Sách – Cẩm nang

Cẩm nang về các Hiệp định thương mại tự do dành cho doanh nghiệp nông sản - thực phẩm chế biến

19 tháng 07. 2017

Kể từ sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam vẫn tiếp tục có những bước đi mạnh mẽ theo hướng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Việc Việt Nam tham gia đàm phán, ký kết và thực thi hàng loạt các hiệp định đối tác kinh tế, các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong những năm gần đây ở cấp song phương và đa phương đã và đang đem đến những cơ hội và thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp trong nước nói chung và các doanh nghiệp dệt may, doanh nghiệp nông sản - thực phẩm chế biến nói riêng.

Việc gia nhập các FTA sẽ tạo điều kiện cho hàng dệt may và nông sản - thực phẩm chế biến Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội gia tăng vốn đầu tư, chiếm lĩnh thị trường trong nước và cải cách doanh nghiệp theo hướng tiếp cận dần với các tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững. Tuy nhiên, những cơ hội ấy chỉ tận dụng được hiệu quả nếu doanh nghiệp xử lý hiệu quả các thách thức từ quá trình hội nhập. Trong bối cảnh hàng rào thuế quan để bảo vệ hàng hóa sản xuất ngày càng thu hẹp, các nước nhập khẩu sẽ đẩy mạnh việc sử dụng hàng rào phi thuế quan. Điều này sẽ tạo ra khó khăn đối với hàng dệt may và nông sản, thực phẩm chế biến của cả nước nói chung và của Hà Nội nói riêng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của các cá nhân, doanh nghiệp trong quá trình hội nhập, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương, phát hành cuốn “CẨM NANG VỀ CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO DÀNH CHO DOANH NGHIỆP DỆT MAY” và cuốn “CẨM NANG VỀ CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO DÀNH CHO DOANH NGHIỆP NÔNG SẢN - THỰC PHẨM CHẾ BIẾN”.

Nội dung 02 cuốn Cẩm nang bao gồm những thông tin cơ bản về 8 Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và một số Hiệp định đang trong quá trình đàm phán như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP),… Trong đó, tập trung đưa ra những nội dung quan trọng nhất đối với hàng dệt may và nông sản - thực phẩm chế biến bao gồm: Các cam kết thuế quan; thủ tục chứng nhận xuất xứ hàng hóa, các biện pháp phòng vệ thương mại, mẫu C/O. Ngoài ra, 02 cuốn cẩm nang cũng đưa ra một số lưu ý đối với doanh nghiệp 02 nhóm hàng này khi tham gia vào các FTA, nhằm mục đích giúp doanh nghiệp, các nhà quản lý nắm bắt được toàn diện các cam kết đối với các ngành hàng này tại từng Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã và đang tham gia. Đồng thời cẩm nang cũng đưa ra một số đánh giá và định hướng giúp doanh nghiệp có thể chủ động và tận dụng tốt hơn các cơ hội khi Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do. Đề nghị các Sở, ban, ngành Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu để làm tài liệu tham khảo, phổ biến thông tin và tuyên truyền

Tải tài liệu đính kèm dưới đây:

1. Cẩm nang về các Hiệp định thương mại tự do dành cho doanh nghiệp Nông sản và thực phẩm chế biến

2. Cẩm nang về các Hiệp định thương mại tự do dành cho doanh nghiệp dệt may.

 

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: