Điểm tin

Doanh nghiệp Việt 'đuối' trong AEC

20 tháng 02. 2017

Với quy mô hơn 600 triệu dân, mức tiêu thụ cao và thu nhập đang tăng lên, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được xem là bài “test” về năng lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp Việt Nam trên đường hội nhập kinh tế quốc tế. Sau 1 năm thành lập AEC, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) về những đánh giá về khả năng “thích nghi” với AEC của doanh nghiệp Việt Nam.

PV: Đầu tiên, xin bà cho biết đánh giá của mình về AEC sau 1 năm được thành lập?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Trước tiên, tôi xin nhấn mạnh rằng, thời điểm các nước ASEAN tuyên bố thành lập AEC chỉ là thời điểm các nước ASEAN thể hiện rõ quyết tâm thực hiện các mục tiêu chung của ASEAN trong việc hình thành thị trường đơn nhất, một cơ sở sản xuất chung… và lấy con người làm trung tâm. AEC đã có lịch sử từ năm 1992 với một loạt những thỏa thuận, cam kết pháp lý cũng như các tuyên bố, những lời hứa hợp tác giữa các nước ASEAN về các vấn đề kinh tế. Vì vậy trong suốt quá trình nhiều năm, chúng ta đang thực hiện những cam kết, thỏa thuận… để hướng tới mục tiêu chung của khu vực. Với lý do như vậy, năm 2016 không phải năm đầu tiên thực hiện AEC và để nói về AEC thì chúng ta phải nói về cả một quá trình nhiều năm thực hiện những thỏa thuận, cam kết… trong ASEAN.

Còn riêng trong năm 2016, năm đầu tiên sau tuyên bố ASEAN về AEC, thì rất tiếc phải nói rằng, mặc dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền để cộng đồng doanh nghiệp biết về AEC nhưng dường như kết quả chưa được như mong muốn. Nếu nhìn vào những con số cơ học thì có thể thấy, trong năm 2016, vì nhiều yếu tố khác nhau, xuất nhập khẩu của Việt Nam với ASEAN đang giảm sút, đặc biệt là xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang ASEAN giảm so với 2015. Và đứng từ góc độ các cam kết pháp lý thì trong vòng 1 năm qua, mặc dù vẫn có những cuộc gặp, cuộc họp cấp cao ASEAN và có thêm nhiều tuyên bố, cam kết hợp tác… nhưng lại không có văn bản gì mới. Trong năm 2016, các nước ASEAN vẫn cùng nhau thực hiện các mục tiêu đã được đặt ra từ trước, theo lộ trình AEC đến năm 2025.

PV: Theo dữ liệu của cơ quan thống kê, sau 1 năm triển khai AEC, nhập khẩu của Việt Nam từ ASEAN giảm 1,9% nhưng xuất khẩu vào các nước ASEAN lại giảm tới 5,6%. Bà bình luận thế nào về vấn đề này?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Thực ra khi nói về tỷ lệ tăng trưởng của xuất nhập khẩu thì rất khó nói được đâu là nguyên nhân cụ thể. Nó có thể là nhu cầu của thị trường nhưng cũng lại có thể là do nhiều yếu tố khác của nền kinh tế. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh đến thực tế là các nước ASEAN mà chúng ta hiện đang có lưu lượng thương mại lớn thì chủ yếu nằm trong các nước ASEAN đã có lộ trình loại bỏ thuế hoàn thành rồi. Cho nên, từ năm 2015 đến 2016, đối với nhóm nước này, gần như các vấn đề về mặt thuế quan, chúng ta không có lợi gì hơn. Trong khi đó, về phía Việt Nam thì chúng ta vẫn đang có những bước giảm thuế theo cam kết, bãi bỏ. Và tất nhiên, khi chúng ta thực hiện lộ trình này, các nước sẽ lợi dụng cơ hội này. Vì thế, nó có thể là một lý do về mặt cơ học để chúng ta giải thích được tại sao nhập khẩu của các nước ASEAN vào Việt Nam dù giảm nhưng giảm ít hơn so với mức giảm xuất khẩu của Việt Nam vào ASEAN.

PV: Phải chăng doanh nghiệp Việt Nam lại đang “đói” thông tin dẫn đến việc thụ động khi AEC chính thức được tuyên bố thành lập?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Tôi không nghĩ câu chuyện ở đây là thiếu thông tin vì chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, mọi thứ đều được công khai, minh bạch. Vấn đề ở đây là doanh nghiệp cần là những thông tin cụ thể, đáp ứng nhu cầu và gần sát, có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Mà những thông tin này ở Việt Nam thì lại tương đối là rời rạc, khá là chung và chưa được mặc định hóa, chưa được xử lý để giúp doanh nghiệp có thể tận dụng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Tôi lấy ví dụ: Doanh nghiệp có mặt hàng X và muốn xuất khẩu sang các nước ASEAN, để thực hiện việc này, doanh nghiệp muốn có thông tin về biểu thuế cho hàng hóa đó như thế nào, những thủ tục riêng mà hàng hóa ASEAN có thể được hưởng ra làm sao… thì họ phải đi tìm ở rất nhiều nơi. Nhưng nếu chúng ta có một đầu mối để xử lý tất cả thông tin này cho họ, họ chỉ cần vào 1 nơi là có thể tìm được thì sẽ rất hữu ích cho doanh nghiệp.

Chúng ta biết rằng, trong thời đại này, thông tin là sức mạnh và doanh nghiệp nếu có được thông tin mà mình mong muốn, được xử lý thì tức là đã cầm trong tay một công cụ mang lại cho mình sự cạnh tranh.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Ở đây tôi muốn nhấn mạnh, nắm được thông tin, biết được thông tin là một chuyện và thực hiện được hay không là một chuyện khác. Năng lực cạnh tranh là bài toán mà doanh nghiệp phải tự mình bằng rất nhiều nỗ lực, hành động khác nhau để thực hiện. Chẳng hạn, ở trong ASEAN, có nhiều người nói rằng đây là thị trường mà trong đó có 10 nền kinh tế và đều có cơ cấu kinh tế gần giống nhau, cạnh tranh nhau nên lợi ích thu về từ những nền kinh tế này là không nhiều. Nhưng trên thực tế thì lý thuyết kinh tế hiện đại bây giờ người ta đang nghĩ khác và nó đang hướng tới người tiêu dùng. Người tiêu dùng có thể cùng 1 sản phẩm ấy nhưng lại có nhu cầu khác nhau. Anh có thể có cơ cấu giống nhau, nhưng nếu anh có những sáng tạo để cung cấp cho người tiêu dùng những lựa chọn khác nhau thì người ta vẫn có thể thắng. Với cách nhìn nhận theo hướng hiện đại này thì rõ ràng ngày ở trong ASEAN, nếu doanh nghiệp sáng tạo, tìm được thế mạnh của mình thì hoàn toàn có thể cạnh tranh được trong một thị trường mà mức tiêu dùng lớn và thu nhập thì đang tăng lên.PV: Vậy đâu là nguyên nhân chính cho câu chuyện này, thưa bà?

PV: Trong câu chuyện cạnh tranh đó thì vấn đề quản lý các thông số kỹ thuật như thế nào khi hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng có một số thông số hiện đang vượt tầm quản lý?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Một trong những khía cạnh hợp tác của AEC là hợp tác về tiêu chuẩn, nhất là tiêu chuẩn kỹ thuật. Hợp tác này hiện đang được thực hiện theo 2 hướng: Thứ nhất là, hài hòa hóa các quy chuẩn kỹ thuật, hay nói cách khác là sử dụng các quy chuẩn kỹ thuật chung. Và hướng thứ hai là, thừa nhận lẫn nhau về thủ tục đánh giá tính phù hợp. Đây là hướng rất tốt và phù hợp cho doanh nghiệp. Nhưng với mảng thứ nhất, các quy chuẩn kỹ thuật về thực chất đó là các hàng rào kỹ thuật để áp cho các doanh nghiệp khi sản xuất hàng hóa. Vậy nên, một hàng rào kỹ thuật chung cho các nước ASEAN thì cũng tốt, nhưng vấn đề là các nước ASEAN có trình độ phát triển khác nhau, mục tiêu chính sách khác nhau… thì sẽ rất khó khăn.

Ở đây, chúng tôi khuyến nghị Chính phủ cùng với cộng đồng doanh nghiệp mỗi khi ban hành hoặc có những quy chuẩn mới ở trong ASEAN thì nên có tham vấn rộng rãi và có nghiên cứu về tác động của các quy chuẩn kỹ thuật dự kiến ban hành với doanh nghiêp, đặc điểm của doanh nghiệp Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn bà!

Nguồn: Petrotimes

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: