Điểm tin

Hợp tác kinh tế ASEAN chưa được như mong muốn

28 tháng 12. 2017

ASEAN đang phải đối mặt nhiều thách thức như sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, tâm lý coi trọng hợp tác song phương hơn đa phương và sự thiếu vắng các sản phẩm mũi nhọn khiến hợp tác kinh tế chưa đạt được kết quả như mong muốn.

 

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết như vậy tại Hội nghị các trụ cột cộng đồng ASEAN nhân kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN diễn ra sáng 26/12 tại Hà Nội. Hội nghị do Bộ Công Thương và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đồng chủ trì và hơn 100 đại diện các bộ, ngành tham gia.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hợp tác kinh tế ASEAN lấy ASEAN làm hạt nhân để thúc đẩy quan hệ toàn diện với nhiều đối tác quan trọng khác trên thế giới đến nay đã đem lại những kết quả thiết thực, cụ thể, đóng góp to lớn cho thành tựu phát triển chung của ASEAN. Tuy vậy, hợp tác kinh tế chưa đạt được kết quả như mong muốn. Đại diện các bộ, ngành đánh giá ASEAN đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực; và 22 năm tham gia hợp tác mang lại cho Việt Nam những lợi ích quan trọng, thiết thực; trong đó có kiến tạo môi trường hòa bình và ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.

Các đại biểu cũng nhận định, trong bối cảnh tình hình mới với những diễn biến phức tạp, khó lường, ASEAN đang gặp phải không ít khó khăn và thách thức gay gắt, đòi hỏi những nỗ lực chung và đóng góp của các nước, trong đó có Việt Nam. Việt Nam đang phải giải quyết nhiều vấn đề, nhất là về nhận thức, nguồn lực, cũng như cơ chế điều phối, phối hợp giữa các bộ, ngành.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị các bộ, ngành kiểm điểm quá trình tham gia hợp tác ASEAN theo từng lĩnh vực hợp tác cụ thể, đề xuất các biện pháp nhằm đóng góp chủ động, tích cực, có trách nhiệm và tăng cường hiệu quả thực chất các hoạt động trong tham gia hợp tác ASEAN. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan có biện pháp cụ thể nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của ASEAN đối với Việt Nam; sớm kiện toàn bộ máy, tăng cường năng lực cho cán bộ; xây dựng lộ trình triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể theo từng lĩnh vực.

Nhấn mạnh công tác điều phối và phối hợp giữa các bộ, ngành, Phó Thủ tướng yêu cầu sớm xây dựng dự thảo sửa đổi quy chế làm việc và phối hợp hoạt động giữa các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN của Việt Nam và tăng cường hơn nữa vai trò điều phối của Ban Thư ký Quốc gia về ASEAN. Để chuẩn bị cho Việt Nam tiếp nhận cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan phối hợp Bộ Ngoại giao cùng trao đổi, đề xuất các ưu tiên, trọng tâm sáng kiến, thể hiện đóng góp chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trong tham gia hợp tác ASEAN.

Ông Eugene Tan, phó giáo sư ngành luật tại Đại học Quản lý Singapore, nói rằng, nỗ lực xây dựng cộng đồng ASEAN diễn ra trong thập kỷ qua không đồng đều do một số nước thành viên ưu tiên công việc nội bộ. Ngay cả khi đã tuyên bố thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2015, một dấu ấn lớn trong hội nhập kinh tế khu vực, thành công rõ ràng nhất của ASEAN cho đến nay mới là việc cắt giảm thuế giữa các nước thành viên, với khoảng 99 dòng thuế được đưa về 0. Nhưng ASEAN cần khẩn trương phát huy tiềm năng kinh tế để tự nắm vận mệnh kinh tế của mình, không dựa vào sự tăng trưởng của Trung Quốc và quà tặng từ Mỹ, ông Tan viết trong bài đăng trên báo Hong Kong South China Morning Post.

Thuế nhập khẩu của khoảng 400 mặt hàng giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ được cắt giảm xuống 0-5% từ ngày 1/1/2018 theo thoả thuận thương mại tự do giữa Trung Quốc và ASEAN. Thoả thuận này được kỳ vọng sẽ giúp tăng gấp đôi kim ngạch thương mại của hai bên lên khoảng 1.000 tỷ USD vào năm 2020, báo Thái Lan Bangkok Post đưa tin hôm qua. Các mặt hàng sẽ được cắt giảm thuế gồm lúa mỳ, nước trái cây, lốp xe, polyester, đồ chơi, máy làm lạnh, thiết bị điện tử...

 

Nguồn: Báo Tiền Phong

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: