Trong vài năm trở lại đây, nền kinh tế tuần hoàn đã thu hút sự chú ý của Indonesia và các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Đây được xem là một giải pháp khả thi để đạt được tương lai bền vững và thịnh vượng.
Tờ Jakarta Post nhận định, Chính phủ Indonesia nhận thức được mối đe dọa trong tương lai của các thách thức về môi trường khi quốc gia này đang trải qua quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng, với tốc độ cạn kiệt tài nguyên ngày càng tăng.
Tương tự như vậy, các quốc gia thành viên ASEAN ngày càng coi trọng hơn quá trình chuyển đổi kinh tế tuần hoàn. Năm 2021, Ban thư ký ASEAN đã đưa ra khuôn khổ kinh tế tuần hoàn cho các cộng đồng kinh tế ASEAN. Khuôn khổ này là một bản thiết kế để các quốc gia thành viên xây dựng hành trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn.
Khi theo đuổi quá trình chuyển đổi kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) có thể được ưu tiên, vì nền kinh tế của hầu hết các quốc gia thành viên ASEAN đều được thúc đẩy bởi phân khúc này.
Điều quan trọng là phải điều chỉnh các hoạt động kinh doanh của MSME theo các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là các MSME hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hoặc sản xuất, nơi tạo ra lượng lớn chất thải và khí thải. Việc triển khai nền kinh tế tuần hoàn trong phát triển công nghiệp vừa và nhỏ có thể chuyển đổi cách ngành công nghiệp phát triển đồng thời giảm lượng lớn chất thải và khí thải.
Ở cấp độ công ty, có một số lợi ích của việc triển khai nền kinh tế tuần hoàn, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Nền kinh tế tuần hoàn có thể giảm chi phí bằng cách cho phép sử dụng hiệu quả tài nguyên. Việc sử dụng vật liệu theo vòng hở hoặc tuyến tính khiến quy trình sản xuất phụ thuộc vào các đầu vào vật liệu mới không tái tạo. Những đầu vào này đôi khi phải phụ thuộc vào nhập khẩu, khan hiếm hoặc giá cả biến động mạnh.
Một nền kinh tế tuần hoàn cho phép các ngành công nghiệp sử dụng kho vật liệu thứ cấp - thu hồi từ các sản phẩm đã qua sử dụng hoặc chất thải - trong hệ thống khép kín, thay vì mua vật liệu hoàn toàn mới. Hệ thống khép kín này cho phép sử dụng cùng một nguồn tài nguyên nhiều lần, tăng tỷ lệ sử dụng vật liệu và giảm nguy cơ phụ thuộc vào tài nguyên. Sự thay đổi này cũng có thể giúp các ngành công nghiệp vừa và nhỏ tìm ra nguồn doanh thu mới.
Ngành nông nghiệp của Indonesia tạo ra một lượng lớn chất thải nông nghiệp, như chùm quả cọ, mùn cưa hoặc vỏ trấu. Những sản phẩm phụ này có thể được bán cho các ngành công nghiệp khác có thể sử dụng chúng làm đầu vào thay thế, như làm giá thể trồng nấm hoặc được chế biến thành phân bón tự nhiên, tạo ra nguồn doanh thu mới cho các công ty nông nghiệp.
Hơn nữa, các công ty có thể đo lường tác động bằng cách đánh giá và điều chỉnh lại các hoạt động kinh doanh hiện tại bằng các công cụ có sẵn, như các chỉ số chuyển đổi tuần hoàn (CTI) do Hội đồng Doanh nghiệp Thế giới vì Phát triển Bền vững (WBCSD) phát triển. Sử dụng CTI, các công ty có thể đo lường và công bố hiệu suất kinh tế tuần hoàn của mình, xác định khả năng tái định hướng, cung cấp tính minh bạch cũng như thu hút sự hợp tác tiềm năng.
Việc triển khai nền kinh tế tuần hoàn có thể được thúc đẩy ở cấp độ công nghiệp, quốc gia hoặc thậm chí là cấp khu vực ASEAN. Việc triển khai mô hình kinh tế mới ở phạm vi rộng hơn tạo điều kiện cho việc tạo ra các mạng lưới, thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các bên liên quan và tăng cường thu thập và tính khả dụng của các vật liệu thứ cấp. Nhờ lập kế hoạch và phối hợp chiến lược, hệ sinh thái vật liệu thứ cấp có thể được thiết lập, thúc đẩy quy mô kinh tế và củng cố chuỗi cung ứng trên toàn khu vực. Điều này cũng sẽ khuyến khích và đẩy nhanh sự phát triển của hệ sinh thái chuỗi cung ứng địa phương trong mỗi quốc gia.
Ở cấp độ ASEAN, quá trình chuyển đổi kinh tế tuần hoàn có thể được đẩy nhanh thông qua những điểm tương đồng về văn hóa giữa các quốc gia thành viên. Có những tập quán văn hóa chung phù hợp với các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, như việc sử dụng lá chuối để gói thực phẩm hoặc truyền lại đồ cũ cho thế hệ trẻ. Những đặc điểm văn hóa chung độc đáo này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi kiến thức, chuyển giao các phương pháp hay nhất và các sáng kiến xây dựng năng lực, nhằm thúc đẩy việc sao chép các hoạt động kinh tế tuần hoàn thành công trên toàn khu vực.
Ngoài ra, sự tiến bộ trong số hóa có thể tối ưu hóa các nền tảng công nghệ di động để hợp lý hóa dòng hàng tồn kho và vượt qua các rào cản hậu cần tiềm ẩn. Mặc dù lợi ích của các hoạt động kinh tế tuần hoàn rất hấp dẫn, việc áp dụng kinh tế tuần hoàn vẫn đặt ra những thách thức lớn trong khu vực ASEAN.
Việc triển khai kinh tế tuần hoàn cần có đủ khả năng tiếp cận công nghệ phù hợp và cơ sở hạ tầng đầy đủ, mà hầu hết các quốc gia thành viên vẫn còn thiếu. Việc tiếp cận tài chính và thiếu chuyên môn cũng vẫn là rào cản đáng kể đối với các ngành công nghiệp vừa và nhỏ trong việc áp dụng các hoạt động tuần hoàn.
Nhận thức về môi trường và sở thích của người tiêu dùng cũng rất quan trọng để tạo ra nhu cầu bền vững trên thị trường. Chưa kể đến các rào cản về mặt thể chế như bộ máy quan liêu kém hiệu quả và thiếu sự thực thi pháp luật cũng có thể cản trở việc thực hiện nền kinh tế tuần hoàn. Để điều hướng hiệu quả các thách thức và tối ưu hóa các cơ hội, cần thực thi các khuôn khổ chính sách hiệu quả. Chính phủ nên khuyến khích các hoạt động bền vững thông qua các biện pháp quản lý và xử phạt hành vi lãng phí.
Tóm lại, việc triển khai nền kinh tế tuần hoàn là điều cần thiết để thúc đẩy phát triển công nghiệp bền vững. Các nguyên tắc của nó cung cấp một phương thức mới để thúc đẩy tính bền vững của môi trường đồng thời ưu tiên hiệu quả sử dụng tài nguyên và khả năng phục hồi kinh tế. Mặc dù thách thức có thể vẫn tồn tại, nhưng vẫn có một số cơ hội chưa được khai thác. Bằng cách hỗ trợ quá trình chuyển đổi kinh tế tuần hoàn thông qua các khuôn khổ chính sách vững chắc, Indonesia và ASEAN có thể tận dụng hành trình chuyển đổi của các ngành công nghiệp vừa và nhỏ để có tương lai bền vững và thịnh vượng hơn trong khu vực.
Nguồn: Bnews
Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: