên toàn thế giới.

Vào tháng 12 năm 2021, Intel đã chi hơn 7 tỷ USD để xây dựng một nhà máy thử nghiệm và đóng gói chip, dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất trong năm nay. Năm ngoái, Infineon Technologies của Đức đã công bố khoản đầu tư lên tới 5 tỷ euro trong 5 năm tới để xây dựng cơ sở chế tạo năng lượng cacbua silic 200 mm lớn nhất thế giới. Nvidia hay Microsoft cũng dự kiến triển khai các gói đầu tư vào quốc gia này.

Malaysia tăng tốc thu hút nhân tài

Trong ngành bán dẫn và công nghệ cao, nhân tài là yếu tố quyết định sự thành công. Gần đây nhất, chính phủ Malaysia đã triển khai chương trình "Golden Pass" và các gói ưu đãi khác vào tháng 4 nhằm thu hút các công ty đầu tư mạo hiểm và công ty khởi nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới.

"Với các nhà đầu tư và nhân tài phù hợp ở Malaysia, chúng tôi sẽ biến Malaysia thành cơ sở ở Đông Nam Á cho các công ty công nghệ toàn cầu theo Unicorn Golden Pass. Chúng tôi muốn thu hút các kỳ lân toàn cầu đến Malaysia để tạo ra các công việc có tay nghề cao và giá trị cao”, Bộ trưởng Kinh tế Malaysia Rafizi Ramli cho biết trong sự kiện khởi nghiệp Hội nghị thượng đỉnh KL20 tại Kuala Lumpur hôm 22/4.

Chương trình Unicorn Golden Pass mang lại nhiều lợi ích, bao gồm miễn phí cấp thẻ làm việc cho quản lý cấp cao, trợ cấp tiền thuê nhà và thuế suất ưu đãi đối với lợi nhuận doanh nghiệp.

Chính phủ Malaysia cũng đã triển khai chương trình VC Golden Pass nhắm vào các công ty đầu tư mạo hiểm, bao gồm miễn phí thị thực làm việc cho các giám đốc điều hành cấp cao của VC hay cấp giấy phép cấp tốc cho việc thành lập quỹ trong nước.

Theo chính phủ Malaysia, các quỹ đầu tư mạo hiểm toàn cầu hoặc khu vực có tài sản được quản lý hơn 100 triệu USD, có thành tích đầu tư hoặc nhân rộng các công ty khởi nghiệp công nghệ thành công đều đủ điều kiện tham gia chương trình này.

Tại sự kiện này, Thủ tướng Anwar Ibrahim nói rằng chính phủ nhận thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của các công ty khởi nghiệp trong việc thúc đẩy tiến bộ công nghệ, hướng tới tương lai trở thành trung tâm bán dẫn của thế giới.

“Chúng tôi đang định vị Malaysia như một trục dành cho các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực bán dẫn, năng lượng sạch, công nghệ nông nghiệp và công nghệ tài chính Hồi giáo. Việc tăng cường lợi thế của chúng tôi sẽ khai thác nỗ lực có giá trị cao hơn để tạo ra các ngành tăng trưởng mới và thay đổi vận mệnh của đất nước”, Thủ tướng Malaysia nhấn mạnh.

Trước đó, ông Anwar cũng đã công bố về việc thành lập một trung tâm thiết kế chip tích hợp ở bang Selangor. Trong số những công ty thiết lập cơ sở tại trung tâm có liên doanh mới MaiStorage của Phison Electronics, ARM Holdings, công ty giải pháp thiết kế chip Malaysia SkyeChip và Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Thâm Quyến.

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: