Điểm tin

Áp lực nhập siêu trở lại

29 tháng 05. 2017

Cán cân thương mại hàng hóa đã quay trở lại tình trạng nhập siêu khi tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu ở mức cao nhất trong nhiều năm qua

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, đến nửa đầu tháng 5-2017, Việt Nam đã nhập siêu gần 3,02 tỉ USD, bằng 4,3% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đáng lưu ý, tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu ở mức 25% so với cùng kỳ, là mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua.

Nhập khẩu tăng mạnh

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đến ngày 15-5 đạt gần 142,41 tỉ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của cả nước từ đầu năm đến giữa tháng 5-2017 đạt hơn 72,7 tỉ USD, tăng tới 25% so với cùng kỳ năm ngoái. So với nửa cuối tháng trước, nhập khẩu tăng mạnh ở một số nhóm hàng như vải các loại, thức ăn gia súc và nguyên liệu, chất dẻo nguyên liệu, phương tiện vận tải và phụ tùng...

Kim ngạch nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh hơn tốc độ tăng của xuất khẩu hàng hóa khiến cán cân thương mại của Việt Nam thâm hụt khá lớn trong những tháng đầu năm. Chỉ riêng nửa đầu tháng 5, cán cân thương mại hàng hóa đã thâm hụt gần 1,1 tỉ USD, nâng mức nhập siêu hàng hóa cả nước từ đầu năm đến ngày 15-5 lên gần 3,02 tỉ USD, bằng 4,3% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Con số này cao hơn khá nhiều so với mục tiêu đặt ra cả nước là nhập siêu ở mức 3,5% kim ngạch xuất khẩu.

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Trường ĐH Fulbright, nhận xét quý I/2017 tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam ở mức khá là 12,8%, vượt mục tiêu cả năm 6%-7% nhưng nhập khẩu lại tăng đến 22,4% là đột biến! Bởi những giai đoạn trước đó, nhập khẩu hàng hóa có tăng mạnh cũng chỉ dưới mức 20%. Những nước Việt Nam nhập siêu nhiều nhất gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia... Với tốc độ tăng nhập siêu như hiện nay, khả năng kiểm soát nhập siêu ở mức 3,5% như chỉ tiêu Quốc hội đề ra là rất khó.

Sức ép lên tỉ giá

Trong báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2017, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhận định tốc độ nhập khẩu 4 tháng tăng 24,9% so với cùng kỳ là mức tăng rất cao so với các năm trước đây. Nhập siêu cũng quá cao và chuyển nhanh từ trạng thái xuất siêu sang nhập siêu, do đó thời gian tới cần xem xét kỹ những tác động đến tỉ lệ nhập siêu để có hướng điều chỉnh linh hoạt, không gây ảnh hưởng đến mức nhập siêu theo nghị quyết của Quốc hội.

Nhập siêu tăng mạnh chủ yếu đến từ nhóm hàng phục vụ sản xuất tăng cao, nhập khẩu nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị dụng cụ... Chẳng hạn, giải ngân các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam để phục vụ mua sắm máy móc, thiết bị như dự án Samsung Display Việt Nam, các dự án sợi tại Bình Dương... đạt 3,6 tỉ USD tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đã ảnh hưởng đến kim ngạch nhập khẩu. Và nhập siêu tăng mạnh trong những tháng đầu năm đã gây áp lực lên tỉ giá thời gian qua. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỉ giá USD/VNĐ trong năm 2017 sẽ chịu nhiều áp lực, trong đó lớn nhất đến từ phía cầu ngoại tệ do sức ép nhập siêu gia tăng. Về dài hạn, xu hướng mất giá mạnh của đồng nhân dân tệ sẽ tác động lớn đến kinh tế Việt Nam do thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đang có xu hướng tăng, từ mức 23,7 tỉ USD năm 2013 lên mức 28 tỉ USD năm ngoái. Bốn tháng đầu năm, Việt Nam tiếp tục nhập siêu 9 tỉ USD từ thị trường Trung Quốc.

Để giảm tình trạng nhập siêu, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị thời gian tới cần triển khai các giải pháp nâng cao năng lực của khu vực kinh tế nội địa trong xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, khai thác và tận dụng tốt tiềm năng, lợi thế tăng trưởng từ thị trường nội địa nhằm giảm nhu cầu nhập khẩu, hỗ trợ cải thiện cán cân thương mại. Các cơ quan quản lý cần theo dõi chặt chẽ tình hình nhập khẩu các mặt hàng từ khu vực ASEAN trong lộ trình Việt Nam cam kết cắt giảm thuế quan để có giải pháp kiểm soát kịp thời, bảo vệ sản xuất trong nước và giảm mất cân đối thương mại với khu vực này. 

Nguồn: Báo Người Lao Động

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: