Với vai trò là cơ quan đầu mối chủ trì, trong những năm qua, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính đã có nhiều nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ cải cách thủ tục hành chính.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo Phiên họp lần thứ ba của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại diễn ra ngày 9/1/2018, tại trụ sở Chính phủ. Ảnh: Hải Anh
Thực hiện kết nối Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) với các thành viên trong khu vực. Để rõ hơn về kết quả này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Duyên Phương, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Tổng cục Hải quan.
PV: Xin ông cho biết đôi nét về kết quả nổi bật trong việc kết nối NSW và ASW, qua đó góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu (XNK)?
- Ông Phạm Duyên Phương: Với vai trò là cơ quan thường trực của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về NSW và ASW và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899), Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các bộ, ngành tích cực triển khai các cơ chế này và đã hoàn thành một khối lượng lớn, đạt được kết quả đáng kể.
Tính đến ngày 31/3/2018 đã có 11 bộ, ngành tham gia thực hiện NSW; triển khai 47 thủ tục hành chính, xử lý hơn 1 triệu hồ sơ của hơn 20.000 DN.
Thông qua NSW, DN không còn phải trực tiếp làm việc với từng cơ quan nhà nước để hoàn thành các thủ tục hành chính, do đó giảm được chi phí, thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan; xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch.
Đồng thời, là thành viên tích cực trong Cộng đồng các quốc gia ASEAN, Việt Nam đã chủ động tham gia ASW. Việt Nam đã tham gia đầy đủ các cuộc họp, hội nghị của ASEAN về triển khai ASW; tích cực đóng góp ý kiến toàn diện tại các cuộc họp, hội nghị và các chương trình hợp tác. Đến nay, Việt Nam đã xây dựng và ban hành quy trình thực hiện thủ tục trao đổi C/O mẫu D đáp ứng yêu cầu triển khai ASW; tổ chức đào tạo, tập huấn, thông tin, tuyên truyền cho người dân và DN trong việc triển khai thủ tục hành chính theo cơ chế này; tổ chức triển khai chính thức ASW, trao đổi C/O mẫu D và chuẩn bị triển khai thí điểm trao đổi tờ khai hải quan ASEAN; phối hợp với các nước trong việc xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai.
Kết quả, từ 1/1/2018, Việt Nam đã triển khai ASW về trao đổi C/O mẫu D dưới hình thức điện tử với 4 nước gồm Thái Lan, Singapore, Indonesia và Malaysia. Việt Nam cũng đang thực hiện công tác chuẩn bị để triển khai thí điểm trao đổi tờ khai hải quan ASEAN và đến cuối năm 2018, dự kiến tiến hành trao đổi chứng nhận kiểm dịch điện tử eSPS.
Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đặc biệt là với Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các nước ASEAN để tiếp tục triển khai ASW trao đổi C/O mẫu D, chuẩn bị triển khai thí điểm trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN.
PV: Kết quả này so với mục tiêu đặt ra tại Quyết định số 2185/QĐ-TTg (ngày 14/11/2016), việc kết nối NSW, ASW giai đoạn 2016 - 2020 và mục tiêu ASEAN-4 đề ra tại Nghị quyết 19/2016/NQ-CP có được như kỳ vọng không, thưa ông?
- Ông Phạm Duyên Phương: Đúng là mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực, nhưng kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn so với mục tiêu đặt ra; tiến độ triển khai các thủ tục hành chính theo NSW tại một số bộ, ngành còn chậm. Một số bộ, ngành mặc dù đã kết nối kỹ thuật qua NSW nhưng chưa có hồ sơ hoặc số lượng hồ sơ thực hiện thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia còn rất ít.
Về nguyên nhân chủ quan, một số bộ, ngành vẫn còn chưa thực sự quyết tâm trong việc triển khai NSW, chưa thành lập bộ phận hỗ trợ nghiệp vụ để phối hợp với cơ quan thường trực giải quyết vướng mắc. Về nguyên nhân khách quan, hạ tầng công nghệ thông tin giữa các bộ, ngành không đồng đều. Trình độ ứng dụng công nghệ thông tin và việc tiếp cận thủ tục hành chính qua NSW của DN nhỏ và vừa còn yếu, chưa được hướng dẫn đầy đủ.
PV: Trước thực tế nêu trên, để tạo đột phá và tăng tốc kết nối NSW và ASW, thời gian tới, theo ông cần triển khai những giải pháp quan trọng nào?
- Ông Phạm Duyên Phương: Để tăng tốc triển khai NSW và ASW trong thời gian tới, theo tôi cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với sự quyết liệt vào cuộc của Chính phủ.
Thứ nhất là, ban hành Chương trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch hành động của các bộ, ngành để thúc đẩy triển khai NSW kết nối ASW và tạo thuận lợi thương mại.
Thứ hai là, nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của các bộ, ngành, đặc biệt là người đứng đầu trong việc triển khai các nội dung NSW, kết nối ASW và tạo thuận lợi thương mại.
Thứ ba là, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý theo hướng đơn giản hóa thủ tục, loại bỏ sự chồng chéo trong yêu cầu về hồ sơ giấy tờ, chuyển từ việc tin học hóa thủ tục hành chính sang tự động, trước mắt khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành nghị định của Chính phủ quy định về thực hiện các thủ tục hành chính thông qua NSW, ASW và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK.
Thứ tư là, tiếp tục hoàn thiện phần mềm, kết nối hạ tầng kỹ thuật an ninh, an toàn đáp ứng yêu cầu triển khai mở rộng các thủ tục hành chính trong thời gian tới. Đảm bảo kinh phí và nguồn lực cần thiết cho việc triển khai NSW, kết nối ASW và tạo thuận lợi thương mại, trong đó tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các nước và các tổ chức quốc tế trong việc triển khai.
PV: Xin cảm ơn ông!
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về công tác chuẩn bị Hội nghị chuyên đề “Giải pháp thúc đẩy phát triển NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại”, sẽ được tổ chức trong tháng 5/2018, tại Hà Nội. Thông báo kết luận nêu rõ, chủ trì, điều hành hội nghị là Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính. Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính thành lập Ban Tổ chức hội nghị do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Trưởng ban để chỉ đạo tổ chức và triển khai hội nghị. |
Nguồn: Thời báo Tài Chính
Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: