Điểm tin

APEC tạo động lực mới cho doanh nghiệp

03 tháng 11. 2017

Việc củng cố khả năng cạnh tranh và đổi mới của các doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC trong thời đại kỹ thuật số là một trong những vấn đề được quan tâm tại chuỗi Hội nghị APEC sẽ diễn ra tại Đà Nẵng trong tuần tới.

Bà Mai Thu Hằng và gia đình đang điều hành một cửa hàng bán vỏ xe khá hiện đại ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Cửa hàng này được mở từ cách đây 20 năm và đã lưu truyền qua các thế hệ trong nhà.

“Từ năm 2007, chúng tôi bắt đầu thay đổi phương thức hoạt động”, bà Hằng kể. “Nhiều quy trình lần lượt được đưa lên mạng, từ tiếp thị đến thanh toán”.

Bà cho biết với tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng cao ở Việt Nam, khách hàng của bà có thể nhanh chóng tìm ra địa chỉ cửa hàng để tới sửa chữa, sử dụng dịch vụ.

Trong vòng năm năm, cửa hàng của gia đình bà đã trở thành tiệm dịch vụ vỏ xe lớn nhất quận Hoàng Mai. “Công nghệ giúp hoạt động kinh doanh của chúng tôi hiệu quả và đỡ vất vả hơn. Chúng tôi có thể tiết kiệm thời gian để tập trung vào công việc khác”, bà nói.

Cũng giống như bà Hằng ở Việt Nam, gia đình bà Varinia ở thành phố Cusco, Peru đã trồng đậu fava trên những ngọn đồi ở thị trấn San Jerónimo từ nhiều thế hệ qua.

Năm năm trở lại đây, bà Varinia đã đưa công việc kinh doanh lên mạng, nên Công ty AGP Inka của gia đình có thể tiếp thị đậu tới các khách hàng trên toàn thế giới. “Chúng tôi liên hệ với khách hàng nhanh hơn, tiếp thị sản phẩm dễ dàng hơn và theo dõi việc phân phối hiệu quả hơn”, bà nói. Công ty AGP Inka hiện tạo ra sinh kế và nguồn thu nhập ổn định cho khoảng 200 lao động ở San Jerónimo.

“Đây là những ví dụ rõ ràng về cách APEC hoạt động để thúc đẩy tăng trưởng bền vững và hòa nhập trong cộng đồng. Một phần của sự thúc đẩy bao trùm này là giúp các doanh nghiệp nhỏ tạo thêm nhiều việc làm bằng cách tạo cơ hội phát triển và mở rộng”, Giám đốc điều hành APEC, Tiến sĩ Alan Bollard, nói trong một bài viết đăng tải trên trang web của APEC.

Cả bà Hằng lẫn bà Varinia đều không quan tâm lắm tới những “Mục tiêu Bogor”, “Chương trình hành động Osaka”, “Lộ trình Busan”... Song, những doanh nghiệp mà hai bà đang điều hành, từ thị trấn miền núi San Jerónimo ở Cusco, Peru, đến thủ đô Hà Nội nhộn nhịp của Việt Nam, rõ ràng đang đưa hơi thở cuộc sống vào trong chương trình nghị sự của Hội nghị APEC.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 95% doanh nghiệp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các chương trình hợp tác cụ thể trong APEC nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, đang đóng góp rất tích cực cho sự phát triển và phồn vinh của cả khu vực.

Các sáng kiến thực tế của APEC đã giúp nhiều doanh nghiệp nhỏ khác trong khối APEC phát triển thị trường, bằng cách tham gia vào các hoạt động như ngân hàng điện tử, quảng cáo kỹ thuật số. Nhờ đó họ có thể mở rộng khả năng tiếp cận với một lượng khách hàng tiềm năng và đối tác tiềm năng chưa từng có.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, trong bài trả lời phỏng vấn TTXVN, cho biết với vai trò chủ nhà, Việt Nam đã cùng với các thành viên APEC khơi dậy những động lực mới cho tăng trưởng và liên kết của khu vực thông qua hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp; tạo điều kiện cho người lao động có các kỹ năng mới để tìm được việc làm trong thị trường lao động thời kỳ công nghệ số.

“Đây là một đóng góp thiết thực của Việt Nam nhằm nâng cao khả năng thích ứng của APEC trong một thế giới đang trải qua những chuyển dịch to lớn, dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng hàng loạt thách thức khu vực và toàn cầu đang nổi lên...”, ông Sơn nói.

Chẳng hạn, vài tháng trước Tuần lễ cấp cao APEC, Bộ Công Thương Việt Nam, Quỹ châu Á và tập đoàn Google đã phối hợp tổ chức cuộc thi phát triển và hoàn thiện một ứng dụng miễn phí trên điện thoại di động hoặc trang web nhằm giải quyết thách thức dai dẳng của khu vực. Đó là làm thế nào để có ngày càng có nhiều doanh nghiệp vừa, nhỏ và rất nhỏ xuất khẩu được sản phẩm của mình ra thị trường nước ngoài?

Việc tổ chức cuộc thi này cho thấy các nhà hoạch định chính sách của APEC rất quan tâm tới các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nơi thu hút tới hai phần ba lực lượng lao động của khu vực. Các doanh nghiệp này đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức khi tiếp cận với thương mại xuyên biên giới.

Chương trình nghị sự của Hội nghị APEC năm nay sẽ gắn liền với việc cụ thể hóa chủ đề “Cùng tạo động lực mới, vun đắp tương lai chung”. Trong bối cảnh mới với nhiều thách thức, hy vọng các nhà lãnh đạo sẽ trao đổi, thảo luận các biện pháp nhằm tiếp tục giữ đà hợp tác, liên kết của diễn đàn, góp phần mang lại lợi ích thiết thực và cụ thể cho người dân và doanh nghiệp.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài gòn

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: