Điểm tin

Năm APEC 2017: Một năm thành công của Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp

12 tháng 01. 2018

Phát biểu tại buổi Tổng kết hoạt động APEC 2017 của VCCI, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch CEO Summit 2017 cho biết, Việt Nam đã tham dự các hoạt động của APEC và ABAC với tâm thế mới. Các diễn đàn do VCCI đăng cai tổ chức đã mang đến nhiều cơ hội hợp tác đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao vị thế cho đất nước.

Thành công của năm APEC 2017

TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, năm APEC Việt Nam 2017 đã thành công rực rỡ, toàn diện cả trên phương diện song phương và đa phương. Đặc biệt, với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế lớn trên thế giới, VCCI đã tiến hành nhiều cuộc xúc tiến, phỏng vấn, đối thoại để doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm cũng như thúc đẩy cơ hội hợp tác với các tập đoàn lớn.

"Với một chuỗi các Diễn đàn lớn do VCCI tổ chức như CEO Summit, Diễn đàn khởi nghiệp APEC, Diễn đàn Doanh nhân nữ APEC.... đã quảng bá tiềm năng, cơ hội mới về phát triển kinh tế, thương mại. Chưa bao giờ cộng đồng doanh nghiệp thế giới đến Việt Nam nhiều như vây", Chủ tịch VCCI cho biết.

Với việc đưa ra sáng kiến thành lập mạng lưới Khởi nghiệp APEC và mạng lưới doanh nhân nữ APEC, VCCI đã đặt quyết tâm thực hiện tốt vai trò sáng lập và dẫn dắt để nâng cao hơn nữa tinh thần khởi nghiệp của Việt Nam và cộng đồng APEC.

Việc tổ chức thành công Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Summit-VBS) với chủ đề "Việt Nam-Đối tác kinh doanh tin cậy", đã thu hút hơn 2.000 doanh nghiệp tham gia, trong đó có 850 doanh nghiệp Việt, còn lại là các doanh nghiệp nước ngoài, đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực với môi trường đầu tư trong nước. Chủ tịch VCCI cũng kỳ vọng, VBS sẽ trở thành động lực thúc đẩy mới cho nền kinh tế Việt Nam.

Chủ tịch Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, các hoạt động của năm APEC đã đạt được tiêu chí đặt người dân ở vị trí trung tâm, doanh nghiệp giữ vai trò động lực, thương mại tự do công bằng. Trong toàn bộ quá trình đi tới đồng thuận của lãnh đạo các nền kinh tế, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp được khẳng định và đề cao. Thông điệp phát đi từ các diễn đàn của doanh nghiệp tại APEC vẫn là ủng hộ một nền thương mại tự do và công bằng. Trên tâm thế thành công của APEC, VCCI sẽ tiếp tục giữ đà đi lên như hiện nay, là cầu nối tích cực cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

4 thách thức sau APEC

Theo Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn cấp cao Ban Thư ký APEC 2017, sau sự thành công của APEC, sẽ có 4 nhân tố tác động lớn đối với đất nước, với hội nhập kinh tế quốc tế mà VCCI và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý. Đó là việc hoàn tất các cam kết kinh tế phi thị trường với WTO vào 31/12/2018; hội nhập kinh tế và ASEAN; thúc đẩy thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) của ASEAN với Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và tiếp tục CPTPP cùng như EVFTA.

Bà Nga cũng đề nghị, để phát huy vị thế của doanh nghiệp, VCCI cần thành lập Ban Kiến tạo để cùng đồng hành với Chính phủ thúc đẩy chiến lược đa phương đến 2030; dự kiến trao đổi với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, trình lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng này và để Ban bí thư thông qua chỉ thị về đối ngoại đa phương, đẩy mạnh đối ngoại đến 2020 và định hướng đến 2030.

"Bên cạnh đó, sau APEC có rất nhiều việc doanh nghiệp cần tham gia để khẳng định vai trò của Việt Nam, trong đó có việc đóng góp xây dựng tầm nhìn APEC. Bên cạnh đó, VCCI cần tham gia tích cực trong việc thúc đẩy những sáng kiến được đưa ra là mạng lưới khởi nghiệp và mạng lưới doanh nhân nữ APEC để khẳng định vai trò dẫn dắt và sáng tạo của Việt Nam", bà Nga nói

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: