Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đẩy mạnh xây dựng hạ tầng kỹ thuật số đã mang lại cơ hội cho doanh nghiệp Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với chinanews, ông Jinke, Phó Chủ tịch Ủy ban khu vực miền Trung và và miền Đông Trung Quốc thuộc Hiệp hội Kế toán Australia (CPA Australia) - một trong những Hiệp hội kế toán chuyên nghiệp lớn nhất thế giới, cho biết các nền kinh tế lớn của ASEAN đã tăng trưởng đều đặn trong những năm gần đây, thể hiện khả năng phục hồi và tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Hiện nay, các nước ASEAN nỗ lực khai thác tiềm năng của kinh tế số và đẩy mạnh chuyển đổi số.
Các cuộc đàm phán về “Hiệp định Khung về kinh tế số ASEAN” đã chính thức được khởi động vào tháng 9/2023. Hiệp định này bao gồm thương mại kỹ thuật số, thương mại điện tử xuyên biên giới, an ninh mạng, thanh toán kỹ thuật số…, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của ASEAN.
Việt Nam đã phê duyệt “Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, phấn đấu nâng cấp cơ sở hạ tầng mạng băng thông rộng toàn quốc của Việt Nam vào năm 2030. Indonesia đã đưa ra “Kế hoạch chi tiết hệ thống thanh toán Indonesia 2030” vào tháng Bảy, thúc đẩy quá trình số hóa thanh toán của nước này.
Cũng trong tháng Bảy, Singapore cho biết họ sẽ phân bổ thêm 100 triệu đô la Singapore để hỗ trợ nâng cao năng lực của các tổ chức tài chính trong lĩnh vực điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo trong khuôn khổ “Kế hoạch Công nghệ và Đổi mới 3.0 trong lĩnh vực tài chính”.
CPA Australia tuần này đã công bố Khảo sát ứng dụng công nghệ kinh doanh năm 2024. Khảo sát này cho thấy trong 12 tháng tới, thị trường ASEAN sẽ có nhu cầu cao về ứng dụng công nghệ số, bảo vệ an ninh mạng và quản lý rủi ro, nhân tài. 57% số người được hỏi ở ASEAN cho biết họ dự kiến sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong 12 tháng tới; 54% cho biết sẽ tăng cường ứng dụng phần mềm phân tích và trực quan hóa dữ liệu.
Các doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu mở rộng sự hiện diện ở Đông Nam Á. Đầu tháng Tám vừa qua, tại Hội nghị hợp tác khu vực Đông Nam Á China Mobile 2024 tổ chức tại Bangkok (Thái Lan), China Mobile đã bắt tay với các đối tác đến từ Thái Lan, Lào, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Singapore…, để đưa ra “Sáng kiến chung xây dựng nền tảng mới cho nền kinh tế số Đông Nam Á”, nhằm thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở Đông Nam Á và hỗ trợ phát triển nền kinh tế kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo ở Đông Nam Á.
Huawei Cloud đã xây dựng 18 vùng đám mây khả dụng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có đối tác trong hơn 15 ngành ở Thái Lan và đã ra mắt hơn 100 dịch vụ đám mây.
Theo báo cáo nghiên cứu ngành vào tháng 12/2023, Huawei Cloud đứng đầu về thị phần đám mây lai tại Thái Lan. Alibaba đã đầu tư vào nền tảng thương mại điện tử Lazada tại Đông Nam Á và cuối năm ngoái đã ra mắt SeaLLM, phiên bản mô hình lớn trí tuệ nhân tạo đầu tiên dựa trên đào tạo ngôn ngữ Đông Nam Á. Alibaba cũng có kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.
Ông Jinke cho biết, các công ty công nghệ Trung Quốc vươn ra toàn cầu có thể tận dụng hiệu quả lợi thế về chi phí trong ngành của nền kinh tế quy mô lớn đã tích lũy trong nhiều năm tại thị trường trong nước, cũng như lợi thế phù hợp chuỗi cung ứng, chuỗi công nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn được hình thành từ đó.
Người tiêu dùng ASEAN có nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao như Internet, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, năng lượng mới, trong khi các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc đã có sản phẩm và giải pháp cạnh tranh toàn cầu trong các lĩnh vực này, nơi họ có thể phát huy hết lợi thế của sự đổi mới ứng dụng tích hợp và lặp lại nhanh chóng.
Ngoài ra, các sản phẩm điện tử của Trung Quốc cũng được bán chạy ở Đông Nam Á và đã tạo dựng được danh tiếng cũng như sức ảnh hưởng thương hiệu tốt. Ví dụ, Huawei đã tạo dựng được hình ảnh thương hiệu và định vị sản phẩm độc đáo của riêng mình tại thị trường châu Á.
Thông qua những đột phá về công nghệ và hiệu ứng quy mô thị trường, Huawei đã thâm nhập thành công vào thị trường châu Á và tạo ra một số sản phẩm được ưa chuộng. Các điện thoại thông minh và sản phẩm nhà thông minh được Xiaomi tung ra thị trường châu Á đã giành được sự ưa chuộng của người tiêu dùng nhờ hiệu suất chi phí cao và trải nghiệm người dùng tốt.
Ông Jinke cho rằng, mặc dù các công ty công nghệ Trung Quốc vươn ra nước ngoài nhưng vẫn tồn tại những rủi ro và thách thức như chưa quen với hệ thống pháp luật nước sở tại hoặc thiếu hiểu biết về lịch sử và điều kiện quốc gia của nước đó. Tuy nhiên, các công ty công nghệ Trung Quốc đang có ảnh hưởng lớn hơn trong các lĩnh vực như thương mại điện tử xuyên biên giới, thanh toán kỹ thuật số và nâng cấp cơ sở hạ tầng hậu cần tại thị trường ASEAN.
Trong tương lai, họ vẫn có thể tiếp tục quan tâm đến các cơ hội phát triển trong lĩnh vực thương mại điện tử, chuỗi cung ứng hậu cần, truyền thông và giải trí trực tuyến, công nghệ giáo dục, phương tiện năng lượng mới và các ngành công nghiệp khác tại thị trường ASEAN.
Đám mây lai là sự kết hợp giữa các nền tảng điện toán đám mây, bao gồm một hay nhiều nhà cung cấp dịch vụ đám mây công cộng (ví dụ như Amazon hay Google) với một nền tảng đám mây nội bộ được thiết kế riêng cho một tổ chức hoặc một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (IT) của tư nhân.
Nguồn: Bnews
Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: