Điểm tin

Tự do thương mại toàn cầu - Mục tiêu Đông Á đang hướng đến

22 tháng 03. 2017

ASEAN đang từng bước nâng cấp thành một cộng đồng kinh tế với các mục tiêu tự do hóa kinh tế toàn diện hơn, dựa trên hợp tác với các nước Đông Á thông qua công thức ASEAN+1.

Xung quanh vấn đề này, "Diễn đàn Đông Á” số mới ra có bài viết tựa đề "Thúc đẩy tự do thương mại toàn cầu từ bát mì” của Giáo sư Shen Minghui thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS).

Theo bài viết, hội nhập kinh tế khu vực được thúc đẩy chủ yếu bởi các lực lượng thị trường từ trước những năm 1990 của thế kỷ trước và kể từ đó được củng cố bởi một số sáng kiến về thể chế.

Trong hai thập kỷ qua, số hiệp định thương mại tự do (FTA) ở khu vực Đông Á đã tăng lên nhanh chóng. Đến cuối tháng 2/2016, khu vực này đã có tổng cộng 133 hiệp định FTA, trong đó 79 hiệp định đã được ký kết và có hiệu lực.

Các FTA ở Đông Á dù phát triển nhanh chóng về số lượng, nhưng hầu hết các hiệp định đều có mức độ tự do hóa thấp.

Bên cạnh việc tập trung giải quyết các vấn đề truyền thống như cắt giảm thuế quan, quy tắc xuất xứ, kiểm tra, kiểm dịch và tranh chấp, thì các vấn đề khác như yêu cầu về đầu tư, sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, thương mại điện tử và chính sách môi trường ít khi được kết hợp.

Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đi tiên phong trong các FTA ở khu vực Đông Á bằng việc phát triển FTA song phương với các đối tác khác dựa trên công thức “ASEAN+1”.

Bằng cách nhấn mạnh nguyên tắc “trung tâm ASEAN”, tổ chức này đã từng bước nâng cấp hiệp hội của mình từ một thỏa thuận thương mại tự do thành một cộng đồng kinh tế với các mục tiêu tự do hóa kinh tế toàn diện hơn.

ASEAN năm 2012 đã khởi xướng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bao gồm tất cả các quốc gia thành viên ASEAN và sáu nước khác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand.

RCEP dự kiến sẽ tạo ra một thị trường mở với một cấp độ tự do hóa cao hơn so với 5 FTA “ASEAN+1”. Thỏa thuận này nhằm mục đích tích hợp các mạng lưới FTA phức tạp của Đông Á và bù đắp cho “hiệu ứng tô mì” của việc phổ biến FTA trong khu vực này.

"Hiệu ứng tô mì" để chỉ việc cùng lúc có nhiều thỏa thuận FTA sẽ làm phức tạp thêm quy tắc xuất xứ, các thủ tục qua biên giới và tình trạng quan liêu, làm tăng chi phí giao dịch, giảm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Các FTA phức tạp cũng có thể phá vỡ mạng lưới sản xuất qua biên giới, vốn là trọng tâm để hội nhập thành công của khu vực. Việc thiếu tăng cường phối hợp có thể dẫn đến thay đổi khung thời gian cho các nhượng bộ thuế quan, cũng như những ưu đãi của các FTA, do đó RCEP được thiết kế để đối phó với những trở ngại này.

Thành công kinh tế trước đây của Đông Á được xây dựng trên một môi trường toàn cầu mở. Hội nhập toàn cầu ngày càng tăng của khu vực đã góp phần đáng kể vào sự phát triển của thương mại quốc tế. Và các cam kết của nó đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tiếp tục làm sâu sắc hơn khả năng hội nhập của khu vực.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang bị đe dọa bởi tình trạng chống toàn cầu hóa, Đông Á cần phải đấu tranh chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại, đồng thời thận trọng với mô hình tăng trưởng theo hướng xuất khẩu.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: