Từ điện gió ngoài khơi đến những cái bắt tay công nghệ, Halal, chuyến công tác của Thủ tướng tới Malaysia kiến tạo bản đồ mới về công nghiệp, thương mại ASEAN.
Từ điện gió ngoài khơi đến những cái bắt tay công nghệ và Halal, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính với nhiều hoạt động hợp tác mạnh mẽ về công nghiệp và thương mại đang kiến tạo bản đồ mới của Công Thương ASEAN.
Một chuyến đi, nhiều tầng hợp tác
Từ ngày 24 - 28/5/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có chuyến thăm chính thức Malaysia. Đây không chỉ là chuyến ngoại giao cấp cao sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mà là sự kiện định hình chiến lược toàn diện mới trong hợp tác công nghiệp, thương mại giữa hai quốc gia.
Tháp tùng Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên hiện diện trong mọi hoạt động trọng yếu: từ hội đàm chính thức với Thủ tướng Malaysia Dato' Seri Anwar Ibrahim, tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Malaysia, đến các cuộc làm việc với các tập đoàn lớn.
Chuyến công tác không chỉ mở ra các cam kết đầu tư mới mà khẳng định tư thế mới của Việt Nam trong cấu trúc chuỗi giá trị ASEAN. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2024 đạt hơn 14 tỷ USD, với Việt Nam xuất siêu gần 3 tỷ USD là nền tảng bứt phá. Chính vì vậy, mục tiêu không chỉ là “tăng kim ngạch” mà là cùng Malaysia kiến tạo những thiết chế và nền tảng sản xuất, thương mại mới, như: Kết nối ASEAN Power Grid; thúc đẩy chứng nhận Halal chuẩn khu vực; phát triển khu công nghiệp xanh - đô thị thông minh tích hợp; mở rộng hành lang logistics xuyên ASEAN; đồng phát triển năng lượng tái tạo và chuỗi hydrogen…
Trong đó, Bộ Công Thương Việt Nam giữ vai trò “kiến trúc sư chính sách và tổ chức thực thi chiến lược”, là mắt xích then chốt từ xúc tiến doanh nghiệp đến kết nối thể chế.
Dự án điện gió ngoài khơi: Bước ngoặt tự chủ năng lượng khu vực
Một trong những điểm sáng lớn nhất dự kiến sẽ là lễ trao Thỏa thuận hợp tác triển khai Dự án điện gió ngoài khơi TDA-02 giữa Petronas (Malaysia), TNB (Malaysia), Sembcorp (Singapore) và hai đối tác Việt Nam là PVN và PTSC .
Dự án này có công suất 2GW, không chỉ cung cấp điện sạch cho Việt Nam mà hướng tới xuất khẩu điện gió ra khu vực, đặc biệt là Singapore và Malaysia thông qua mạng lưới ASEAN Power Grid.
Việc Bộ Công Thương trực tiếp đàm phán, xúc tiến và thiết kế cơ chế chính sách cho dự án từ nhiều tháng trước thể hiện rõ vai trò chủ động dẫn dắt. Đây không chỉ là một dự án đầu tư, mà là minh chứng cho tầm nhìn “chủ quyền năng lượng” và khả năng kết nối đa phương nội khối ASEAN.
Gamuda - Grab - Capital A: Đô thị xanh, giao thông thông minh và logistics xuyên ASEAN
Trong các hoạt động bên lề, cuộc gặp với lãnh đạo Gamuda Land - một trong các tập đoàn bất động sản hạ tầng xanh lớn nhất Malaysia mở ra kỳ vọng mới cho việc phát triển khu công nghiệp tích hợp - đô thị thông minh - phát thải thấp tại các vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam .
Đáng chú ý, các buổi làm việc với Grab và Capita A (AirAsia) cho thấy Việt Nam không chỉ kỳ vọng họ là nhà cung cấp dịch vụ, mà đang hướng tới: Biến Việt Nam thành trung tâm logistics xuyên ASEAN. Thúc đẩy các trung tâm tài chính số. Đưa Việt Nam vào mạng lưới quản trị hạ tầng số khu vực.
Đây là mô hình mà Singapore từng thành công và Việt Nam với lợi thế địa lý, hạ tầng đang cải thiện hoàn toàn có thể “chuyển trạng thái” từ nền kinh tế tiếp nhận sang nền kinh tế chủ động kết nối và dẫn dắt.
Halal - thị trường thương mại trị giá hàng nghìn tỷ USD
Một điểm nhấn ít ồn ào nhưng có giá trị chiến lược lâu dài là sáng kiến hợp tác xây dựng Trung tâm chế biến, kiểm định, cấp chứng nhận Halal tại Việt Nam với sự hỗ trợ từ Malaysia.
Trong bối cảnh thị trường Halal toàn cầu trị giá hơn 3.000 tỷ USD/năm, việc Việt Nam không chỉ sản xuất mà còn kiểm định và cấp chứng nhận sẽ giúp nâng giá trị xuất khẩu, đặc biệt sang các thị trường Trung Đông, Nam Á, Bắc Phi. Đồng thời, Việt Nam có thể trở thành trung tâm Halal khu vực lục địa ASEAN, bên cạnh Malaysia và Indonesia.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Malaysia do Thủ tướng hai nước đồng chủ trì sẽ khẳng định vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị xanh - số, cũng như khẳng định tầm nhìn của Việt Nam trong lộ trình chuyển dịch năng lượng.
Một ASEAN mới - một Việt Nam trung tâm kiến tạo
Khi ASEAN bước vào giai đoạn chuyển trạng thái từ “đồng thuận lỏng” sang "hội nhập sâu", Việt Nam - Malaysia chính là cặp song hành tiêu biểu của chiến lược chuyển đổi kép: xanh hóa + số hóa.
Nếu Indonesia đi đầu về chuyển đổi chính trị, Singapore về thể chế thông minh thì Việt Nam đang nổi lên như trung tâm năng lượng - công nghiệp xanh - logistics nội khối. Trong đó, Malaysia với vị trí địa lý, công nghệ năng lượng và vốn Halal sẽ là đối tác bổ trợ chiến lược.
Từ điện gió ngoài khơi, Halal, đô thị xanh, logistics đến kết nối số ASEAN, mọi bước tiến của chuyến đi lần này đều thấp thoáng dấu ấn chủ đạo của ngành Công Thương hai nước.
Việt Nam - Malaysia không chỉ là hai nền kinh tế đang phát triển. Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính thêm minh chứng hai nước đang cùng nhau kiến tạo thêm bức tranh phát triển của Đông Nam Á trong bản đồ năng lượng, logistics và chuỗi giá trị toàn cầu.
Nguồn: Báo Công Thương
Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: