Điểm tin

Việt Nam hưởng lợi gì từ APEC?

13 tháng 10. 2017

Nhìn lại toàn bộ quá trình tham gia APEC của Việt Nam, có thể thấy APEC là một trong số các diễn đàn đa phương đã đem lại những lợi ích thiết thực và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trước hết, tham gia APEC góp phần quan trọng vào nỗ lực đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của nước ta và làm sâu sắc các mối quan hệ song phương cũng như duy trì môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ. Các hội nghị do APEC tổ chức hằng năm là dịp để nước ta thúc đẩy các cuộc tiếp xúc song phương ở các cấp, đặc biệt là ở cấp cao, với các đối tác then chốt. Đến nay, trong tổng số 25 đối tác chiến lược và toàn diện của Việt Nam, có 13 đối tác là thành viên APEC, gồm: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Australia, New Zealand và Chile. Nước ta đang hình thành mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và nhiều bên với 18 trong tổng số 20 thành viên APEC (trừ Papua New Guinea và Đài Bắc-Trung Quốc).

Hơn thế nữa, thông qua đóng góp, tham gia giải quyết các vấn đề chung, nước ta tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của các thành viên APEC đối với các quan tâm của ta, đồng thời góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc tham gia APEC đã góp phần nâng cao nội lực của đất nước. APEC là diễn đàn quy tụ nhiều đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, chiếm 75% thương mại, 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 38% viện trợ phát triển chính thức (ODA) và 79% khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. Việc thực hiện các cam kết hợp tác trong APEC đã thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư và du lịch của Việt Nam với các đối tác APEC. 7 nền kinh tế thành viên APEC hiện nằm trong tốp 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là: Hoa Kỳ (đứng đầu), Trung Quốc (thứ 2), Nhật Bản (thứ 3), Hàn Quốc (thứ 4), Hongkong - Trung Quốc (thứ 5), Malaysia (thứ 9), Singapore (thứ 10). Hầu hết các đối tác này cũng là các đối tác đầu tư hàng đầu ở Việt Nam.

Ngoài ra, việc tham gia hợp tác APEC đã tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận tốt hơn khoa học công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến, tranh thủ nguồn lực và hỗ trợ của APEC, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu,… thiết thực góp phần vào quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Cuối cùng, việc triển khai các cam kết, đồng bộ hóa chính sách cùng các dự án hỗ trợ của APEC góp phần nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, tăng cường kiến thức và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập.

Lợi ích APEC mang lại cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam

Việc tham gia APEC và tăng cường hợp tác với các nền kinh tế thành viên cũng như cộng đồng doanh nghiệp ở khu vực mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam.

Trước hết, chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân có điều kiện được cải thiện, nâng cao. Sự gắn kết kinh tế-thương mại sâu rộng giữa các nền kinh tế thành viên tạo điều kiện cho người dân có thêm nhiều lựa chọn về việc làm, hàng hóa, dịch vụ, y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, du lịch… với chất lượng và giá cả tốt hơn. APEC đang triển khai các chương trình giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa, giao lưu sinh viên…với mục tiêu cụ thể là trao đổi sinh viên giữa các trường đại học APEC đạt 1 triệu người vào năm 2020 và số lượt khách du lịch của APEC đạt 800 triệu người vào năm 2025.

Hợp tác APEC mở ra nhiều cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận thị trường rộng lớn của các nền kinh tế thành viên, được hưởng môi trưởng đầu tư, kinh doanh và điều kiện đi lại thuận lợi hơn, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược, tiếp cận công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến của các tập đoàn hàng đầu thế giới… Thông qua tham gia hợp tác, đối thoại của APEC, các doanh nghiệp Việt Nam còn có cơ hội thúc đẩy những vấn đề quan tâm.

Người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam, có điều kiện thuận lợi hơn để học tập, nghiên cứu trong môi trường giáo dục, đào tạo chất lượng cao. Hiện có khoảng 80% số du học sinh Việt Nam ở nước ngoài đang học tập tại nhiều nền kinh tế thành viên APEC, tập trung tại Australia, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Nga và Canada.

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: