Điểm tin

Malaysia, Thái Lan, Indonesia chi tiền kích cầu mua sắm, du lịch

07 tháng 10. 2020

Chính phủ các nước Đông Nam Á thực hiện nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ để kích cầu tiêu dùng, du lịch.

Đại dịch COVID-19 đã làm tê liệt nhiều nền kinh tế trên thế giới, với mức tiêu thụ sụt giảm do đóng cửa và các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của SARS-COV-2.

Chính phủ các nước đã tung ra các chương trình ưu đãi và trợ cấp, thậm chí phát tiền mặt để khuyến khích chi tiêu trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng, chẳng hạn như du lịch trong nước, thực phẩm và đồ uống, bán lẻ và giải trí.

Trong khi hầu hết người dân hoan nghênh sự hỗ trợ, vẫn có những lo ngại rằng sáng kiến kiểu ​​như vậy có thể dẫn đến sự bùng phát dịch khi mọi người đổ xô đi mua sắm, ăn uống hoặc du lịch.

Malaysia

Ở Malaysia, công dân từ 18 tuổi trở lên có thu nhập năm dưới 100.000 ringgit (khoảng 550 triệu đồng) được nhận 50 ringgit vào ví điện tử theo chương trình e-Penjana (penjana trong tiếng Malaysia có nghĩa như "khởi tạo").

Khoản tín dụng dành cho mua sắm tạp hóa, nhiên liệu, điện nước... được giải ngân trong tuần này. Người dùng đăng ký e-Penjana thành công còn được tặng thêm phiếu mua hàng, giảm giá hoặc hoàn tiền từ các đơn vị khai thác ví điện tử với giá trị ít nhất 50 ringgit. Khoảng 750 triệu ringgit (hơn 4.000 tỷ đồng) sẽ được chi ra trong chương trình này.

Theo Carina Li, 34 tuổi, nhân viên của một công ty phát triển bất động sản, việc nạp tiền vào ví điện tử đã thúc đẩy cô chi tiêu nhiều hơn một chút trên các trang thương mại điện tử trong đợt khuyến mãi mua sắm trực tuyến ngày 9/9.

Indonesia

Ở Indonesia, từ cuối tháng 8, chính phủ bắt đầu giải ngân khoản hỗ trợ 2,4 triệu rupiah cho mỗi người lao động thông qua tài khoản ngân hàng. Chương trình này áp dụng cho khoảng 15,7 triệu lao động có mức lương tháng dưới 5 triệu rupiah, kéo dài trong bốn tháng.

Bộ trưởng Nhân lực Ida Fauziyah chia sẻ trên tờ The Jakarta Post: "Khoản hỗ trợ bằng tiền được mong đợi sẽ duy trì sức mua của người dân và thúc đẩy chi tiêu, từ đó tác động cấp số nhân lên sự tăng trưởng kinh tế".

Chính phủ cũng đang cung cấp chế độ du lịch và lưu trú miễn phí cho 4.440 người dân Bali, trong chương trình khuyến mãi kéo dài 7 tuần bắt đầu từ 7/10. Sáng kiến này nhằm mục đích thúc đẩy du lịch sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch, cũng là để kiểm chứng quy trình phòng chống dịch của Bali.

Thái Lan

Thái Lan đã phát động chiến dịch kích cầu du lịch We Travel Together từ tháng 7, kéo dài đến tháng 12. Chiến dịch trị giá 22,4 tỷ baht (hơn 16 nghìn tỷ đồng) cung cấp các gói ưu đãi giảm giá 40% phòng khách sạn và nhà hàng. Khách du lịch di chuyển bằng đường hàng không cũng được hoàn lại 40% tiền vé máy bay sau khi hoàn thành chuyến đi.

Đây là chương trình dành riêng cho công dân Thái Lan từ 18 tuổi trở lên. Để được nhận ưu đãi, họ phải đi du lịch, lưu trú và ăn uống ở một tỉnh thành khác với địa phương đăng ký sinh sống.

Tính riêng ngày 5/9, lượng đặt phòng khách sạn ở Thái Lan đã lên tới 2,5 tỷ baht, theo thống kê của Tổng cục Du lịch Thái Lan. Các điểm đến phổ biến nhất bao gồm Chon Buri, Phuket và Bangkok.

Thái Lan cũng có kế hoạch phân phối 3.000 baht cho 10 triệu người để sử dụng trong các giao dịch mua sắm nhỏ, thông qua một ứng dụng do Ngân hàng quốc doanh Krungthai phát triển. Công dân Thái Lan từ 18 tuổi trở lên có thể đăng ký chương trình này từ tháng 11. Theo đó, Chính phủ sẽ chi trả một nửa chi phí cho các mặt hàng đã mua, tối đa 100 baht mỗi ngày, để kích cầu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nguồn: Cống thông tin ASEAN - Việt Nam

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: