Điểm tin

Tạo động lực tăng trưởng mới trước “bẫy kinh tế Covid-19”

21 tháng 08. 2020

Trong đợt bùng phát thứ hai phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã kịp thời lựa chọn vừa chống dịch vừa đảm bảo hoạt động kinh tế - xã hội.

Theo các chuyên gia, bên cạnh “mục tiêu kép” nói trên, Việt Nam cũng cần nhanh chóng tạo các động lực tăng trưởng mới để tránh “bẫy kinh tế Covid-19”.

1. Theo báo cáo Triển vọng kinh tế được Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) công bố ngày 6/8, Covid-19 khiến cho tăng trưởng khu vực ASEAN+3 giảm mạnh, chỉ ở mức 0% trong năm 2020. Tuy vậy, Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm 2020, trước khi tăng lên mức 7% vào năm 2021.

Kể từ tháng 2/2020, chính phủ các nước ASEAN+3 đã áp dụng rất nhiều chính sách chưa từng có để ngăn chặn sự lây lan của virus, nhưng cũng đồng thời khiến các nền kinh tế rơi vào bế tắc, dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng, gián đoạn và ngưng trệ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và sự suy giảm của nhu cầu trong nước. Việc cấm các chuyến bay quốc tế cũng làm cho ngành du lịch - ngành rất quan trọng của các nước trong khu vực, suy giảm mạnh.

Theo AMRO, một điều đáng khích lệ là dịch bệnh này cũng đã được kiểm soát trong khu vực và chính quyền các nước đã bắt đầu mở cửa nền kinh tế. Các chỉ số gần đây đã cho thấy sự cải thiện rất đáng kể trong sản xuất và thương mại, trong khi các chỉ số cao về chuyển động của người dân cho thấy hoạt động trong khu vực đang dần hồi phục trong những tuần gần đây khi các biện pháp ngăn chặn được nới lỏng. Tuy nhiên, việc mở cửa nền kinh tế cũng khiến cho dịch bệnh bùng phát trở lại ở 1 số khu vực và chính quyền các nước đã phải tái khởi động lại các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.

Dự báo về triển vọng kinh tế 2020, TS. Hoe Ee Khor - Chuyên gia kinh tế trưởng của AMRO, tốc độ tăng trưởng trong khu vực ASEAN+3 dự báo sẽ tăng trưởng ở mức -2,6% trong năm 2020 với 6/10 nước thành viên tăng trưởng âm.

TS. Khor cũng nhấn mạnh, 9/14 thành viên của ASEAN+3 sẽ tăng trưởng ở mức âm trong năm nay, bao gồm: Philippines -6,6%; Singapore -6%; Thái Lan -7,8%; Malaysia -3,2%; Indonesia -0,8%; Campuchia -1,8%; Nhật Bản -5,4%, Hàn Quốc -1%, Hồng Kông (Trung Quốc) -7%. Các nền kinh tế được dự báo tăng trưởng dương là Trung Quốc 2,3%, Bruinei Darussalam 1,6%, Lào 0,5%, Myanmar 1,1% và cao nhất là Việt Nam 3,1%.

2. Khen ngợi Việt Nam đã và đang kiểm soát đại dịch một cách ngoạn mục, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) Jacques Morisset vẫn tập trung chú ý vào những tổn thương nghiêm trọng của nền kinh tế.

Theo đó, GDP Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức 0,4% trong quý II/2020 (là ngoại lệ trên thế giới ở thời điểm này), nhưng đó vẫn là kết quả thấp nhất trong 35 năm qua. Nếu xét về công ăn việc làm và thu nhập thì quy mô cú sốc Covid-19 có thể còn lớn hơn. Theo ước tính, trên 30 triệu người lao động Việt Nam, tương đương khoảng một nửa lực lượng lao động, bị ảnh hưởng vào lúc giãn cách cao điểm tháng 4/2020. Sau đó, nhờ nới lỏng giãn cách xã hội từ cuối tháng 4/2020, các hộ kinh doanh đã dần khôi phục hoạt động, người lao động ăn lương có thể quay lại làm việc.

Theo báo cáo ngày 30/7 với tựa đề “Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? Tác động kinh tế của Covid-19”, WB đánh giá Việt Nam dù đứng trước rất nhiều khó khăn, nhưng cũng ở vị thế tốt để có thể thoát khỏi bẫy kinh tế của Covid-19, ít nhất vì hai lý do:

Một là Chính phủ đã tích lũy được dư địa tài khóa đủ để triển khai một gói kích thích tài khóa ấn tượng. Tác động tích cực của gói kích thích tài khóa có thể được tối đa hóa nếu các cấp có thẩm quyền có khả năng lựa chọn những dự án đem lại tác động số nhân lớn nhất cho việc làm và cho toàn bộ nền kinh tế.

Tiếp đó, do sớm thoát khỏi quỹ đạo dịch bệnh, Việt Nam có thể nâng tầm dấu ấn của mình trên nền kinh tế thế giới thông qua thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đang tìm cách đa dạng hóa hoạt động và giảm thiểu rủi ro với các cú sốc tương lai. Việt Nam cũng có thể đa dạng hóa thương mại bằng cách gây dựng liên minh với các quốc gia khác có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 thấp và thông qua xuất khẩu gạo (và nông sản khác) đến ngày càng nhiều quốc gia đang đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực.

Riêng về khả năng thu hút doanh nghiệp nước ngoài, theo Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier, sức chống chịu tốt của nền kinh tế Việt Nam củng cố tâm lý của nhà đầu tư EU. “Việt Nam đã chứng tỏ mình là một thị trường mạnh mẽ, có khả năng phục hồi và là một thị trường vẫn hấp dẫn và rộng mở cho việc kinh doanh trong khi các nước khác còn phải tiếp tục đấu tranh để đối phó với virus…”, ông Nicolas Audier nói.

3. Việt Nam có động lực, nền tảng và kinh nghiệm để phục hồi và phát triển kinh tế trong và hậu Covid-19. Nhưng cụ thể về “đường đi nước bước”, theo chuyên gia WB, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đầu năm 2020 dựa vào cả nhu cầu của nước ngoài và tiêu dùng trong nước. Trong thời gian tới, hai động lực trên khó có thể ngay lập tức quay lại các mức trước khủng hoảng, do vậy Việt Nam cần tìm mọi cách để kích thích kinh tế trong vài tháng tới sao cho không gây hại về bền vững tài khóa và bền vững nợ về lâu dài. Với tầm nhìn như vậy, các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc ba hướng hành động:

Một là, phải tiếp tục từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, từng bước mở cửa quốc gia để đón khách quốc tế.

Hai là, tập trung vào chính sách tài khóa, là công cụ truyền thống để kích thích khôi phục kinh tế. Đối với Việt Nam, chính sách đó không nhất thiết có nghĩa là phải chi nhiều hơn mà nên đẩy nhanh tốc độ triển khai ngân sách đầu tư đã phê duyệt. Nếu Chính phủ có khả năng nâng cao tốc độ triển khai ngân sách được phê duyệt cho năm 2020 từ 65 lên 75%, qua đó trực tiếp bơm khoảng 4 tỷ USD vào nền kinh tế. Điều này cũng đòi hỏi Chính phủ có hành động cụ thể nhằm cải thiện về quản lý chương trình đầu tư công.

Ba là, hỗ trợ khu vực tư nhân phục hồi. Ở khía cạnh này, các chuyên gia cho rằng các cấp có thẩm quyền Việt Nam nên thực hiện theo cách có lựa chọn chứ không nên dùng nguồn lực để hỗ trợ cho mọi doanh nghiệp, cụ thể là phải nghĩ cách hỗ trợ các doanh nghiệp thiết thực nhất, ít nhất ở hai ngành du lịch (đóng góp đến 7,9% GDP và sử dụng trực tiếp 750.000 người lao động) và ngành chế tạo chế biến hàng xuất khẩu (đang tổn thương nghiêm trọng).

Lựa chọn vừa chống dịch vừa đảm bảo hoạt động kinh tế xã hội của Việt Nam đang phát huy hiệu quả, nhưng theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn có khả năng bị tổn thương với những đợt sóng lây nhiễm virus Corona mới, và kể cả không có thì vẫn có thể bị kẹt trong “bẫy kinh tế Covid-19”. Vì thế tạo các động lực tăng trưởng mới để tránh “bẫy kinh tế Covid-19” đang là nhiệm vụ hàng đầu.

Nguồn: Báo Công luận

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: