Điểm tin

Cắt giảm thuế theo 10 FTA có gây sốc cho doanh nghiệp Việt Nam?

12 tháng 01. 2018

Thực hiện 10 hiệp định thương mại tự do (FTA), năm 2018, Việt Nam tiếp tục cắt giảm thuế nhập khẩu. Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế (Bộ Tài chính), việc cắt giảm tiến tới xóa bỏ thuế quan được thực hiện theo lộ trình đối với từng FTA nên không gây sốc cho ngân sách nhà nước cũng như hoạt động sản xuất trong nước.

Thưa ông, thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo 10 FTA, năm 2018, thuế nhập khẩu được cắt giảm thế nào?

Để thực hiện các cam kết của Việt Nam trong 10 FTA từ năm 2018 cho đến cuối lộ trình, năm 2017, Chính phủ đã ban hành 10 nghị định quy định cụ thể, chi tiết 10 biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt và bắt đầu thực hiện từ năm 2018.

Cụ thể, đối với FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), năm 2018, Việt Nam cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với 704 dòng thuế. Thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) năm 2018 có 477 dòng thuế trước đó phải chịu thuế nhập khẩu 5% và 10% xuống 0%. Thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), năm 2018, Việt Nam cắt giảm thuế nhập khẩu từ 5% và 10% xuống 0% đối với 588 dòng thuế.

Đối với Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), năm nay, Việt Nam cắt giảm sâu 2.918 dòng thuế từ 50 - 67%; 604 dòng thuế có mức cắt giảm trung bình từ 20 - 45% và 1.567 dòng có mức cắt giảm thấp từ 4 - 18%. Còn thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), từ ngày 1/4/2018, Việt Nam cắt giảm thuế suất về 0% đối với 3.426 dòng thuế...

Thưa ông, năm 2018, cắt giảm thuế nhập khẩu khá mạnh, liệu doanh nghiệp trong nước có bị “sốc”?

Tôi nghĩ là không, vì các FTA và biểu thuế cũng như lộ trình cắt giảm thuế suất theo từng FTA đã được công bố công khai ngay khi ký kết. Còn việc xây dựng biểu thuế nhập khẩu từng năm, với từng thị trường đều được Bộ Tài chính tham khảo ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp thông qua các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng.

Riêng 10 biểu thuế áp dụng cho năm 2018, chúng tôi bắt đầu xây dựng trước khi ban hành 6 tháng, vào khoảng tháng 5 - 6/2017. Trong quá trình xây dựng các biểu thuế, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp. Tinh thần chung của cộng đồng doanh nghiệp là thực hiện nghiêm túc cam kết trong các FTA sẽ tốt hơn cho hoạt động sản xuất vì doanh nghiệp đã sẵn sàng.

Trước đó, nhiều người dự đoán, thực hiện ATIGA, năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô, xe máy, phụ tùng linh kiện ô tô xe máy, dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới, đồ điện dân dụng về 0% thị trường trong nước sẽ bị sốc, đặc biệt đối với nhóm hàng ô tô, xe máy. Nhưng đến thời điểm này, chưa có hiện tượng sốc nào xảy ra.

Ông có nghĩ rằng, cắt giảm thuế theo các FTA sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cân đối ngân sách nhà nước vì nhiều nước ký kết FTA với Việt Nam là những thị trường xuất nhập khẩu hàng đầu như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN?

Ảnh hưởng thì có, nhưng ảnh hưởng tiêu cực thì không. Nhiều người lo ngại, cắt giảm thuế nhập khẩu thu ngân sách từ hoạt động xuất - nhập khẩu sẽ giảm mạnh, nhưng trên thực tế, năm 2017, ngành hải quan ước thu 293.000 tỷ đồng, còn năm 2018 đặt mục tiêu thu 295.000 tỷ đồng, tức vẫn tăng so với năm 2017.

Kể từ thời điểm Việt Nam gia nhập WTO (năm 2007) đến nay, Việt Nam tham gia, ký kết và tiếp tục đàm phán hàng loạt FTA. Tôi cho rằng, việc thực hiện các cam kết WTO và FTA không có tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất trong nước và thu ngân sách, ngược lại còn tác động rất tích cực.

Tác động tích cực ở những điểm nào?

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định và thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới, kể cả những thời điểm kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Minh chứng rõ nét nhất là tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu rất ấn tượng. Năm 2007, năm Việt Nam gia nhập WTO, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu mới đạt 100 tỷ USD, thì đến năm 2017 ước đạt 425 tỷ USD, đặc biệt xuất khẩu hàng hoá đã vượt mốc 200 tỷ USD. 

Kim ngạch xuất - nhập khẩu tăng ấn tượng góp phần rất lớn trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm, giải quyết an sinh xã hội. Cũng nhờ tham gia các FTA, nên Việt Nam mới là lực hút đối với nhà đầu tư nước ngoài. Vì khi đầu tư vào Việt Nam, hàng hóa do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi xuất khẩu vào các thị trường đã ký FTA với Việt Nam cũng được hưởng ưu đãi về thuế suất như doanh nghiệp nội địa.

Ngoại trừ Nhật Bản, cán cân xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các đối tác lớn như Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN ngày càng thâm hụt. Thưa ông, điều đó cho thấy, thực hiện FTA với các đối tác này, Việt Nam bị thua thiệt?

Đúng là Việt Nam đang nhập siêu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN, nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của nước ta vào các thị trường này hàng năm đều tăng trưởng rất mạnh. Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc 35,3 tỷ USD, tăng 60,6%; vào ASEAN 21,7 tỷ USD, tăng 24,5%; Hàn Quốc đạt 15 tỷ USD, tăng hơn 31%.

Cũng cần phải lưu ý là, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu tư liệu sản xuất phục vụ sản xuất và nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất (chiếm 91,4% tổng kim ngạch nhập khẩu). Nếu không nhập khẩu tư liệu sản xuất và nguyên nhiên vật liệu thì làm sao đẩy mạnh được xuất khẩu, làm sao phát triển được sản xuất trong nước và làm sao năm 2017 có thể xuất siêu ước đạt 2,67 tỷ USD, trong đó xuất siêu sang Hoa Kỳ 32,4 tỷ USD, EU 26,3 tỷ USD.

Nguồn: Báo Đầu tư

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: