Điểm tin

Ngành bán lẻ lo “lép vế” khi cạnh tranh trong Cộng đồng kinh tế ASEAN

21 tháng 12. 2016

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ trong nước lo bị “lép vế” bởi sức ép cạnh tranh khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập.

Việc gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ mở ra cho Việt Nam nhiều triển vọng mới về đầu tư, thương mại, việc làm... Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mới là những thách thức về sức ép cạnh tranh hay sự thiếu chủ động của doanh nghiệp trên sân chơi này.

Một trong những lĩnh vực gặp cạnh tranh lớn nhất khi thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN là ngành bán lẻ. Nhiều người lo ngại, với thuế suất về 0%, hàng hóa của nước ngoài ồ ạt tràn vào sẽ khiến hàng hóa của Việt Nam bị “lép vế”.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 320 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2014. Việt Nam hiện nằm trong top 5 thị trường bán lẻ phát triển nhất châu Á. Sau hơn 5 năm gia nhập WTO và tiến tới hội nhập sâu với khu vực ASEAN và thế giới với hàng loạt hiệp định Thương mại tự do vừa ký kết cho thấy, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang từng bước chuyển mình, thích ứng với bối cảnh mới, nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại.

Nhiều dự báo cho rằng, đến năm 2020, tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ tăng gấp 3 lần, với cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ người dân đến các trung tâm thương mại ngày càng nhiều, sẽ là nhóm khách hàng tiềm năng nhất cho các doanh nghiệp bán lẻ.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Mại nhận định, hiện tại thị trường trong nước có 90 triệu dân, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 100 triệu dân, với khoảng 15, 20% là trung lưu (thu nhập bình quân khoảng 10.000 USD/người). Rõ ràng, sẽ có một thị trường trong nước rất lớn và hấp dẫn, không chỉ doanh nghiệp trong nước mà còn doanh nghiệp nước ngoài.

Tiềm năng là vậy nhưng thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, trong đó, có hơn 20 doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong số các các mặt hàng nhập khẩu tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, hàng xuất xứ từ Thái Lan đang đứng thứ hai, sau Trung Quốc.

Hiện tại, sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại gần 8.600 chợ trên cả nước và chiếm ưu thế so với sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác, với lợi thế là đa dạng chủng loại, mẫu mã phong phú và giá cả cạnh tranh.

Bên cạnh đó, sản phẩm của nhiều quốc gia khác trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng đang nhanh chóng tiếp cận thị trường Việt Nam với hàng loạt chuỗi cửa hàng bán lẻ.

Tới đây, khi thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN thì ngành bán lẻ sẽ là ngành chịu áp lực nhiều nhất. Với thuế suất giảm về 0% thì thị trường nội địa sẽ không còn là thị trường của riêng doanh nghiệp Việt Nam mà khi đó, nhiều sản phẩm của các nước khác sẽ có cơ hội tràn vào. Do vậy, nếu không chuẩn bị tốt, hàng hóa của Việt Nam sẽ có nguy cơ thua ngay trên sân nhà, thậm chí người Việt Nam sẽ có nguy cơ phải làm thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết, hiện nay thị trường bán lẻ của Việt Nam có thể mở cửa với các nước trên thế giới, không trong khối ASEAN. “Nếu chúng ta không chiếm lĩnh thị trường, không phân bổ, không có sự chuẩn bị thì khi các nhà bán lẻ của các nước vào thì đương nhiên họ sẽ ủng hộ hàng hóa của họ đầu tiên. Nếu chúng ta có tiêu chuẩn đảm bảo, có thương hiệu tốt thì sản phẩm của Việt Nam có thể sẽ có chỗ đứng trên thị trường nước ngoài nữa,” ông Hiệp nói.

Thừa nhận những hạn chế của doanh nghiệp bán lẻ trong nước, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ, bán lẻ trong nước chưa thể bứt phá phát triển như các tập đoàn nước ngoài do còn thiếu và yếu trong các vấn đề như tính chuyên nghiệp, thiếu chiến lược phát triển dài hạn. Hiện các doanh nghiệp vẫn đang hoạt động trong tình trạng bến bãi phân tán, kém hiệu quả, mạng lưới phân phối chưa chuyên nghiệp…

Bên cạnh đó, nhân viên các siêu thị thường có thái độ không tốt khi giao tiếp với khách hàng hoặc khi xử lý vấn đề phát sinh, dịch vụ giao hàng chưa chuyên nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp cũng chưa quan tâm đúng mức việc đào tạo nhân viên bán hàng...

Để vượt qua thách thức chuyển từ mô hình mua sắm truyền thống sang các trung tâm hiện đại, doanh nghiệp cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm phát triển của các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia, hiệp hội của các nước trên thế giới như Hiệp hội Bán lẻ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… Cần đầu tư vào chuỗi cửa hàng, chuỗi siêu thị vừa và nhỏ, liên kết để phát triển các hình thức bán lẻ mới như siêu thị thực phẩm, cửa hàng tiện lợi…

Cộng đồng Kinh tế ASEAN và các FTA thế hệ mới mà Việt Nam sắp tham gia tới đây đòi hỏi các nhà sản xuất phải cố gắng hết sức để sản phẩm Việt Nam có thể cạnh tranh một cách bình đẳng, ngang ngửa với các sản phẩm ngoại nhập.

Từ góc độ các nhà bán lẻ, Bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, đây là cơ hội rất lớn vì các nhà bán lẻ Việt Nam có cơ hội đưa đến cho người tiêu dùng những sản phẩm tốt nhất, không phân biệt là hàng ngoại nhập hay hàng sản xuất trong nước. “Chúng tôi mong muốn các nhà sản xuất có những sản phẩm mới lạ, độc đáo, bảo đảm tiêu chí về số lượng, thời gian giao hàng, chất lượng ổn định cũng như cải tiến về mặt bao bì, hình thức của sản phẩm,” bà Loan nói.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập sẽ đem lại cả cơ hội và thách thức cho các ngành kinh tế Việt Nam nói chung và ngành hàng bán lẻ nói riêng. Để tận dụng được lợi thế và vượt qua những khó khăn, rào cản do quá trình hội nhập mang lại, bản thân các doanh nghiệp Việt phải tự vươn lên, cải tiến mẫu mã, chất lượng, nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm không chỉ ở thị trường trong nước mà cả ở thị trường nước ngoài.

Theo VOV

 

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: