Điểm tin

Kích thích tài khóa - Biện pháp tối ưu để Indonesia thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

15 tháng 01. 2021

Quá trình phục hồi kinh tế từ COVID-19 sẽ đầy thách thức do sự gia tăng nghèo đói, thất nghiệp và bất bình đẳng kinh tế, vì vậy chiến lược tài khóa phải được thực hiện một cách thận trọng.

Báo Antara số ra mới đây đăng bài viết nhận định, thời điểm đại dịch COVID-19 chấm dứt là điều khó đoán định. Bắt đầu từ vấn đề sức khỏe, đại dịch đã có tác động lớn đến vấn đề kinh tế. Hầu hết tất cả các nước đều phải đối mặt với suy thoái kinh tế.

Vai trò của chính sách tài khóa

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong báo cáo tháng 9/2020 cho biết, tất cả các quốc gia đã áp dụng chính sách tài khóa để đối phó với tác động của đại dịch COVID-19. Điều này cũng có nghĩa là các biện pháp chi tiêu bổ sung và nới lỏng định lượng trên sẽ có tác động đến thu ngân sách nhà nước.

Tính đến tháng 9/2020, giá trị các khoản hỗ trợ kinh tế của các nước đã đạt khoảng 11.700 tỷ USD tương đương hơn 12%

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trên toàn cầu, hậu quả của các chính sách tài khóa khác nhau như thâm hụt ngân sách tăng vọt lên trung bình 9% GDP, cũng như nợ chính phủ được dự báo sẽ đạt mức cao kỷ lục 100% GDP. 

Hơn nữa, quá trình phục hồi kinh tế từ COVID-19 sẽ đầy thách thức do sự gia tăng nghèo đói, thất nghiệp và bất bình đẳng kinh tế. Vì vậy, chiến lược tài khóa phải được thực hiện một cách thận trọng.

Giống như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, hầu hết tất cả các quốc gia đã triển khai nhiều chương trình kích thích khác nhau để cứu nền kinh tế. Hầu hết các quốc gia đều rơi vào bẫy nợ, thậm chí ở châu Âu, đại địch đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tiếp theo dưới dạng khủng hoảng nợ.

Vào thời điểm đó, Indonesia là một trong số ít quốc gia có thể thoát khỏi khủng hoảng và chỉ trải qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế chậm lại. Hiện đang đối mặt với đại dịch COVID-19, nền kinh tế Indonesia năm 2021 được dự đoán sẽ bước vào giai đoạn phục hồi, sau khi trong quý III/2020 tăng trưởng -3,49% và trong quý II/2020 là -5,32% so với cùng kỳ năm trước đó.

Trong khi đó, theo báo cáo do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố, tăng trưởng kinh tế của Indonesia có nhiều triển vọng hơn cả các nước phát triển, trong bối cảnh kinh tế của Anh giảm 20,4%, Pháp giảm 13,8%, Italy giảm 12,4% và Canada giảm 12%.

Nhiều yếu tố đã góp phần gây ra suy thoái kinh tế ở các nước này, như việc thực hiện phong tỏa đất nước dẫn đến mất việc làm, giảm sức mua và thất thu thuế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế -5,3% của Indonesia vẫn cho thấy nền kinh tế này có thể bước vào giai đoạn phục hồi trong chu kỳ kinh doanh và đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của đợt khủng hoảng. 

Tuy nhiên, một chiến lược tài khóa là cần thiết để đối phó với tình hình kinh tế hiện tại. Cần có những điều chỉnh tài khóa trong những năm đầu sau khủng hoảng diễn ra suôn sẻ và từ từ. Thâm hụt tài khóa được dự báo là trong khoảng 6,5% GDP vào năm 2020 và 5,5% vào năm 2021. 

Đối với một quốc gia đang phát triển như Indonesia, điều quan trọng là phải tập trung vào việc tăng thu ngân sách của chính phủ, thay vì giảm chi tiêu. Bộ Tài chính cũng cần tiếp tục khuyến khích tăng thu, thông qua cả tăng cường và mở rộng.

Rủi ro gánh nặng tài chính

Sau khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia sẽ phải chịu gánh nặng tài chính rất lớn. Chính phủ Indonesia đã đưa ra một số chính sách dưới hình thức kích thích kinh tế để giảm bớt gánh nặng cho giới kinh doanh trong bối cảnh đại dịch. 

Một số kích thích tài khóa bao gồm nới lỏng trong lĩnh vực thuế, hải quan đối với mặt hàng tiêu thụ đặc biệt, ngân hàng, lĩnh vực thương mại, phúc lợi công cộng và các lĩnh vực y tế, hỗ trợ cho các công ty vừa và nhỏ. 

Các biện pháp này được nêu trong Luật số 2 năm 2020, liên quan đến những thay đổi một số quy định trong Luật số 1 năm 2020 về chính sách tài chính nhà nước và sự ổn định của hệ thống tài chính nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19.

Động thái này cũng được đánh giá là quan trọng trong bối cảnh Indonesia đang đối mặt với các mối đe dọa gây nguy hiểm cho nền kinh tế quốc gia và sự ổn định của hệ thống tài chính. 

Trong một năm cầm quyền của Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) và Phó Tổng thống Ma'ruf Amin, các quỹ kích thích kinh tế được trích từ các khoản tiết kiệm thông qua việc tái tập trung và phân bổ lại quỹ trong Ngân sách Nhà nước (APBN).

Theo số liệu thống kê, các khoản tiền này được phân bổ thành ba khoản kích thích kinh tế. Thứ nhất, khoản hỗ trợ 8.500 tỷ Rp (610 triệu USD) dành cho các lĩnh vực công nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch. 

Thứ hai, khoản kích thích trị giá 22.500 tỷ Rp hồi tháng 3/2020 tập trung vào việc hỗ trợ sức mua của người dân và khuyến khích xuất nhập khẩu dễ dàng. Chính phủ cũng đưa ra các biện pháp kích thích phi tài khóa cũng như các chính sách liên quan đến khu vực tài chính. 

Thứ ba, khoản hỗ trợ trị giá 405.100 tỷ Rp tập trung vào sức khỏe cộng đồng và bảo trợ xã hội, cũng như ổn định hệ thống tài chính. Cụ thể, gói hỗ trợ này được chuyển đến các chương trình y tế, mạng lưới an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSME), phục hồi kinh tế, kinh doanh và các chính sách khu vực tài chính. 

Gói kích thích thứ ba sau đó đã được thêm vào quỹ tích lũy với tổng cộng 695.200 tỷ Rp, tương đương 4,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani, gói kích thích tài chính để ứng phó với dịch COVID-19 và Phục hồi Kinh tế Quốc gia (PEN) vẫn đang đối mặt với những thách thức ở cấp độ hoạt động và quy trình hành chính.

Hiệu quả đối với nền kinh tế

Trong bối cảnh đại dịch vẫn đang lan rộng. chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách khác nhau để giảm áp lực kinh tế. Tất cả các công cụ tài chính và tiền tệ đã được thực hiện. Các biện pháp này đã mang lại kết quả, mặc dù hiệu quả chưa rõ ràng xét theo các chỉ tiêu kinh tế khác nhau. 

Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) với tư cách là cơ quan quản lý tiền tệ nhận thấy tăng trưởng kinh tế trong nước đang cải thiện chậm chạp, chủ yếu được thúc đẩy bởi các biện pháp kích thích tài khóa và cải thiện xuất khẩu. 

Theo Thống đốc Ngân hàng trung ương Indonesia, Perry Warjiyo, diễn biến trong tháng 8-9/2020 cho thấy chi tiêu của chính phủ đã tăng lên do kích thích tài chính liên quan đến bảo trợ xã hội và hỗ trợ cho các MSME. Đầu tư xây dựng cũng tăng. Tình hình phù hợp với việc tiếp tục các dự án chiến lược quốc gia (PSN) khác nhau và có thể hỗ trợ sự phục hồi kinh tế trong bối cảnh tiêu dùng hộ gia đình hạn chế. 

Trong tương lai, sự phục hồi kinh tế trong nước được dự báo sẽ được duy trì, nhờ sự cải thiện của nền kinh tế toàn cầu và chính quyền trung ương và khu vực tăng cường chi ngân sách. Hiện tại, nhiều yếu tố có thể vực dậy nền kinh tế của một quốc gia. Một trong số đó là sự xuất hiện của vaccine phòng COVID-19, đây là một trong những hy vọng lớn của cộng đồng.

Thông tin về dòng vốn mạnh từ đầu tháng 1/2021 được tất cả các nhóm, trong đó có các nhà đầu tư hưởng ứng tích cực. Phản ứng của thị trường là rất lạc quan, thể hiện qua việc chỉ số giá chứng khoán trên thị trường vốn được củng cố và khuyến khích việc tăng tỷ giá đồng rupiah. 

Mặc dù vậy, đại dịch vẫn là một bóng ma đáng sợ trong những năm tiếp theo. Vấn đề chính phải được giải quyết đầu tiên là kiểm soát COVID-19. Hợp tác giữa tất cả các nhóm trong việc thực hiện các quy trình y tế là một trong những yếu tố chính để hướng tới cải thiện nền kinh tế quốc dân trước khi quá trình tiêm chủng được triển khai. 

Về chính sách tài khóa, chính phủ cần nhất quán và thận trọng trong việc thiết kế các chính sách tài khóa để tránh mắc bẫy nợ. Tính bền vững tài khóa phải là một ưu tiên phù hợp với các nỗ lực khác của chính phủ trong quá trình phục hồi kinh tế quốc gia đang diễn ra.

Chi tiêu ngân sách và các biện pháp khuyến khích như thuế, tín dụng doanh nghiệp (KUR) và kích thích kinh tế có thể được phân bổ phù hợp để ngăn chặn ảnh hưởng của đại dịch và có hiệu quả trong quá trình phục hồi kinh tế./.

Nguồn: Báo Bnews

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: