Việc mở rộng hợp tác với BRICS sẽ giúp các nước ASEAN đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và tăng cường vị thế trên trường quốc tế.
Có rất nhiều sự hoài nghi về BRICS, khi nhóm được hình thành bởi các quốc gia có rất ít điểm chung. Những người có quan điểm cứng rắn cho rằng nếu không có một lực lượng thống nhất, BRICS sẽ thiếu sự gắn kết cần thiết cho sự ổn định lâu dài.
Tuy nhiên, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã cho thấy điều ngược lại. Theo các chuyên gia, nhóm 10 nền kinh tế Đông Nam Á là một ví dụ điển hình cho sự đa dạng về chính trị và kinh tế có thể cùng tồn tại và hợp tác trong khi thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng theo thời gian.
Ông Kishore Mahbubani, một nhà ngoại giao nổi tiếng người Singapore và là cựu Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã từng nhận xét: "Địa chính trị được điều hướng thành công sẽ mang lại hòa bình; địa chính trị được điều hướng kém sẽ dẫn đến chiến tranh".
Nhiều thập kỷ hợp tác cùng phát triển của các nước thành viên ASEAN đã góp phần vào tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm ấn tượng của khu vực từ 5% đến 8%. Trong khi đó, do chịu tác động từ hai cuộc xung đột lớn ở Balkan và Ukraine trong cùng thời kỳ, khu vực châu Âu chỉ đạt mức tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm là 1,6%, theo Trading Economics.
Trong bối cảnh địa chính trị gia tăng, nhiều ý kiến cho rằng ASEAN phải đóng vai trò chủ động, sử dụng kinh nghiệm của mình trong việc thúc đẩy sự đa dạng về chính trị và kinh tế để duy trì hòa bình và thịnh vượng.
Vai trò trung lập của ASEAN từ lâu đã hỗ trợ sự ổn định của khu vực. Giờ đây, ASEAN cần mở rộng tầm ảnh hưởng của mình để giúp giảm thiểu rủi ro xung đột ngoài biên giới.
Theo ông Chan Chian Wen, nhà nghiên cứu địa chính trị độc lập, ASEAN có thể xem xét xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với BRICS. Điều này không chỉ có lợi cho cả hai khối mà còn giúp mở rộng mô hình hợp tác của ASEAN ra ngoài Đông Nam Á, có khả năng mang lại lợi ích cho phần còn lại của thế giới.
BRICS hướng đến mục tiêu thúc đẩy đa cực kinh tế, trong khi ASEAN có vị thế độc nhất để xoa dịu mối lo ngại về việc BRICS bị coi là chống phương Tây.
Bên cạnh đó, chuyên gia Chan Chian Wen chỉ ra, ASEAN cũng có thể hưởng lợi từ sự phát triển của các sàn giao dịch hàng hóa của BRICS, tạo cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và cải thiện an ninh lương thực.
Các sàn giao dịch của BRICS bảo vệ các nền kinh tế phụ thuộc vào hàng hóa khỏi tình trạng đầu cơ quá mức, giúp giảm bớt sự biến động của giá cả vốn là mối đe dọa đối với sự ổn định của ASEAN. BRICS đã có những biện pháp hạn chế đầu cơ bằng cách cấm các giao dịch trên giấy mà không có hàng hóa thực làm tài sản đảm bảo.
Hơn nữa, các nước BRICS đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đối với cả hàng hóa thô và hàng hóa có giá trị gia tăng.
Nhiều chuyên gia tin rằng thế giới đang ở bờ vực của một siêu chu kỳ hàng hóa mới. BRICS có vị trí thuận lợi để giảm thiểu các tác động xã hội và kinh tế tiêu cực từ chu kỳ này, đây là một lợi thế mà ASEAN thiếu.
Khi các xu hướng toàn cầu chuyển hướng sang xe điện, pin lithium, năng lượng hạt nhân, chất bán dẫn và điện khí hóa, ASEAN có nguy cơ bị tụt hậu nếu không tăng cường hợp tác sâu rộng hơn với BRICS.
Ngoài ra, BRICS còn cung cấp quyền tiếp cận với các nền tảng tài chính thay thế, chẳng hạn như blockchain. Bằng cách liên kết các loại tiền tệ thanh toán có đảm bảo bằng các tài sản dự trữ như vàng, ASEAN có thể giảm thiểu rủi ro do biến động của đồng đô la Mỹ.
Để ASEAN duy trì được sự trung lập, ông Wen nhận định, khối này cần áp dụng cách tiếp cận giảm phụ thuộc vào bất kỳ nền tảng tài chính nào trong các giao dịch thương mại và đầu tư toàn cầu.
"Việc quá phụ thuộc vào bất kỳ nền tảng duy nhất nào cũng đều đe dọa tính trung lập và chủ quyền, đồng thời gia tăng nguy cơ bị áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương khi có khả năng vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc", chuyên gia này lưu ý.
Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: