Diễn biến đàm phán

Vòng đàm phán thứ 28 của RCEP tại Đà Nẵng, Việt Nam

11 tháng 11. 2019

Ngày 23-9, tại Đà Nẵng, Phiên đàm phán chính thức Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP lần thứ 28 chính thức khai mạc, với sự tham gia của lãnh đạo cấp Bộ trưởng 10 nước ASEAN và sáu quốc gia, gồm: Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

Đây là phiên đàm phán chính thức cuối cùng trong năm nay, với mục tiêu xử lý những vấn đề còn tồn đọng nhằm kết thúc việc đàm phán Hiệp định theo chỉ đạo của các nhà lãnh đạo của 16 nước RCEP.

Hiệp định RCEP dự kiến sẽ thành lập khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới với 47,4% dân số thế giới, trên 30% GDP, 29,1% giá trị thương mại và 32,5% luồng vốn đầu tư toàn cầu.

Thay mặt nước chủ nhà đăng cai tổ chức Phiên đàm phán lần thứ 28, Bộ trưởng Công thương Việt Nam, Trần Tuấn Anh đã tham dự và chủ trì lễ khai mạc.

Phát biểu khai mạc phiên đàm phán, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao nỗ lực của các Trưởng đoàn và tất cả các nhà đàm phán của 16 nước đã đạt được nhiều tiến bộ rõ nét, đặc biệt là từ đầu năm 2019 đến nay.

Bộ trưởng nhấn mạnh, đàm phán Hiệp định RCEP đang đi vào giai đoạn cuối, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của các nước và đề nghị các nước hết sức nỗ lực tìm giải pháp sáng tạo, linh hoạt, thống nhất xử lý những vấn đề tồn đọng để có thể kết thúc đàm phán.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Phiên đàm phán lần thứ 28 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm xử lý nốt những vấn đề vướng mắc kỹ thuật trước khi các báo cáo lên các nhà lãnh đạo cấp cao vào cuối năm nay.

Với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại, Hiệp định RCEP được kỳ vọng sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới với sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và các đối tác.

Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đang gặp phải những trở lực nhất định của bảo hộ mậu dịch, thành công của Hiệp định sẽ đóng góp vào việc tạo lập cấu trúc thương mại mới trong khu vực, thúc đẩy toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại.

Là thành viên ASEAN, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nước trong Khối nhằm duy trì vai trò dẫn dắt của ASEAN, vừa thúc đẩy đàm phán vừa bảo vệ tối đa lợi ích của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, trong đàm phán Hiệp định RCEP.

Với mục tiêu đạt được một hiệp định chất lượng cao và cân bằng về lợi ích, Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận và chủ động đưa ra đề xuất trong nhiều lĩnh vực, nhằm xử lý vướng mắc giữa các bên trong khi vẫn bảo đảm lợi ích quốc gia.

Đến nay, đàm phán Hiệp định RCEP đã kết thúc được nhiều chương như: Hợp tác kinh tế, Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại, Mua sắm của Chính phủ, v.v... và đang thu hẹp đáng kể quan điểm giữa các nước trong các lĩnh vực quan trọng, như: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, v.v…

Mới đây, các quốc gia cũng đã hoàn tất đàm phán các phụ lục: Dịch vụ Viễn thông, Dịch vụ Tài chính và Dịch vụ chuyên môn của Chương Thương mại dịch vụ, nâng tổng số các nội dung đã kết thúc đàm phán là bảy chương và ba phụ lục, hướng tới mục tiêu kết thúc đàm phán Hiệp định RCEP vào cuối năm 2019 như các nhà lãnh đạo đã chỉ đạo tại Hội nghị cấp cao RCEP lần thứ 2 vào tháng 11-2018, tại Singapore.

Phiên đàm phán thứ 28 tại Đà Nẵng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trước khi các nhà lãnh đạo gặp nhau vào tháng 10 năm nay. Là nước chủ nhà của phiên đàm phán này và sẽ là nước chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ cố gắng hết sức và phối hợp với tất cả các nước phấn đấu đạt mục tiêu trên và hướng tới mục tiêu ký kết Hiệp định RCEP ngay trong năm 2020.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: