Điểm tin

Lao động và việc làm khu vực ASEAN trong kỷ nguyên số

14 tháng 12. 2017

Ngày 13 tháng 12 năm 2017, tại Tp Hồ Chí Minh, Bộ Lao động – TB&XH phố hợp với Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo về lao động, việc làm trong ASEAN và những vấn đề đặt ra trong Kỷ nguyên số.

Tham dự hội thảo có bà Lê Kim Dung – Cục trưởng Cục Việc làm, bà Hà Thị Minh Đức – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế cùng hàng trăm đại biểu đến từ các cơ quan thuộc bộ, ngành, sở, trường đại học, trung tâm dịch vụ việc làm...

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh Việt Nam hiện là nước Chủ tịch APEC và ASEAN vừa kỷ niệm 50 năm thành lập nên có ý nghĩa rất lớn về lý luận và thực tiễn, được nhiều người quan tâm.

Với mục đích đánh giá khách quan thực trạng lao động, việc làm trong khu vực ASEAN, tìm ra giải pháp để hạn chế những bất cập, tiêu cực nhằm nâng cao mức hưởng thụ, đời sống của người lao động, Hội thảo đã tập trung thảo luận các vấn đề quan trọng. Đó là sự hợp tác ASEAN trong lĩnh vực lao động, việc làm của Việt Nam, những thách thức mà nước ta sẽ phải đối diện, những giải pháp cơ bản cho lĩnh vực này trước mắt cũng như lâu dài...

ASEAN đã trở thành một cộng đồng với quy mô dân số gần 600 triệu người – chiếm 8,6% tổng dân số thế giới, có nhiều thay đổi nhân khẩu quan trọng, tỷ lệ người trẻ tuổi giảm và người cao tuổi tăng. Mặc dù các nước thành viên ASEAN đều đã có các thể chế phù hợp song công tác bảo trợ xã hội vẫn còn không ít hạn chế. Cùng với đó, giữa các nước thành viên đang có sự khác biệt rõ rệt về nguồn cung lao động, kỹ năng, tiền lương và năng suất. Có sự chênh lệch về chất lượng đào tạo ở từng quốc gia và khả năng đáp ứng của nhân lực, có sự khác biệt về trình độ sản xuất và lao động công nghệ cao...

Tham gia thảo luận, các đại biểu cho rằng cần tạo được sự đồng thuận để đạt được các quyền lợi cơ bản của người lao động di cư. Điều này cũng giúp người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hiểu rõ về các quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước, trong và sau khi đi làm việc ở nước ngoài.

Hiện nay, đã có thỏa thuận công nhận kỹ năng lẫn nhau về 08 lĩnh vực, sự dịch chuyển lao động có tay nghề giữa các nước thành viên là điều kiện thuận lợi cho chuyên gia và lao động có tay nghề trong ASEAN tham gia vào hoạt động liên quan tới thương mại và đầu tư qua biên giới.

Hội thảo cũng thảo luận về các thách thức trong lao động, việc làm với Việt Nam. Đó là sự chênh lệch về trình độ phát triển so với các nước, sự cạnh tranh và sức ép lên việc làm đối với lao động trong nước do trình độ tay nghề và chuyên môn thấp, năng suất lao động thấp, việc quản lý lao động nước ngoài...

Về giải pháp, trước hết cần tăng cường tính cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua việc phát huy ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức quản lý doanh nghiệp. Tiếp đó là đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo hướng tăng khả năng thực hành và các kỹ năng nghề nghiệp. Gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động và sự tham gia trong quá trình đào tạo của doanh nghiệp. Tăng cường việc quản lý lao động thông qua việc xây dựng các rào cản kỹ thuật về điều kiện, giấy phép... nhằm bảo vệ vị trí việc làm phù hợp cho lao động trong nước. Cùng với đó là phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Tăng cường hợp tác trong khối ASEAN về chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là bảo hiểm xã hội tương hỗ giữa các nước trong khu vực.

Nguồn: Báo Dân Sinh

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: