Điểm tin

Vực dậy nền kinh tế, Indonesia mạnh tay hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

07 tháng 10. 2020

Indonesia tìm cách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế vì COVID-19.

Mới đây, Chính phủ Indonesia đã bắt tay với nhiều công ty công nghệ và thương mại điện tử để cung cấp khóa đào tạo về ứng dụng kỹ thuật số, nâng cao kỹ năng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) trong giai đoạn khủng hoảng vì COVID-19.

Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia hợp tác với Hiệp hội Thương mại Điện tử Indonesia (IdEA) triển khai các lớp học trực tuyến cho 2.500 DNVVN từ ngày 5/10 đến 12/12/2020.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Johnny G. Plate cho biết chương trình này hướng tới các doanh nghiệp bên ngoài đảo Java, đặc biệt là những doanh nghiệp ở vùng kém phát triển và 5 khu vực ưu tiên phát triển du lịch, bao gồm Borobudur ở Trung Java, Mandalika ở Tây Nusa Tenggara và Hồ Toba ở Bắc Sumatra .

“Chúng tôi đã thấy những điển hình thành công trong việc số hóa DNVVN, chủ yếu trên đảo Java. Vì vậy, chúng tôi mong muốn thành công tương tự trên toàn quốc ”, Bộ trưởng Johnny G. Plate nói tại buổi ra mắt chương trình. "Chúng tôi cũng muốn thấy những doanh nghiệp tham gia kinh doanh trên nền tảng số tiếp tục nâng cao khả năng thông qua chương trình này."

Tính đến nay đã có khoảng 9,4 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trên mạng, đạt mục tiêu của chính phủ Indonesia đề ra là có 10 triệu doanh nghiệp nhỏ sẽ thực hiện chuyển đổi kỹ thuật số vào cuối năm nay.

Nền kinh tế Indonesia chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp nhỏ, chiếm hơn 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và sử dụng phần lớn lực lượng lao động. Các doanh nghiệp nhỏ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng phát COVID-19, khi nền kinh tế trong quý II tiếp tục suy giảm 5,32% so với cùng kỳ năm trước.

Một nghiên cứu của Viện Mandiri cho thấy nếu các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa được số hóa (MSMEs) có thể giúp Indonesia giảm đáng kể tác động của đại dịch lên nền kinh tế. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các MSME kinh doanh trực tuyến phục hồi tốt hơn, vì họ có nhiều khả năng tiếp tục duy trì sản xuất, bán hàng, từ đó dễ tồn tại trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay.

Chủ tịch IdEA Bima Laga cho biết những doanh nghiệp tham gia chương trình có thể theo học 60 khoá như xây dựng thương hiệu, phát triển kỹ năng mềm và tài chính kinh doanh.

“Sau khóa đào tạo, chúng tôi sẽ theo dõi doanh số bán hàng của họ để xem liệu có tăng trưởng không. Hy vọng những người tham gia chương trình có thể thu nạp kiến ​​thức kỹ thuật số tốt hơn và cải thiện sinh kế của họ,” Chủ tịch IdEA Bima Laga nói.

Anang Latif, lãnh đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, thông tin thêm, giai đoạn đầu của chương trình đã có 6.500 người đăng ký. Nếu tình hình kinh doanh thực sự cải thiện, giai đoạn hai của chương trình sẽ tiếp tục được triển khai trong năm tới.

“Chuyển đổi số là tất yếu. Chúng tôi muốn DNVVN biết cách sử dụng nền tảng trực tuyến để chuẩn bị cho kỷ nguyên 5G ”, ông nói.

Đầu tuần trước, Bộ Thương mại Indonesia cũng tuyên bố hợp tác với Facebook để mở các lớp học trực tuyến và ngày hội mua sắm cho DNVVN từ tháng 10/2020 đến tháng 1/2021.

“Thông qua hợp tác này, các DNVVN địa phương được kỳ vọng sẽ có thêm những kỹ năng và kiến ​​thức mới để tồn tại, phát triển và mở rộng thị trường thông qua các nền tảng trực tuyến như Facebook, Instagram và WhatsApp”, Bộ trưởng Thương mại Agus Suparmanto cho biết.

Đại diện Facebook tại Indonesia cũng khẳng định quyết tâm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ở các SME trong nỗ lực cùng chính phủ vực dậy nền kinh tế.

Nguồn: Cổng thông tin ASEAN - Việt Nam

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: